Ổn định tài chính: nhận dạng rủi ro hệ thống và tăng cường cẩn trọng vĩ mô

NDO -

NDĐT- Nhận dạng các rủi ro hệ thống và khuyến nghị các chính sách tăng cường sự cẩn trọng vĩ mô, nhằm giữ ổn định hệ thống tài chính là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học quốc tế, vừa được Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia phối hợp UNDP (Chương trình Phát triển LHQ) tổ chức, khai mạc sáng 12-6 tại Vĩnh Phúc.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, rủi ro hệ thống là vấn đề luôn nóng ở mọi quốc gia, nhất là các nước mới bước đầu phát triển thể chế tài chính thị trường. Rủi ro hệ thống có thể hiểu là tình trạng tiền khủng hoảng khi có một tác nhân hay một cú sốc nào đó phát sinh ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn hệ thống tài chính, gây mất mát, thiệt hại kinh tế hay sụt giảm giá trị không chỉ đối với hệ thống tài chính, mà còn có thể lây lan sang nền kinh tế thực, gây tổn thất vật chất cho sản lượng thực của nền kinh tế và phúc lợi xã hội.

Rủi ro hệ thống tài chính là hội tụ và cộng hưởng hệ lụy các nhóm nguyên nhân đa dạng, từ rủi ro kinh tế, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro đạo đức. Rủi ro hệ thống phản ánh sự thất bại trực tiếp của hoạt động giám sát an toàn vi mô và cũng đạt yêu cầu nâng cao vai trò của giám sát cẩn trọng vĩ mô.

Việc lượng hóa rủi ro hệ thống tài chính là không dễ và không như nhau cho các nền kinh tế và giai đoạn, bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, yêu cầu chung đặt ra cho giám sát vĩ mô là xây dựng hệ thống các khuôn khổ và quy định nhằm giám sát, đánh giá, điều tiết các phản ứng chính sách phù hợp với hệ thống tài chính nhìn từ góc độ tổng thể, chứ không chỉ tập trung vào từng định chế tài chính riêng lẻ hay các biện pháp kinh tế nhất định một cách biệt lập.

Chính sách an toàn vĩ mô đòi hỏi, một mặt, bảo đảm sự phù hợp của các chuẩn mực quy định; mặt khác, bảo đảm các định chế tài chính tuân thủ đúng các chuẩn mực này.

Ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần tăng cường tiêu chuẩn hoá và tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính; đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức các cơ quan và sự phối hợp hoạt động của các cơ quan giám sát tài chính nhằm ngày càng cải thiện chất lượng giám sát và giảm thiểu các rủi ro tài chính, cả vĩ mô cũng như vi mô, trước mắt cũng như lâu dài.