Nỗ lực thực hiện bảo đảm an ninh lương thực

NDO -

Sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa là động lực để phát triển các nền tảng số như: thương mại điện tử; số hóa và cải tiến hệ thống truy xuất nguồn gốc, dịch vụ hậu cần, vận tải, kiểm tra kiểm soát chất lượng và an toàn dịch bệnh.

Đại diện các nước thành viên thành viên APEC tham dự hội nghị ngày 19/8.
Đại diện các nước thành viên thành viên APEC tham dự hội nghị ngày 19/8.

 Sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa là nền tảng công nghệ số

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng APEC về an ninh lương thực, ngày 19/8 , Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao nỗ lực của New Zealand, với vai trò là nền kinh tế chủ nhà APEC 2021, trong việc thúc đẩy kết nối các thành viên.

Đồng thời, ông tin tưởng, Hội nghị là cơ hội để các nền kinh tế APEC cùng nhau thảo luận và xây dựng định hướng hợp tác chung từ nay đến năm 2030, nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và thế giới.

Với chủ đề về số hóa, đổi mới hệ thống lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đóng góp 3 ý kiến, đúc rút từ thực tiễn Việt Nam, trong tiến trình phục hồi và phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Một là, kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian.

Thứ trưởng Doanh cho rằng, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa là động lực để phát triển các nền tảng số như: thương mại điện tử; số hóa và cải tiến hệ thống truy xuất nguồn gốc, dịch vụ hậu cần, vận tải, kiểm tra kiểm soát chất lượng và an toàn dịch bệnh

Trong tương lai, các công cụ quản lý số sẽ mở ra cơ hội rút ngắn thời gian thanh kiểm tra và thông quan hàng hóa, giảm thất thoát lương thực trong quá trình vận chuyển.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về sản xuất hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho từng nền kinh tế và cả khu vực.

Theo Thứ trưởng, dữ liệu cần được thống kê đa chỉ số, bao gồm cả sự di chuyển nguồn vốn, công nghệ và lao động để phục vụ công tác thống kê, dự báo xu hướng sản xuất, xu thế thương mại trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai hoặc các xu thế mới trong tiêu dùng lương thực. Đây là biện pháp nhằm chống chọi với sự bất ổn của các yếu tố đầu vào sản xuất, như lao động, biến đổi khí hậu.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ 4.0 ngay từ cấp độ hộ nông dân, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp Việt Nam, hướng tới việc thiết lập cơ sở dữ liệu lớn (Big Data).

Mục tiêu của Việt Nam, là đến năm 2025 có khoảng 75-80% doanh nghiệp, nông hộ tham gia vào ứng dụng kỹ thuật số và khoa học tiên tiến trong sản xuất, thương mại và cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cũng đang đẩy mạnh xây dựng Trung tâm sáng tạo về Hệ thống Lương thực thực phẩm (Food Innovation Hub), và mong muốn nhận sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các nền kinh tế trong APEC và các cơ chế hợp tác quốc tế khác.

"Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cao nhất thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của ngành nông nghiệp càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện 'bình thường mới'. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ủng hộ và cam kết hợp tác đầy đủ trong các nội dung đã được nêu trong Lộ trình An ninh lương thực APEC 2030. Văn kiện này sẽ tạo ra khung hợp tác hiệu quả giữa các thành viên trong thời gian tới, nhằm phát triển bền vững hệ thống lương thực khu vực góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Tăng trưởng nông nghiệp là biện pháp hữu hiệu để xóa đói -0
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đóng góp ý kiên tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng APEC về an ninh lương thực được tổ chức ngày 19/8.

Hướng tới đi đầu trong việc bảo đảm an ninh lương thực

Cảm ơn những sáng kiến đóng góp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, kiêm Chủ trì Hội nghị APEC ngày19/8, Damien O'Connor cho biết, mục tiêu của APEC là trở thành khu vực đi đầu trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Để thực hiện, tổ chức sẽ lấy trọng tâm là sự bền vững của các nền kinh tế, mà trước tiên là an ninh lương thực.

Bà Rachel Taulelei, Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ ABAC, đề cao vai trò của APEC, đồng thời nhấn mạnh khẩu hiệu "Không để ai tụt lại phía sau" trong cách triển khai các hệ thống lương thực, thực phẩm. Bà cũng tập trung vào vai trò của khu vực tư nhân trong định hướng phát triển lâu dài của APEC, và đề nghị Chính phủ các nước có những cam kết, nỗ lực mạnh mẽ, cả về tự do hóa thương mại, lẫn lưu chuyển hàng hóa quốc tế.

Chung quan điểm với bà Taulelei, ông Khuất Đông Ngọc, Tổng thư ký Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố số liệu, rằng có khoảng 161 triệu người trên hành tinh đang rơi vào nạn đói. Do tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các tác động khác từ môi trường, 660 triệu người có nguy cơ đối mặt với nạn đói vào năm 2030.

"Tăng trưởng nông nghiệp là biện pháp hữu hiệu để xóa đói", ông Khuất Đông Ngọc nhận định. Ông cũng đề ra các giải pháp cấp bách, gồm giảm chi phí thất thoát lương thực, đặc biệt ở các nước đang phát triển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm tìm ra những biện pháp tổng thể cho cả khu vực.

Đại diện các nước tham dự Hội nghị APEC sáng 19/8, như Philippines, Malaysia, Nhật Bản... hứa tập trung vào các công nghệ số, chuyển đổi số, đồng thời cam kết xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ để xây dựng quan hệ chặt chẽ với khối tư nhân, các viện nghiên cứu. Qua đó, các nước sẽ thành lập các hệ thống cảnh báo sớm, giúp giảm nhẹ, phòng tránh thiên tai.