Mở “nút thắt” cho năng lượng tái tạo

NDO -

Được coi là nguồn năng lượng của tương lai, Chính phủ đang kỳ vọng tận dụng hiệu quả tiềm năng vô tận từ các nguồn năng lượng tái tạo để phát triển điện năng, trong khi các nguồn cung khác đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều  giải pháp để mở “nút thắt” cho dạng năng lượng này.

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển NLTT.
Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển NLTT.

Nguồn năng lượng của tương lai
Được ví là vùng đất “gió như phang, nắng như rang”, Ninh Thuận không có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hay công nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, Ninh Thuận lại nổi lên là một trong những địa phương tiềm năng hàng đầu cả nước về năng lượng gió và mặt trời.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Giám đốc Công ty Sunseap Links chia sẻ, Ninh Thuận là nơi có bức xạ nhiệt tốt nhất Việt Nam, có tốc độ gió vào loại tốt nhất Việt Nam, có tiềm năng vô cùng lớn để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Đây là lý do Sunseap Links quyết định đầu tư Nhà máy Điện Mặt trời Sunseap (168 MW) tại huyện Ninh Sơn, hiện đã đi vào vận hành và hòa lưới. Sunseap Links cũng đặt mục tiêu đầu tư khoảng 518 MW điện mặt trời tại địa phương này.

Cùng với Ninh Thuận, rất nhiều địa phương khác tại khu vực miền nam, Tây Nguyên của nước ta có tiềm năng lớn để phát triển NLTT, đặc biệt là gió và mặt trời. Đây cũng được đánh giá là dạng năng lượng của tương lai, khi các nguồn thủy điện đã khai thác hết, không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong thời gian tới và các nguồn nhiệt điện hay điện dầu tốn khá nhiều chi phí để vận hành.

Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, những tháng đầu năm, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng hơn 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng hơn 11%. Tình hình thuỷ văn vẫn bất lợi, dù đã phải huy động tối đa điện sản xuất từ điện than, khí, năng lượng tái tạo, EVN vẫn phải huy động nguồn điện dầu giá cao. Dự kiến, từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện đang trở nên hiện hữu. Thậm chí, tình trạng thiếu điện miền nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025, nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về điện lực, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) điều chỉnh thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của NLTT đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng NLTT. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2020 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. 

Chỉ trong một năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển NLTT. Đặc biệt, với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường NLTT sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á ở thời điểm này. Tính đến nay, nguồn điện mặt trời đã chiếm khoảng 10% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.

Đơn cử, Bình Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước với số giờ nắng, giờ gió, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao. Vì thế, phát triển điện gió tại tỉnh đang có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, Bình Thuận đã có 20 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, đầu tư và 95 dự án điện mặt trời đăng ký và đầu tư.

Tạo thuận lợi cho các dự án NLTT
Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón một làn sóng đầu tư lớn từ nước ngoài sau đại dịch Covid-19, trong đó có lĩnh vực NLTT. Muốn đón được làn sóng này, phải có chính sách tốt, ưu việt để khuyến khích doanh nghiệp, nhất là nhà đầu tư tư nhân.

Theo đó, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển NLTT, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. 

Đồng ý kiến về vấn đề giá điện, ông Nguyễn Hoài Bắc cho hay, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam chỉ rõ, giá điện mặt trời đưa ra đấu thầu là 7,09 cent/kWh điện mặt trời; điện mặt trời mặt hồ là 7,59 cent/kWh và điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh. 

“Tuy nhiên, cần làm rõ mức 7,09 cent/kWh là giá trần hay giá sàn? Nếu 7,09 cent/kWh là giá sàn thì rất nhiều nhà đầu tư dám vào. Còn nếu lấy giá trần là 7,09 cent/kWh, cộng lãi ngân hàng thì doanh nghiệp không có lãi, vì chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư đấu nối lên lưới đã rất cao”, ông Nguyễn Hoài Bắc kiến nghị.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhấn mạnh, để phát triển NLTT hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư, nên tập trung vào các nội dung như chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Cụ thể, về chính sách, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và lưới truyền tải. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống NLTT phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ là các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Bên cạnh đó, tập trung tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện NLTT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện.