Mở “cánh cửa lớn” cho nông nghiệp (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Hiện thực hóa giấc mơ làm giàu

Liên kết đã trở thành xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại của tất cả các quốc gia trên thế giới. Vấn đề đặt ra là cần đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, tận dụng thời cơ, thúc đẩy và mở rộng liên kết để đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. 

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Phong Thúy (Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: MAI VĂN BẢO
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Phong Thúy (Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: MAI VĂN BẢO

Hợp tác xã chưa “tròn vai”

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong liên kết phát triển nông nghiệp hiện nay chính là hoạt động thiếu hiệu quả của các hợp tác xã (HTX). Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT tỉnh Hưng Yên) Lê Văn Thắng: Hiện nay, các HTX nông nghiệp kiểu mới chủ yếu mới thành lập, do vậy nguồn lực về tài chính cũng như nhân lực còn hạn chế dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ chưa tạo ra liên kết chặt chẽ, hiệu quả với nông dân và doanh nghiệp.

Theo đó, số hộ nông dân, chủ trang trại tham gia liên kết chưa nhiều với những hợp đồng liên kết chủ yếu theo mùa vụ, chu kỳ chăn nuôi chứ chưa mang tính dài hạn và bền vững. Tinh thần sẵn sàng hợp tác, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP,... của các hộ nông dân trong HTX còn yếu. Chính vì vậy, các HTX nông nghiệp chưa phát huy được vai trò chủ trì liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng nhận định: Hiện nay, vai trò cầu nối của HTX trong thực hiện dự án, kế hoạch còn yếu, còn lúng túng trong việc lập dự án liên kết, xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cũng như giải ngân nguồn vốn được hỗ trợ. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rõ, chính sách hỗ trợ cho các loại hình liên kết nói chung cũng như HTX nói riêng hiện còn nhiều bất cập. Thí dụ, quy định mức hỗ trợ kinh phí tối đa bị khống chế quá thấp, phải chia ra hỗ trợ trong nhiều năm nên không thực sự hiệu quả; điều kiện được hỗ trợ là liên kết ba năm với sản phẩm cây hằng năm và 5 năm với cây ăn quả nhưng chính sách lại chỉ được thực hiện trong ba năm (2020 - 2022), dẫn đến không thực hiện được với cây ăn quả và khó thực hiện với cây hằng năm ở các năm tiếp theo.
 
Bên cạnh đó, nhiều liên kết theo chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả bền vững là do trong các ngành hàng vẫn còn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng từ hai phía. Ngay tại tỉnh Lâm Đồng - một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về liên kết phát triển nông nghiệp thì cũng vẫn xảy ra tình trạng này. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu cho biết: Vấn đề này đã được tỉnh lưu ý nhiều lần, nhưng trong thực tiễn vẫn xảy ra.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) Lê Thanh Tùng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến một trong những liên kết lớn nhất trong ngành lúa gạo là mô hình cánh đồng lớn đang dần bị thu hẹp sau một thời gian triển khai với nhiều kỳ vọng. Đối với mô hình này, tình trạng “bẻ kèo” không chỉ đến từ phía nông dân mà cả doanh nghiệp. Nguyên nhân là vào những thời điểm thu hoạch rộ, nông dân phần lớn bán lúa tươi tại ruộng, nên không phải doanh nghiệp nào cũng ngay lập tức có đủ nguồn lực tài chính để thu mua, hay có đầy đủ hệ thống nhà kho, máy sấy và các thiết bị liên quan để trữ lúa, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hủy hợp đồng hoặc chỉ thu mua được một phần. Đến thời điểm này, vẫn chưa có chế tài đủ mạnh xử lý tranh chấp hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
 
Cần sự chuyên nghiệp của mọi chủ thể

Trao đổi về những giải pháp đẩy mạnh liên kết trong phát triển nông nghiệp hiện nay, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng: Muốn thực hiện tốt liên kết đòi hỏi sự chuyên nghiệp của các chủ thể liên kết, cụ thể nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất; HTX, doanh nghiệp là chủ thể thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó, sản xuất nông nghiệp là xuất phát điểm, là mắt xích đầu tiên của quá trình liên kết, cho nên sự chuyên nghiệp của nông dân đóng vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi. Nhận thức của người nông dân có tính chất quyết định đến thành công của các chuỗi liên kết. Bởi lẽ khi nông dân nhận thức được tầm quan trọng của liên kết thì họ sẽ tự nguyện tham gia vào các tổ hợp tác, HTX, hiệp hội ngành hàng, để sản xuất quy mô lớn, cùng chủng loại, cùng quy trình kỹ thuật, canh tác, thời điểm thu hoạch… nhằm tăng giá trị cho sản phẩm chứ không phải trồng gì bán nấy và bán theo kiểu “đổ đồng” cho thương lái. Đối với HTX, cần nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện đúng vai trò là “hạt nhân cơ sở”, là chất kết dính giữa các xã viên với nhau, và sau đó là làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Đến lượt mình, doanh nghiệp cần thực hiện chuyên nghiệp vai trò dẫn dắt chuỗi và dẫn dắt thị trường, đầu tư công nghệ chế biến cao để tạo ra những sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, vừa tăng doanh thu cho doanh nghiệp vừa góp phần quan trọng vào tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc thu mua nguyên liệu. Và khi lợi ích giữa các bên được bảo đảm, tạo ra một vòng tròn khép kín, tác động qua lại lẫn nhau như thế thì liên kết mới thật sự bền chặt. 

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam), để các liên kết thật sự bền vững, cần có sự tham gia của ngân hàng với vai trò vừa cung ứng vốn, vừa là nơi ràng buộc về tài chính đối với tất cả các bên tham gia liên kết. Đồng thời, các bên tham gia liên kết cũng có những cơ chế ràng buộc chặt chẽ, đơn cử như: nông dân tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp chế biến, đồng thời doanh nghiệp cũng đầu tư sản xuất cùng nông dân, từ đó cùng san sẻ lợi nhuận, rủi ro và gắn bó với nhau chặt chẽ hơn.

Ở khía cạnh khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) Trần Đình Luân nhận định: Kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia là cần chú trọng hiệu quả của các hội, hiệp hội ngành hàng. Theo đó, hiệp hội chủ động bàn với các thành viên về hạn mức sản xuất, thị trường, yêu cầu chất lượng và đặc biệt vai trò thương thảo về giá đối với sản phẩm của các thành viên, đấu tranh với những rào cản thương mại và kỹ thuật của đối tác nhập khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu.Về vĩ mô, hiện nhiều lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã có các hiệp hội ngành hàng lớn nhưng lại đang thiếu vắng các hội ngành hàng cơ sở mà về bản chất có thể thay thế các thương lái ở cơ sở. 

Có thể thấy, thúc đẩy và mở rộng liên kết chính là bệ đỡ vững chắc cho phát triển nông nghiệp trong điều kiện mới. Vì thế, dành sự quan tâm đặc biệt và tìm các giải pháp thực hiện hiệu quả vấn đề này chính là góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ nông nghiệp, đồng thời mở ra cánh cửa lớn để nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. 

(*) Xem Báo Nhân Dân các số ra ngày 20 và 21/7/2021.