Hội thảo đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020, triển vọng năm 2021

NDO -

Sáng 31-3, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Ban Kinh tế T.Ư và Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021: Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển”.

PGS,TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đọc báo cáo đề dẫn hội thảo.
PGS,TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đọc báo cáo đề dẫn hội thảo.

Hơn 60 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ bối cảnh, khó khăn, những giải pháp và thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được năm 2020, đồng thời, dự báo triển vọng năm 2021…

Đặc biệt, nhiều ý kiến tại hội thảo thống nhất cho rằng, nhờ những quyết sách đứng đắn, linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam đã thành công trong ứng phó đại dịch và duy trì khá tốt động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội năm 2020; đây là nền tảng để Việt Nam tự tin tiếp tục trở thành nước có mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu của khu vực trong năm 2021.

Về tổng thể, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn hội tụ các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cao nhất và toàn diện nhất của Việt Nam, với nền kinh tế cải thiện tích cực cả về quy mô và chất lượng; quan hệ quốc tế mở rộng, vị thế được củng cố và nâng cao.

Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân, giai đoạn 2016 – 2020, là 5,8%/năm. Hệ số ICOR giảm xuống còn khoảng 6,1. Năm 2020, kinh tế Việt Nam có quy mô thứ 40 trên thế giới, thứ 4 trong ASEAN và bình quân GDP/người đứng thứ 6 trong ASEAN.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 5% trong suốt 7 năm liền (2014-2020). Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng từ 28 tỷ USD năm 2015 đạt hơn 90 tỷ USD vào năm 2020. 

Thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; đặc biệt, xuất siêu liên tục từ 2016-2020 và năm 2020 đạt hơn 19,1 tỷ USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng lên khoảng 50% năm 2020.

Năm 2020, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia; đã ký 15 hiệp định FTA (năm 2020 phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam – Anh), đang đàm phán hai FTA; có 79 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% GDP; được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.

Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố chiều 16-12-2020 là 0,704, lần đầu tiên đưa Việt Nam vào nhóm các nước phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông-Nam Á duy nhất đạt được năm mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Nhìn tổng thể, năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào về khả năng tự chủ, tự cường, thành công trong kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động tham gia tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; khai thác các cơ hội từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế, thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầ và; hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững.

Về triển vọng, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V; là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.

Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái, thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.

Nếu duy trì được đà tăng trưởng như vừa qua thì quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945-2045).

Động lực và kỳ vọng phát triển kinh tế năm 2021 của Việt Nam trước hết dựa trên những thành tựu chống dịch Covid-19 và đà tăng trưởng kinh tế dương năm 2020; đồng thời, được củng cố và bổ sung mới từ những đột phá thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để đưa Việt Nam thuộc số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển cả về lượng và chất, với nhiều tập đoàn và doanh nghiệp hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ, chủ động tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chiếm khoảng 4/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Động lực tăng trưởng năm 2021 cũng được tiếp nối từ những thành tựu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là nông nghiệp, du lich và cộng hưởng bởi các thành tựu trong xu hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện hạ tầng viễn thông, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính và an toàn, an ninh mạng; trong  xây dựng Chính phủ điện tử và các thành phố thông minh trên toàn quốc.

Động lực cho năm 2021 cũng tích hợp và tỏa sáng từ những thành tựu phát triển bền vững của Việt Nam và từ những thành tựu đối ngoại.  

Đặc biệt, kỳ vọng tạo những đột phá toàn diện và sâu sắc hơn trên hành trình đổi mới và hiện đại hóa ở Việt Nam cũng đang được định vị và mở ra từ sự nhất trí cao trong công tác chuẩn bị nhân sự và chất lượng văn kiện trình Đại hội XIII; sự đồng thuận và tin cậy của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, năng lực, uy tín quản lý Nhà nước và sự năng động, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm mới từ lớp cán bộ mới “đủ tâm, đủ tầm”, được lựa chọn bầu trong và sau Đại hội XIII của Đảng, cũng như bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Kết quả Đại hội XIII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào thời kỳ phát triển mới.

 Tuy vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến bất thường, kinh tế nước ta có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường gắn với sự điều chỉnh chính sách của các tân chính phủ sau bầu cử.

Theo ADB, Việt Nam cần cảnh giác trước những nguy cơ toàn cầu do đại dịch Covid-19 kéo dài; sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; sự suy giảm và thu hẹp thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp trong khi tăng áp lực  thất nghiệp và ô nhiễm môi trường, thời tiết cực đoan, gắn với biến đổi khí hậu…

Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam cần chú ý chủ động các kịch bản và giải pháp đối phó với áp lực gia tăng nợ xấu ngân hàng và nợ công gắn với khả năng thanh toán nợ vay và nộp thuế của doanh nghiệp. Một số ngành sẽ tiếp tục gặp khó khăn, như du lịch và vận tải hàng không quốc tế. Tuy vậy, một số ngành sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, như ngành dệt may, da giày…

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hiện nay là to lớn chưa từng có, được cộng đồng trong nước và thế giới ghi nhận. Đây là kết quả tổng hợp, thước đo khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khẳng định chất lượng thể chế, hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường của Đảng, Nhà nước, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.

 Tất cả cho phép chúng ta tự tin về động lực và kỳ vọng mới cho năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nổi lên như một điểm sáng đáng tự hào về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn…

Theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021: Việt Nam phấn đấu GDP tăng khoảng hơn 6%. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm. Có hơn 90% dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị hơn 87%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.