Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai

Sau hơn 7 năm đi vào cuộc sống, Luật Đất đai (năm 2013) đã mang lại những kết quả tích cực, đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước... Tuy vậy, đến nay hệ thống các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Chăm sóc rau thủy canh trên đất quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: VĂN BẢO
Chăm sóc rau thủy canh trên đất quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: VĂN BẢO

Bài 1: Chính sách khơi thông nguồn lực

Bằng các quy định công khai trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu dân sinh, phát triển công nghiệp, tập trung, tích tụ đất đai trong nông nghiệp...; chính sách, pháp luật về đất đai đã và đang khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển…

Bằng các quy định công khai trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu dân sinh, phát triển công nghiệp, tập trung, tích tụ đất đai trong nông nghiệp...; chính sách, pháp luật về đất đai đã và đang khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển…

Cùng với quy định cụ thể các quyền đối với đất đai như quyền của đại diện chủ sở hữu; quyền quyết định mục đích sử dụng đất; hạn mức, thời hạn sử dụng đất; quyền quyết định thu hồi, trưng dụng, quyền quyết định giá đất... thời gian qua, chính sách, pháp luật đất đai đã tạo ra nhiều thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và đối tượng sử dụng đất.

Hiệu quả sử dụng đất nâng cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tính đến hết năm 2020, cả nước đã có hơn 14,6 triệu ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,2 triệu ha và rừng trồng là 4,4 triệu ha, với tỷ lệ che phủ là 42,01%. Cùng với đó, là hơn 4 triệu ha đất trồng lúa, 1,2 triệu ha cây ăn quả và 1,3 triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, hằng năm quỹ đất dành cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã một mặt bảo đảm an ninh lương thực, mặt khác ngày càng nâng cao năng lực xuất khẩu (năm 2020 cả nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41 tỷ USD và riêng tám tháng đầu năm nay xuất khẩu các mặt hàng này đã đạt khoảng 30 tỷ USD) góp phần ổn định kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Riêng đất lúa, từ bảo đảm lương thực, đến nay hằng năm cả nước đã xuất khẩu từ  5 - 7 triệu tấn gạo, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD.

Riêng lĩnh vực đất lâm nghiệp, theo quy định, Nhà nước giao đất lâm nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất. Nhà nước cũng cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất lâm nghiệp sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Nhờ chính sách đúng đắn này, trong những năm gần đây kinh tế rừng tại nhiều địa phương đã phát triển khá mạnh mẽ, nhất là tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ môi trường, ổn định đời sống cho người dân sống bằng nghề rừng. Nhờ có vùng nguyên liệu gỗ ổn định, giá trị xuất khẩu lâm sản hằng năm luôn tăng trưởng. Năm 2020, toàn ngành đã đạt gần 12,5 tỷ USD xuất khẩu và năm 2021 phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD từ gỗ và các mặt hàng lâm sản.

Nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, chính sách, pháp luật đất đai cũng đã tập trung ưu tiên cho những dự án quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất và các làng nghề...

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114.000 ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766.000 ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế hằng năm đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách, tạo việc làm cho hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước, góp phần tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.

Tăng cường quản lý nhà nước

Trong thời gian qua, chính sách quản lý đất đai về cơ bản đã phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp, các quyền của người sử dụng đất được hoàn thiện hơn, bao gồm các quyền: chuyển đổi, cho thuê, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp và góp vốn. Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được kéo dài lên 50 năm.

Hạn mức sử dụng nhận chuyển nhượng hay là hạn điền đối với hộ gia đình cá nhân được mở rộng phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng. Thông qua đó, đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai. Thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty Delco Farm (Bắc Ninh) Lê Khánh Mạnh cho rằng, việc tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp theo chủ trương của Nhà nước đang phát huy tác dụng rõ rệt. Thông qua chính sách này, nhiều doanh nghiệp đã có chiến lược đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung, cầu của lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Sự ổn định của chính sách này, cùng với việc nâng hạn mức sử dụng đất đai cho mọi đối tượng sẽ càng thúc đẩy hơn các doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chính sách, pháp luật đất đai bước đầu vừa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bố trí quỹ đất phù hợp cho mục đích nông nghiệp, đã quan tâm đến việc dành quỹ đất để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Quy hoạch đất đai phù hợp cũng đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, việc hoàn thành cơ bản cấp giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đất đai tham gia vào thị trường, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy, tích tụ, tập trung đất đai. Cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt, đặc biệt là các quy định liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng  hằng năm đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất đất nông nghiệp.

VŨ THÀNH, THÙY LINH, MINH TUẤN

(Còn nữa)

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước từ đất đai không ngừng tăng lên hằng năm so với tổng thu ngân sách cả nước, từ 7,8% năm 2013 lên 16,85% năm 2020. Trong đó, chủ yếu là tiền thu từ sử dụng đất và tiền thuê đất (từ năm 2013 đến năm 2020, tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23% tổng các nguồn thu từ đất)...