Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần giảm tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) trao quà hỗ trợ công nhân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: MAI CHI
Quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) trao quà hỗ trợ công nhân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: MAI CHI

Bài 1: Quyết sách hợp lòng dân

Đơn giản hóa quy trình, thủ tục

TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam là những địa phương sớm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục nghìn lao động bị mất việc, dừng việc đã và đang được chính quyền cơ sở tích cực giải quyết hồ sơ, chi trả hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Chị Trần Đặng Mỹ Linh, nhân viên Công ty cổ phần Thực phẩm Golden Star (đóng tại quận Bình Thạnh) vừa nhận được 1,8 triệu đồng từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) quận Bình Thạnh chuyển vào tài khoản ngân hàng theo quy định của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Chị Linh là một trong 200 nhân viên phải tạm hoãn hợp đồng lao động do công ty đóng cửa, thực hiện chỉ thị về giãn cách xã hội. 

Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Lê Minh Tấn cho biết: Đồng thời với việc triển khai gói an sinh của TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 09 của HĐND thành phố, Sở LĐ-TB và XH cùng các đơn vị đang tích cực triển khai thực hiện gói an sinh 12,6 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ trên tinh thần dùng nguồn ngân sách của thành phố để chi trả cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 68.725 lao động thuộc diện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Trên cơ sở danh sách người lao động được cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố xác nhận, các địa phương rà soát, kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ để nhanh chóng chi trả hỗ trợ cho người thụ hưởng.

Ngày 14/7, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đến nay tám trong số 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch và thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ.

Ngày 21/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ - TB và XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, quyết định đã cụ thể hóa các trình tự, thủ tục, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng, không trùng lặp và không bị lợi dụng chính sách, qua đó, rút ngắn được thời gian giải quyết; tăng tính trách nhiệm của người tham mưu, thẩm định và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động được nhận tiền hỗ trợ.

Quan tâm người yếu thế

Lao động tự do là những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi xảy ra dịch Covid-19. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố, nhất là những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội đã nhanh chóng, kịp thời có hình thức hỗ trợ những đối tượng yếu thế này. Đến ngày 19/7, TP Hồ Chí Minh đã chi trả tiền hỗ trợ cho 235.932 lao động tự do trong tổng số 237.454 người (đạt 99,3%), gồm người bán vé số, thu gom rác, bốc vác, phụ quán ăn… với mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người. Hầu hết người lao động tự do không đăng ký tài khoản ngân hàng, nhiều quận, huyện bố trí cán bộ, viên chức đến tận nhà người dân để trao tiền hỗ trợ. 

Trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 20.000 lao động tự do. Đến ngày 20/7, tỉnh đã hỗ trợ cho 14.567 người bán vé số và các đối tượng lao động tự do khác với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do khác, phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ trước ngày 25/7. Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) Trần Thị Mai Xuân cho biết, những ngày qua, các trưởng ấp, khu phố, cán bộ ngành LĐ-TB và XH phải làm việc đến khuya để rà soát, lên danh sách hơn 3.000 lao động tự do. Sau khi có quyết định chi hỗ trợ, các cán bộ đến từng nhà trao tiền hỗ trợ tận tay người dân. 

Chiều 19/7, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7 của Chính phủ. Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có gần 100.000 người được hỗ trợ đợt này với kinh phí gần 100 tỷ đồng. Cùng ngày, UBND thành phố Cần Thơ có tờ trình đề nghị HĐND thành phố ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, trả theo số ngày thực tế bị ngừng hoặc mất việc làm. Thời gian hỗ trợ kể từ ngày 16/6 - thời điểm Cần Thơ bắt đầu tạm ngừng một số hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch. Riêng với người bán vé số lưu động, Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết TP Cần Thơ đã rà soát, lập danh sách đối tượng cần hỗ trợ với khoảng 5.000 người, kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã giải ngân kinh phí hỗ trợ cho 2.408 người, tổng số tiền gần 2,9 tỷ đồng.

Một số địa phương của tỉnh Bình Phước cũng có nhiều hình thức hỗ trợ cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Huyện Đồng Phú thành lập đội tình nguyện bao gồm 10 xe ô-tô và 15 tài xế vừa lái xe, vừa vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm… cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tại phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài, có khoảng 900 hộ bị ảnh hưởng cần hỗ trợ. UBND phường thành lập đội “shipper 0 đồng” kịp thời vận chuyển hàng thiết yếu đến các hộ dân gặp khó khăn. Đồng chí Lê Thanh Hoàn, Chủ tịch UBND phường cho biết, từ khi giãn cách xã hội, phường tổ chức nhiều điểm phát nhu yếu phẩm với giá 0 đồng, nguồn hàng hóa do cấp ủy, chính quyền vận động các nhà hảo tâm đóng góp. Ban điều hành khu phố nắm bắt tình hình và cử đội shipper kịp thời hỗ trợ người khó khăn.

Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn -0
 Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương trao quà hỗ trợ công nhân lao động khó khăn. Ảnh: HOÀNG TRUNG

(Còn nữa)