Hỗ trợ đồng bộ giúp người chăn nuôi lợn ổn định sản xuất

NDO -

Trong thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại hầu hết các địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên cả nước nói chung và giá thịt lợn hơi nói riêng.

Giá thịt lợn tăng nhẹ so với đầu tháng 10 khiến người nông dân giảm bớt nỗi lo.
Giá thịt lợn tăng nhẹ so với đầu tháng 10 khiến người nông dân giảm bớt nỗi lo.

Giá thịt lợn liên tục giảm trong khi giá thức ăn vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Sau dịch là thời điểm thực hiện các giải pháp đồng bộ để lĩnh vực chăn nuôi lợn sớm ổn định và tăng trưởng.

Nông dân “mừng thầm”  khi giá thịt lợn tăng nhẹ

Gia đình ông Nguyễn Đức Thanh ở xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang có 100 con lợn. Trong khoảng 10-15 ngày trước đây, có lúc giá lợn đã giảm xuống chỉ còn 30.000 đồng/kg khiến ông Thanh không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, trong 1-2 ngày gần đây, giá lợn đã nhích lên mốc trên 40.000 đồng/kg. Mặc dù đây chưa phải giá để người chăn nuôi có lãi nhưng giá thịt lợn có tín hiệu tăng lên cũng thắp lên hy vọng đối với người chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội, giá lợn đã tăng lên rất nhanh. Hiện đã đạt 40.000-43.000 đồng/kg, mức giá này bà con nông dân vẫn chưa có lãi, nhưng đang tiệm cận mức hòa vốn và dự báo giá lợn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nói về việc giá lợn hơi giảm trong thời gian ngắn vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong thời gian qua, do các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, khiến nhu cầu sử dụng thịt lợn đã giảm xuống do các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tạm đóng cửa, cùng với đó chi phí đưa lợn từ chuồng nuôi đến chợ truyền thống, trung tâm thương mại đội giá lên.

Theo ông Hoan, 3 ngày trở lại đây giá lợn hơi đã tăng trở lại khi thị trường đã được mở rộng, các lò giết mổ, chợ truyền thống, nhà hàng đã mở cửa trở lại. Tất cả những yếu tố trên đã kích hoạt nhu cầu sử dụng nông sản, trong đó có thịt lợn.

Đánh giá về những biến động của thị trường thịt lợn trong thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng giá lợn giảm trong thời gian vừa qua là do quy luật cung- cầu và thị trường. Do thời gian giãn cách kéo dài đã dẫn đến nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy và người chăn nuôi lợn không tiêu thụ được lợn.

“Ở đây, hoàn toàn toàn là do vấn đề thị trường. Do đó, bà con nông dân không nên vội hoảng hốt” Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, quy luật cung cầu của thị trường là khi việc liên kết sẽ góp phần giảm rủi ro và gia tăng giá trị của sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, cần xác định đúng nguyên nhân để có các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các mô hình, chuỗi liên kết không chỉ của ngành chăn nuôi nói riêng mà các ngành hàng khác của nông nghiệp

Các giải pháp bảo đảm chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định

Triển khai các giải pháp đồng bộ bảo đảm chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định -0
Cần các giải pháp đồng bộ để ngành chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định. 

Để duy trì sản xuất, bảo đảm chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định, thời gian tới lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn để giảm giá thành. Đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh giảm rủi ro trong chăn nuôi, giảm chi phí trong khâu nuôi. xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ như Masan, Dabaco, CP, Japfa, Deuh, … phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngành nông nghiệp cũng đang nghiên cứu chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất nông nghiệp thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ nông dân  để khôi phục sản xuất. Có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.

Xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.