Giáo sư 8X và giấc mơ về một Học viện tài chính phi lợi nhuận đẳng cấp thế giới tại Việt Nam

NDO -

NDĐT- Trong lần trở về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với T.S kinh tế Nguyễn Xuân Hải (sinh năm 1985) hiện đang giữ vị trí Giáo sư dự khuyết tại Đại học Trung Hoa của Hồng Công về ý tưởng thành lập một Học viện tài chính phi lợi nhuận đẳng cấp quốc tế, với mong muốn sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính mới của thế giới. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

GS.TS Nguyễn Xuân Hải trong một buổi trao đổi về chủ đề "Phân tích cải cách luật tài chính Mỹ: Lịch sử từ góc nhìn của lý thuyết trò chơi", do Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tổ chức. Ảnh do
GS.TS Nguyễn Xuân Hải trong một buổi trao đổi về chủ đề "Phân tích cải cách luật tài chính Mỹ: Lịch sử từ góc nhìn của lý thuyết trò chơi", do Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tổ chức. Ảnh do

Hỏi: Bạn nhận định thế nào khi ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều viện/trung tâm đào tạo, nghiên cứu tài chính. Vậy tại sao chúng ta vẫn cần mở thêm một Học viện tài chính?

G.S.T.S Nguyễn Xuân Hải: Tài chính là một ngành đặc thù, nằm ở chính tâm mọi nền kinh tế, và có sự liên kết chặt chẽ với hầu hết tất cả các ngành nghề khác. Chính vì thế, các nước phát triển đã sớm chú trọng tạo điều kiện phát triển cho các trường, viện nghiên cứu tài chính, nhằm nắm bắt được cơ chế vận hành của tiền tệ, các phương thức và mô hình đầu tư tiên tiến trong một thế giới luôn luôn thay đổi. Các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước trong khu vực, cũng đã nhận ra và nhanh chóng đón đầu xu thế này. Ví dụ như ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải vừa được xúc tiến đưa vào hoạt động vào năm 2008, nay đã trở thành một trong những viện tài chính hàng đầu trên thế giới và trong khu vực, thu hút các giáo sư tiến sĩ hàng đầu đến tham gia nghiên cứu và đào tạo nhân sự cho chính nền tài chính Thượng Hải.

Để Việt Nam khẳng định được mình trong lĩnh vực nghiên cứu tài chính và đặt nền tảng xây dựng những trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế, chúng ta cần một mô hình Học viện tài chính tiên tiến và theo chuẩn quốc tế. Mong muốn của tôi là tham gia xây dựng một trong những viện tài chính đẳng cấp quốc tế đầu tiên như vậy tại Việt Nam, tạo tiền đề cho nhiều trường, viện khác về sau.

Hỏi: Vậy mô hình Học viện của bạn có gì đặc biệt, so với các mô hình trên thế giới ra sao?

G.S.T.S Nguyễn Xuân Hải: Mô hình tôi đang cố gắng xây dựng, về cơ bản, không phải là mô hình mới trong loại hình tổ chức này trên trường quốc tế. Ở đây, nếu có thể nói là đặc biệt, là tôi hướng tới việc xác định và kết hợp những yếu tốt thành công từ các học viện khác, điều chỉnh chúng cho phù hợp với điều kiện chính trị, xã hội, và kinh tế của Việt Nam. Trong quá trình xây dựng mô hình, tôi cố gắng bảo đảm những nguyên tắc sau:

Một: bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên tham gia, bao gồm cả chính quyền, nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, đội ngũ học giả trong nước và quốc tế, và cả những người tham gia các khoá đào tạo chuyên ngành.

Hai: xây dựng mô hình phi lợi nhuận, chú trọng kiểm soát chất lượng khoa học, nhưng sẽ được điều hành như một mô hình kinh doanh.

Ba: bảo đảm dòng chảy thông tin và quan hệ mật thiết giữa Viện và chính quyền thành phố, Viện và giới khoa học, và Viện và giới tài chính ngân hàng
Cuối cùng là phải bảo đảm chất lượng khoa học cấp quốc tế, chất lượng, chất lượng và chất lượng!

Hỏi: Bạn có cho rằng mỗi nước có những điều kiện và đặc thù khác nhau, vậy nếu triển khai ở Việt Nam thì có khả thi hay không?

G.S.T.S Nguyễn Xuân Hải: Việc có một Học viện Tài chính cấp quốc tế là việc mang tính chiến lược cho nền giáo dục và đào tạo tại Việt Nam và là một xúc tác quan trọng đưa Việt Nam vào vị thế trung tâm tài chính của khu vực và thế giới. Khi triển khai mô hình này, cách tiếp cận của tôi là “làm thế nào để mô hình trở nên khả thi?”.

Để trả lời câu hỏi này, tôi bắt đầu từ bản thân, vận dụng hết những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực nghiên cứu tài chính, các nền tài chính cụ thể trên thế giới, cũng như hiểu biết và kinh nghiệm của mình dưới tư cách là một công dân Việt Nam. Tôi đã liên tục chỉnh sửa và phát triển mô hình này qua việc tham khảo ý kiến nhiều vị giáo sư tiến sĩ Tài chính ở trong nước và nước ngoài, nhiều vị lãnh đạo các viện tài chính khác nhau trên thế giới. Hơn thế nữa, tôi đã rất may mắn có được nhiều tư vấn và góp ý tích cực từ nhiều cán bộ các ban ngành, các cấp khác nhau tại Việt Nam.

Để đưa ra được một Học viện Tài chính cấp quốc tế như mong muốn, tôi nghĩ tôi còn cần phát triển và bổ sung đề án của mình nhiều. Tuy nhiên, tôi tin rằng mô hình đang đi đúng hướng và có tính khả thi cuối cùng rất cao.

Hỏi: Vậy theo bạn, Học viện tài chính này sẽ lấy nguồn kinh phí từ đâu trong khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn?

G.S.T.S Nguyễn Xuân Hải: Chiến lược huy động kinh phí của chúng tôi chia làm hai giai đoạn: ngắn đến trung hạn, và dài hạn. Sự thành công ban đầu của dự án sẽ phụ thuộc vào việc tụ họp được bốn yếu tố: sự bảo trợ của chính quyền thành phố, sự cộng tác của một Học viện Tài chính Cao cấp danh tiếng trên trường quốc tế, sự hợp tác của một trường đại học của Việt Nam và sự hỗ trợ của một doanh nghiệp đối tác. Mỗi yếu tố sẽ có những đóng góp khác nhau về nguồn kinh phí ban đầu để đưa Viện tài chính này vào hoạt động.

Hiện tại, một số viện tài chính nổi tiếng trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng vào dự án này, ví dụ như Viện Tài chính Quốc tế của trường Đại học New South Wales của Úc. Tôi và đồng nghiệp cũng đang đàm phán với một số đối tác kinh doanh, và một số trường đại học của Việt Nam. Chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu và huy động sự ủng hộ của chính quyền thành phố.

Về lâu về dài, như tôi đề cập ở trên, Viện sẽ được quản lý như một mô hình kinh doanh. Nói cách khác, nó sẽ phải nuôi chính nó qua việc đào tạo đội ngũ nhân sự cao cấp cho ngành tài chính, tránh việc phải gây khó khăn về tài chính cho chính quyền địa phương và các bên liên quan.

Tổng quan chung, đây là chiến lược đã được áp dụng thành công ở nhiều trường, viện nghiên cứu Thương mại và kinh tế trên thế giới, ví dụ như Viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải ở Trung Quốc.

Hỏi: Bạn có hình dung được những khó khăn trong việc triển khai ý tưởng này ở Việt Nam hay không và có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng Việt Nam để hiện thực hóa ý tưởng này?

G.S.T.S Nguyễn Xuân Hải: Theo tôi được biết, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 9 đã đặt nhiệm vụ “xây dựng nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.” Từ đó đến này, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong giáo dục, mặc dù vẫn còn nhiều việc để làm. Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 tiếp tục xác định “Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành một thành phố học tập, một trung tâm giáo dục-đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.”’ Trên cơ sở này, thành phố tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài ngày hôm nay, kêu gọi sự đóng góp và hỗ trợ của kiều bào trong việc đưa các chương trình đào tạo, các mô hình giáo dục tiên tiến về trong nước. Đây cũng là lý do tôi ở đây.

Giáo sư 8X và giấc mơ về một Học viện tài chính phi lợi nhuận đẳng cấp thế giới tại Việt Nam ảnh 1

GS.TS Nguyễn Xuân Hải đứng cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp gỡ nhân chuyến thăm tới Hồng Công của Thủ tướng.

Song song với việc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây cũng đã liên tục giao nhiệm vụ cho các thành phố đầu tàu của Việt Nam có những chiến lược phát triển, đưa các thành phố lên xứng tầm với các trung tâm tài chính khu vực như Singapore và Hồng Công. Mô hình Viện Tài chính Cao cấp này, tôi nghĩ, rất phù hợp với đường lối và chủ trương của Đảng và nhà nước, và các cấp chính quyền địa phương.

Trong quá trình áp dụng và vận hành, tôi tin chắc sẽ có những khó khăn mà tôi chưa lường hết được. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền, với những đối thoại liên tục, cởi mở giữa các bên tham gia, dự án sẽ dần dần hình thành như mong muốn, đóng góp vào việc phát triển ngành giáo dục đào tạo, ngành tài chính trong nước, và sự phát triển của Việt Nam nói chung.

Hỏi: Khi mô hình của bạn có tính tổng quát chung như vậy, bạn nghĩ tại sao TP Hồ Chí Minh, hay một thành phố nào khác của Việt Nam, lại phù hợp cho việc phát triển dự án?

G.S.T.S Nguyễn Xuân Hải: Theo nghiên cứu của tôi và những ý kiến góp ý chân tình từ những người có kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam, ba thành phố phù hợp với mô hình Viện tài chính này gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Mỗi nơi có những khía cạnh đặc thù phù hợp và khó khăn rất riêng.

Về nghiên cứu, Hà Nội có khá nhiều trường, viện nghiên cứu kinh tế tài chính, có mối quan hệ mật thiết với chính phủ và có khả năng phân tích chính sách tài chính ở tầm cao. Nếu đặt ở Hà Nội, dự án này sẽ dễ dàng xây dựng các mối quan hệ với các trường, viện này, nâng cao khả năng nghiên cứu tài chính và phân tích chính sách của cơ sở mới.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng lại là thành phố trẻ, tốc độ tăng trưởng cao với nhiều chiến lược, chính sách phù hợp với việc xây dựng một mô hình Viện Tài chính cao cấp cấp quốc tế. Thêm nữa, ngành du lịch của Đà Nẵng đã phát triển đến độ chín muồi, mật độ dân số thấp và bầu không khí biển trong lành. Đây sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát triển mô hình viện trong trung và dài hạn, thu hút các nhân sự cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hay hoạt động ngân hàng bán buôn, tài chính ngoài ngân hàng.

Còn TP Hồ Chí Minh, với lượng dân số lớn, kinh tế phát triển mạnh, và nền tài chính phát triển, việc thiết lập một Học viện Tài chính cao cấp cấp quốc tế tại đây dường như là một điều rất nên làm. Dưới sự bảo trợ của thành phố và với các mối quan hệ với các trường, viện tài chính danh tiếng trên thế giới, mô hình Viện mới sẽ là một cầu nối tự nhiên giữa học thuật, chính sách, và ngành ngân hàng tài chính của thành phố.

Xin cảm ơn bạn đã trả lời phỏng vấn!

Tiểu sử GS.TS Nguyễn Xuân Hải:
Chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1985 tại Hà Nội, hiện đang giữ vị trí Assistant Professor of Economics (Giáo sư dự khuyết tại trường đại học Chinese University of Hong Kong - Đại học Trung Hoa của Hồng Công) ở Hồng Công. Lĩnh vực nghiên cứu chính của TS. Hải bao gồm ngân hàng, tài chính, và các vấn đề liên quan đến luật và chính sách ngân hàng, tài chính. Các nghiên cứu của anh vận dụng lý thuyết trò chơi, lý thuyết hợp đồng, và các lý thuyết liên quan, để phân tích các thất bại thị trường và đưa ra những chính sách hợp lý nhằm xử lý và hạn chế những thất bại đó.

TS. Hải hoàn thành chương trình Tiến sĩ Kinh tế tại đại học Johns Hopkins University (Mỹ), Thạc sĩ Khoa học chuyên ngành Toán học tại đại học University of Tennessee (Mỹ), và Cử nhân chuyên ngành Toán và Kinh Tế tại đại học University of Tennessee (Mỹ). TS. Hải đã từng tham gia giảng dạy tại cả hai trường trên, đồng thời tham gia và tham luận khoa học tại nhiều hội thảo nghiên cứu kinh tế và tài chính tại Mỹ, Anh, Australia, Thái Lan, Hồng Công và cả Việt Nam.

Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu tại trường hiện tại, T.S. Hải đang đẩy mạnh xây dựng quan hệ với các trường và viện tài chính nổi tiếng trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hồng Công, làm cầu nối đưa về Việt Nam những mô hình quản lý giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam.