Giải pháp để nông nghiệp hội nhập và phát triển

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để nông nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, cần những giải pháp phù hợp từ xác định vị thế của từng sản phẩm, đến quy hoạch tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, cộng với nguồn lực đầu tư và cơ chế quản lý Nhà nước.

Dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods). Ảnh: DANH LAM
Dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods). Ảnh: DANH LAM

Theo KS Nguyễn Văn Lập, người nhiều năm lăn lộn trên đồng đất xứ Nghệ trao đổi tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên, để ngành nông nghiệp hội nhập và phát triển bền vững, trước hết ngành nông nghiệp cần xác định rõ vị thế của từng sản phẩm theo hướng sử dụng, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm và định hướng cho các nội dung khác. Cần rà soát lại tất cả các sản phẩm nông nghiệp, từ đó phân ra sản phẩm nào cần có thương hiệu quốc gia; sản phẩm nào có cả thương hiệu quốc gia và thương hiệu địa phương; sản phẩm nào chỉ cần định hướng để địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Về quy hoạch sản xuất, hạn chế lớn nhất của công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua là thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn trong xác định vùng quy hoạch. Nhiều địa phương quy hoạch chạy theo sản xuất hiện tại, cho nên tầm chiến lược của công tác quy hoạch bị hạn chế… Vì vậy, cần thay đổi cách tiếp cận và tổ chức thực hiện quy hoạch; quy hoạch phải dựa trên cơ sở vị thế và hướng sử dụng của sản phẩm; bảo đảm chiến lược phát triển và trên cơ sở cho cây trồng đó phát triển tốt “đất nào cây ấy”. Chẳng hạn đối với cây lúa, phải căn cứ vào hướng sử dụng để định hướng quy hoạch theo ba mục tiêu chính là: Vùng xuất khẩu khối lượng lớn với thương hiệu “gạo Việt” bao gồm cả gạo thơm và gạo thường; vùng xuất khẩu với lượng nhỏ mang thương hiệu gạo đặc sản của các địa phương và doanh nghiệp; vùng phục vụ tiêu dùng bao gồm cả gạo chất lượng cao và gạo thông dụng. Trên tổng thể quy hoạch của cả nước, tùy điều kiện cụ thể của địa phương để có quy hoạch chi tiết. Mỗi địa phương có thể có cả ba vùng quy hoạch theo hướng sử dụng trên, hoặc chỉ có một trong ba loại sản phẩm.

Nếu công tác quy hoạch được làm chi tiết, thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ cũng như tổ chức sản xuất sẽ phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Những năm qua, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho khoa học - công nghệ rất nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu của sản xuất, một phần lỗi cũng là do quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cần được rà soát, đánh giá và định hướng cụ thể hơn. Những nội dung nào có thể xã hội hóa, nhất là nội dung nào doanh nghiệp có thể làm được và làm có hiệu quả thì nên thực hiện xã hội hóa. Nội dung nào doanh nghiệp làm hiệu quả không cao, hoặc không thể làm được thì Nhà nước cần đầu tư. Như vậy, từng loại cây trồng, từng sản phẩm cần xác định loại nào cần được ưu tiên, trong sản phẩm đó thì nội dung nào Nhà nước phải nắm và chi phối. Từ đó tổ chức lại sản xuất theo hướng tạo chuỗi giá trị từ sản xuất - thu hoạch - chế biến - lưu thông xuất khẩu.

Để kết nối chặt chẽ mối liên kết này cần quan tâm cả liên kết dọc doanh nghiệp - nông dân có tác động của Nhà nước, các cơ quan khoa học công nghệ. Đồng thời, quan tâm đến các mối liên kết ngang giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (doanh nghiệp đầu tư đầu vào, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ, doanh nghiệp xuất khẩu). Có thể một doanh nghiệp làm được tốt tất cả các khâu đó; nhưng nếu không có doanh nghiệp lớn có đủ năng lực thực hiện tất cả các khâu thì phải có liên kết giữa các doanh nghiệp mới bảo đảm tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Một mối liên kết ngang khá quan trọng nữa đó là mối liên kết giữa các nông dân với nhau. Hiện tại, các HTX nông nghiệp của Việt Nam đang là khâu yếu nhất, chưa thật sự bảo đảm cho các thành viên trong HTX hoạt động sản xuất có hiệu quả. Thực tế đã có một số mô hình HTX hoạt động tốt, nhưng để nhân rộng các mô hình này lại đang gặp nhiều khó khăn. Để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất, Nhà nước cần tập trung nghiên cứu, chỉ đạo và có chính sách phù hợp.

Cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng, cần tiếp tục đầu tư lớn hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn, không những để phát triển kinh tế mà còn bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực Nhà nước có hạn, do đó để có đầu tư lớn cho phát triển kinh tế nông nghiệp cần có cơ chế chính sách tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Những lĩnh vực nào doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả thì Nhà nước cần ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhưng những lĩnh vực nào doanh nghiệp không thể vươn tới thì Nhà nước cần tập trung đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ở những vùng khó khăn, phức tạp, dễ bị tổn thương trong điều kiện biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay.