Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Với thị trường tiêu thụ lớn, có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành, những năm qua TP Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị canh tác.

Mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho hiệu quả kinh tế cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã được thành phố đẩy mạnh bằng việc sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới… Đến nay, thành phố có 138 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tập trung ở các huyện như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 18 mô hình, Thường Tín 14 mô hình... Một số mô hình nổi bật như sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản tại xã Đốc Tín (Mỹ Đức); mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (Gia Lâm) và gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng xã Yên Mỹ (Thanh Trì); mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài (Đan Phượng)... Điều đáng nói, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế. Hiện nay, HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) đang triển khai mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người tiêu dùng. Đây là vùng sản xuất rau đã hình thành từ lâu, chủ yếu sản xuất rau ăn lá, rau gia vị với khoảng 6 đến 8 lứa rau/năm, thu nhập bình quân từ 600 đến 700 triệu đồng/ha/năm. Để tổ chức sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, HTX đã thành lập 10 nhóm giám sát nội bộ về quá trình sản xuất của từng thành viên trong vùng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở khắc phục lỗi trong sản xuất, từ đó đã góp phần bảo đảm chất lượng của vùng rau an toàn.

Ngoài việc khuyến khích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, TP Hà Nội cũng đang đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Hà Nội đã có 139 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó huyện Ứng Hòa có 24 mô hình, Gia Lâm 22 mô hình, Đông Anh có 14 mô hình... Các mô hình liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, bảo đảm đầu ra cho nông sản và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Qua việc liên kết giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2014, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, ông Nguyễn Đình Tường, xã Cấn Hữu (Quốc Oai) triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học với 30 con lợn giống. Mặc dù chi phí nuôi lợn theo hướng này cao hơn 20 đến 25% so với nuôi lợn thông thường, nhưng sau khi trừ chi phí, ông vẫn thu lãi 500 triệu đồng/năm. Nhận thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn an toàn sinh học thuận lợi, năm 2016 ông Tường đã thành lập HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm. Hiện nay, HTX có 10 thành viên, trong đó bảy thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn và ba thành viên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm đến các cửa hàng, siêu thị. HTX Đồng Tâm đang thực hiện chăn nuôi lợn theo một chuỗi khép kín từ khâu con giống đến giết mổ, đóng gói, bảo quản sản phẩm; quy mô duy trì trong chuồng nuôi từ 130 đến 150 con lợn/hộ. Hay HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ phát triển mô hình trồng rau an toàn, cung cấp những sản phẩm bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, số hộ tham gia chuỗi sản xuất của HTX là 26 hộ, sản lượng tiêu thụ rau theo chuỗi là 720 tấn/năm. Thu nhập của các thành viên tham gia chuỗi tăng 30% so với sản xuất truyền thống, đạt hơn 45 triệu đồng/sào/năm.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao cũng như liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất con giống và phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tăng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Đồng thời, tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường giám sát, chứng nhận chất lượng, có chính sách hỗ trợ hệ thống các điểm bán hàng nông sản an toàn tại các siêu thị, chợ, khu dân cư tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản của nhân dân; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, thành phố tiếp tục tăng cường hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn nông dân đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; quan tâm đầu tư các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất…