Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh), trước dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới, với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất. Nền kinh tế Việt Nam chứng tỏ được khả năng chống chịu trước những chấn động của đại dịch và sẽ phục hồi trong thời gian tới nhờ những động lực tăng trưởng.

Ngành dệt may thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Ngành dệt may thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Trang ihsmarkit.com của IHS Markit đăng tải kết quả nghiên cứu mới, trong đó đưa ra những dự báo về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 tăng khoảng 6,6% so cùng kỳ năm 2020. Theo bài viết, số liệu mới nhất cho thấy dấu hiệu của đà phục hồi kinh tế Việt Nam trong quý IV/2021.

Theo nghiên cứu, về triển vọng kinh tế trung hạn, một số động lực tăng trưởng tích cực đang tạo thuận lợi và sẽ tiếp tục tạo nền tảng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng mạnh. Theo đó, tổng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 270 tỷ USD năm 2020 lên 433 tỷ USD vào năm 2025 và lên 687 tỷ USD vào năm 2030. Điều này có nghĩa là GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 2.785 USD/năm của năm 2020 lên 4.280 USD/năm vào năm 2025; 6.600 USD/năm vào năm 2030. Vai trò trung tâm sản xuất chi phí thấp của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh, nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có, nhất là dệt may và điện tử, cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như ô-tô và hóa dầu.

Về triển vọng trong 5 năm tới, bài viết chỉ ra một số động lực chính được kỳ vọng tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á. Tác giả nghiên cứu nhận định, với lực lượng lao động dồi dào, trình độ tốt, Việt Nam là trung tâm sản xuất chế tạo hấp dẫn, thu hút các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ giá nhân công có tính cạnh tranh cao. Nghiên cứu cho rằng, chi tiêu vốn dự kiến sẽ tăng nhanh bởi các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam, cũng như Nhà nước sẽ tiếp tục tăng chi tiêu cho kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, nhiều công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất nhằm giảm nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn khi các công ty cân nhắc sắp xếp lại dây chuyền sản xuất trong khu vực châu Á. 

Bên cạnh những động lực nêu trên, tác giả nghiên cứu cũng cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Là thành viên của ASEAN, Việt Nam được hưởng lợi đáng kể từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). ASEAN cũng có một mạng lưới FTA với các nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mạng lưới các FTA này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất - xuất khẩu chi phí thấp. Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng góp phần quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào hiệu lực từ ngày 1/1/2022.