Điểm nhấn đầu tư bất động sản năm 2021

NDO -

Xem xét tổng thể các điều kiện kinh tế-xã hội trong nước và khu vực, quốc tế cho phép nhận diện một số xu hướng dòng vốn chảy vào các phân khúc thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2021 như sau:

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vốn vay ngân hàng vẫn là dòng vốn chủ đạo của nhiều doanh nghiệp nhờ sự ổn định lãi suất huy động và cho vay thuộc diện thấp nhất trong 15 năm qua. Nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục “tăng” trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực; mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản 3 năm nay có xu hướng giảm dần, song 6 tháng đầu năm 2021 dư nợ tín dụng bất động sản tăng 4,83%, hết tháng 6/2021 tăng khoảng 5,5%. Riêng cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng gần 20,8% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Vốn do doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường vốn sẽ gia tăng nhờ Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định  20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã cho phép bù trừ số tiền thuế thu nhập mà các doanh nghiệp đã nộp thừa (tổng giá trị khoảng 4.875 tỷ đồng) vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024...

Vốn tự thân doanh nghiệp cũng được hỗ trợ nhờ việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch Covid-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020-2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.

Vốn đầu tư công mặc dù không trực tiếp đổ vào thị trường bất động sản, song cũng tạo xung lực tích cực cho thị trường nhờ Chính phủ quyết tâm triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển bất động sản đa dạng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 mới; khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương…

Cần lưu ý là bất chấp các động thái trồi sụt khá mạnh trên từng phân khúc thị trường bất động sản, giá nhà đang và sẽ giữ xu hướng liên tục gia tăng chung trong cả nửa đầu và cả nửa cuối năm 2021, gắn với biến động nguồn cung sản phẩm và cơn sốt tăng giá vật liệu xây dựng từ 30-50% so với cuối năm 2020.

Về tổng thể, trong nửa cuối năm 2021 sẽ vẫn hiện hữu thực tế thiếu hụt nguồn vốn đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, kéo theo sự mất cân đối kéo dài về cung - cầu bất động sản nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy vậy, nếu triển khai tốt, vốn cho nhà ở xã hội sẽ tăng từ chủ trương của Chính phủ cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Vốn đầu tư trên thị trường bất động sản chắc chắn sẽ hội tụ và gia tăng cho phân khúc bất động sản công nghiệp; đặc biệt, đầu tư bất động sản phục vụ hoạt động logicstics (hậu cần và kho bãi) sẽ ngày càng trở thành động lực lớn cho thị trường. Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.

Đặc biệt, vốn trong và ngoài nước sẽ đổ vào những khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ có cải thiện nhiều, nhờ chủ trương “xây tổ đón đại bàng” của Chính phủ, cũng như các địa phương có tiềm năng thu hút FDI…

Đơn cử, TP Hồ Chí Minh đã thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1.15 tỷ USD, tăng 35.3% so với cùng kỳ năm ngoái (0.85 tỷ USD) và chiếm tới 80% tổng 1.43 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới của thành phố trong nửa đầu năm 2021.

Vốn sẽ ít đổ vào phân khúc bất động sản bán lẻ mặt phố, khách sạn, văn phòng, đất nền, chung cư…

Vốn tiếp tục tăng cho các dự án bất động sản nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng được nhu cầu thực của người dân trung lưu. Dòng tiền sẽ tập trung vào các sản phẩm nhà ở xã hội, chung cư bảo đảm chất lượng và tiện ích, đất thổ cư và nhà riêng có giấy tờ hợp pháp và địa điểm đắc địa; Các dự án căn hộ chung cư có không gian làm việc đủ sáng và thoáng khí, thiết kế bền vững nhằm tiết kiệm năng lượng sẽ là xu hướng mới thu hút vốn đầu tư mạnh, khi mô hình làm việc tại nhà đang kéo dài hơn.

Thị trường đang và sẽ tiếp tục chứng kiến sự quy tụ các dòng vốn để phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng, đô thị ven đô và ven biển quy mô lớn, nhiều tiện ích, đa công năng và phong phú chủng loại sản phẩm; cũng như vào các dự án phát triển các sản phẩm bất động sản nhà ở đáp ứng nhu cầu “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp” môi trường sống xanh, lành mạnh và những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nằm gần các dự án hạ tầng trọng điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng sống ngày càng cao hơn của người dân, cũng như từ yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong quản lý nhà nước

Vốn đầu tư vào bất động sản du lịch sẽ không chỉ hướng tới biển, mà sẽ lan tỏa tới những vùng có lợi thế rừng núi có khả năng khai thác kinh doanh tốt; đặc biệt, tập trung vào những dự án phát triển hạ tầng du lịch có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng cung ứng dịch vụ, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững…

Cơ hội thu hút vốn sẽ mở ra đối với hoạt động đầu tư chuyển đổi mô hình nhà nghỉ dưỡng theo xu hướng tập trung thành “các khu nghỉ dưỡng xanh”, thay vì các nhà nghỉ dưỡng đơn lẻ, tự phát như vừa qua…Các khu kinh tế-y tế nghỉ dưỡng này có thểm tham khảo mô hình nước ngoài, như của Indonesia trung tâm du lịch y tế với nhiều tiện ích, bao gồm bệnh viện quốc tế, công viên sinh thái, khu thương mại, chợ nghệ thuật, khách sạn, nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là người cao tuổi, giúp giảm số người xuất cảnh với mục đích khám chữa bệnh…

Dòng vốn đầu tư vào ngành bất động sản y tế và chăm sóc sức khỏe sẽ gia tăng; trong đó, vốn sẽ tập trung nhiều hơn cho phát triển các dạng kho lạnh phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho các loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như vaccine, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm...

Mặc dù trong ngắn hạn thị trường còn chưa ổn định trước tác động của làn sóng Covid-19 mới, triển vọng trung hạn của thị trường là tích cực. Lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về các dự án chất lượng cao được xếp hạng bởi các tổ chức thẩm định uy tín, nhất là các sản phẩm bất động sản coi trọng các yếu tố thân thiện môi trường và bảo vệ an toàn, sức khỏe; Đây cũng là xu hướng lớn trong tương lai góp phần làm tăng giá trị các dự án của chủ đầu tư.