Đầu tư của Việt Nam góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội Campuchia

NDO -

NDĐT - Từ năm 2009, khi Chính phủ Việt Nam và Campuchia thống nhất thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước lên tầm cao mới, đầu tư của Việt Nam sang “đất nước Chùa Tháp” đã tăng ngoạn mục, góp phần giúp Campuchia phát triển kinh tế và làm tốt công tác an sinh xã hội.

Giao dịch tại trụ sở chính của Ngân hàng BIDC ở thủ đô Phnom Penh.
Giao dịch tại trụ sở chính của Ngân hàng BIDC ở thủ đô Phnom Penh.

Việt Nam hiện có khoảng 190 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đăng ký khoảng 2,9 tỷ USD, tăng hơn 100 dự án và tăng hơn tám lần về tổng vốn đăng ký so trước năm 2009. Việt Nam đang đứng trong tốp năm nước dẫn đầu về giá trị đầu tư trong hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia.

Các dự án đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng vốn đăng ký), tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (chiếm 9,4%), viễn thông (chiếm 7,5%). Các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực hàng không, khoáng sản, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn và các dịch vụ khác.

Ngành công nghiệp cao su Campuchia hình thành có phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Tại một cuộc hội thảo diễn ra ở thủ đô Phnom Penh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) Huỳnh Trung Trực cho biết, tính đến ngày 30-6-2016, tổng diện tích cao su các doanh nghiệp Việt Nam đã trồng được tại Campuchia là hơn 180 nghìn ha. Đây là một thành tựu lớn bởi để có được con số này, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mất có chín năm, so sánh với Pháp mất 47 năm trồng cây cao su mà chỉ được 53.000 ha, ông Trực nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực viễn thông, thương hiệu Metfone đã trở nên thân quen với nhiều người dân Campuchia. Đi vào hoạt động từ năm 2009, Công ty Metfone – công ty thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) hiện là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất tại Campuchia. Dự án này có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông tại Campuchia. Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia, ông Sok Chenda Sophea cho biết: “Bản thân tôi cũng đang sử dụng mạng Metfone. Chúng ta nên biết, dịch vụ viễn thông góp phần như thế nào trong việc thay đổi đời sống người dân Campuchia. Tôi có thể khẳng định rằng, dịch vụ viễn thông của công ty Việt Nam đã góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Campuchia”.

Thị trường tài chính – tiền tệ của Campuchia phát triển cũng có phần đóng góp từ các dự án đầu tư tài chính – ngân hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, đã có năm ngân hàng Việt Nam hiện diện tại Campuchia. Được thành lập từ tháng 8-2009, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) với vốn hoạt động gần như toàn bộ là của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô lớn tại Campuchia, hoạt động hiệu quả… Ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc BIDC cho biết, số vốn điều lệ ban đầu thành lập của BIDC là 70 triệu USD, nay đã tăng lên mức 100 triệu USD, quy mô tổng tài sản đạt gần 750 triệu USD. BIDC đã vinh dự nhận danh hiệu “Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng triển vọng nhất Campuchia” do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế cùng Hiệp hội Ngân hàng Campuchia và Ngân hàng Quốc gia Campuchia trao tặng.

Trong lĩnh vực y tế, dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, với tổng vốn đầu tư 29 triệu USD bắt đầu hoạt động từ năm 2014, không chỉ thu được hiệu quả kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội rất lớn tại Campuchia.

Trong số các dự án đầu tư lớn của Việt Nam tại Campuchia còn phải kể đến dự án liên doanh giữa Việt Nam và Campuchia thành lập Hãng Hàng không quốc gia Campuchia Angkor, với vốn góp 59 triệu USD của Việt Nam, được triển khai từ năm 2009, đến nay hoạt động ổn định.

Đi vào hoạt động cách đây hơn một năm, Nhà máy sữa Angkor - nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia, do Vinamilk bỏ vốn đầu tư, là thành tựu mới nữa về đầu tư của Việt Nam vào Campuchia, đánh dấu sự khởi đầu hình thành ngành công nghiệp sữa của Campuchia.

Không chỉ giúp Campuchia phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn là những nhà đầu tư có trách nhiệm, làm tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm và cải thiện đời sống người dân địa phương, được phía Campuchia ghi nhận và đánh giá cao. Các doanh nghiệp Việt Nam đã góp hàng chục triệu USD tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở cộng đồng địa phương, thông qua việc xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, nhà tái định cư cho người dân vùng dự án…

Theo Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Bảo, với chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025 cùng những ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Campuchia, chắc chắn Campuchia sẽ ngày càng thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại nước này, trong đó có nhà đầu tư Việt Nam.

Các nhà đầu tư Việt Nam mong muốn Chính phủ Campuchia và các cấp chính quyền địa phương nơi có các dự án đầu tư của Việt Nam, quan tâm, tạo điều kiện giúp các dự án phát triển thuận lợi, đồng thời tháo gỡ những khó khăn nảy sinh nhằm mang lại hiệu quả cao cho cả hai bên và góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước láng giềng ngày càng bền chặt.