Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng Bắc Trung Bộ (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Hướng đến sản xuất bền vững

Người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trồng chè trên vườn đồi cho năng suất cao. Ảnh: QUANG DŨNG
Người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trồng chè trên vườn đồi cho năng suất cao. Ảnh: QUANG DŨNG

Mặc dù chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT) được coi là giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng Bắc Trung Bộ, nhưng để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả hơn nữa, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh liên kết nhằm bao tiêu sản phẩm; xây dựng kế hoạch chuyển đổi phù hợp từng vùng, bảo đảm hiệu quả và bền vững.

Tiếp sức cho nông dân

Để việc CĐCCCT mang lại hiệu quả cao, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tiếp sức cho nông dân. Trong đó có việc hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân CĐCCCT từ trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cũng ban hành kế hoạch CĐCCCT trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc; chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất trồng lúa; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi trên đất trồng lúa ở các địa phương có hiệu quả. Theo Bộ NN và PTNT, các tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi tại địa phương; xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi như: kết nối thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến bảo quản...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất lúa, thời gian qua tỉnh đã chuyển đổi được 1.800 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, đậu, lạc, ngô, mía, cây ăn quả... Nhờ vậy, giá trị tăng thêm từ 20 đến 30% so với trồng lúa. Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả cao, tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi, trong đó HĐND tỉnh có nghị quyết hỗ trợ năm triệu đồng/ha chuyển đổi; tổ chức liên doanh, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Còn theo Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Đệ, từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu chuyển đổi hơn 3.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác thích ứng BĐKH; đến năm 2030, dự kiến chuyển đổi thêm 1.621 ha... Để việc CĐCCCT mang lại hiệu quả, tỉnh cũng ưu tiên chuyển đổi trên đất trồng lúa không bảo đảm nguồn nước tưới, nhất là vùng bán sơn địa, vùng cuối kênh; lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp từng giai đoạn cụ thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp vùng quy hoạch để cây trồng vùng chuyển đổi phát triển tốt, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; lồng ghép công tác khuyến nông, liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình chuyển đổi có hiệu quả để khuyến khích, tạo động lực thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. 

Tại huyện Yên Thành (Nghệ An), nhờ có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc CĐCCCT nên nhiều vùng đất đã được hồi sinh, giúp tăng thu nhập cho nhân dân. Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Tuyên chia sẻ, “toàn huyện có khoảng 3.000 ha đất trồng lúa chưa chủ động nước tưới. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã chuyển đổi hơn 450 ha từ đất lúa sang trồng ngô, rau màu; đất lúa sang cây lâu năm; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản... Trong đó, mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng rau màu, khoai bình quân thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha, hiệu quả cao hơn so với trồng lúa từ 15 đến 20 triệu đồng/ha; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, thu nhập đạt từ 80 đến 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 40 đến 45%. Đáng chú ý, các mô hình đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới, hoa... hay chuyển đổi từ đất vườn, đất vườn đồi kém hiệu quả sang cây ăn quả cho thu hoạch từ 500 triệu đến một tỷ đồng/ha/năm”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) Lê Ngọc Hà cho biết, đối với các vùng canh tác bạc màu, địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi tập trung bằng cách tổ chức sản xuất đi vào chiều sâu, tham gia chuỗi sản xuất khép kín trên tất cả 300 trang trại chăn nuôi và hơn 130 ha diện tích nuôi trồng tôm trên cát. Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh, chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là tập trung CĐCCCT theo hướng thích ứng BĐKH, nhất là khô hạn và bão, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Ở vùng gò đồi, việc phát triển các loại cây dược liệu được xem là hướng đi mới mang lại hiệu quả cho người nông dân, khi mỗi héc-ta cho thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/năm. Mặt khác, đối với cây lúa thì tiếp tục điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp bố trí lịch thời vụ hợp lý để né tránh thiên tai. 

Bảo đảm đầu ra cho sản phẩm

Thời gian qua, việc CĐCCCT trên đất lúa không chủ động được nguồn nước giúp tăng hiệu quả sử dụng đất và mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, hiện nay việc CĐCCCT cũng đang gặp nhiều khó khăn do BĐKH tác động ngày càng rõ rệt đến sản xuất, nhất là khô hạn. Trong khi đó, chuyển đổi cây trồng, mùa vụ ở một số địa phương chưa được chú trọng; diện tích đất trồng lúa quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, hệ thống cấp nước hạn chế nên khi chuyển đổi cần có nguồn lực lớn để cải tạo, xây dựng hạ tầng mới có đủ điều kiện sản xuất hiệu quả; người dân chưa mạnh dạn tích tụ ruộng đất để chuyển đổi; ở một số địa phương việc chuyển đổi chưa phù hợp nhu cầu thị trường nên gặp rủi ro, sản phẩm bán với giá thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân; chưa hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa với quy mô lớn; thiếu sự liên kết giữa sản xuất và chế biến, bao tiêu sản phẩm...

Thí dụ tại tỉnh Nghệ An, hiện nay có hơn 17.000 ha diện tích đất trồng lúa thuộc khu vực cao, diện tích nhỏ lẻ không chủ động được nguồn nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi trên diện tích đất này còn chậm; chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa hấp dẫn nên chưa khuyến khích được nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia; ở một số nơi việc chuyển đổi còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi tại các địa phương chưa đồng bộ. Do vậy, các cây trồng chuyển đổi ở tỉnh chủ yếu là ngô, lạc, rau các loại, mía... Tại tỉnh Quảng Bình cũng chưa có đề án, kế hoạch chuyển đổi có quy mô, bài bản. Trong khi đó, việc CĐCCCT để phù hợp BĐKH như hiện nay cần phải có sự hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để tránh trường hợp mô hình “chết yểu” hoặc thất bại giữa chừng. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, về cơ bản quá trình CĐCCCT đối với cây lúa tại địa bàn rất khả quan nhưng riêng nhóm rau, đậu, ngô đang gặp khó khăn vì chưa thiết lập được kênh phân phối, tiêu thụ đồng bộ, quy mô lớn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng Bắc Trung Bộ (Tiếp theo và hết) (*) -0

Mô hình trồng cây dược liệu sâm Bố Chính tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: HOÀNG AN

Để khắc phục những hạn chế này, theo Cục Trồng trọt, thời gian tới các địa phương cần thúc đẩy chính sách tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để mang lại hiệu quả cao; hỗ trợ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới cho cây trồng cạn để CĐCCCT thích ứng BĐKH; kết nối các tổ chức, doanh nghiệp với người sản xuất trong tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Đối với các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, cần vận dụng chính sách để hỗ trợ nông dân nhân rộng. Mặt khác, cần rà soát, đánh giá xác định các vùng sản xuất lúa an toàn, vùng chuyển đổi, vùng chuyển đổi linh hoạt và vùng đặc thù để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả và bền vững...

-----------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2/7/2021.

Theo Cục Trồng trọt, từ năm 2017 đến 2020, tại vùng Bắc Trung Bộ đã thực hiện CĐCCCT trên đất trồng lúa với diện tích khoảng 34.448 ha, trong đó chuyển sang cây hàng năm khoảng 21.843 ha, chuyển sang cây lâu năm khoảng  3.786 ha và chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa 8.818 ha.