Bất động sản: Bao giờ vui trở lại ?

NDO -

NDĐT – Những tín hiệu gần mới đây được kỳ vọng khơi thông dòng vốn cho cho các doanh nghiệp và ngân hàng, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.

Kích hoạt được thị trường bất động sản sẽ giúp khơi lại dòng chảy vốn cho nền kinh tế.
Kích hoạt được thị trường bất động sản sẽ giúp khơi lại dòng chảy vốn cho nền kinh tế.

Thời gian là tiền bạc

Ngay sau gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà ở, ngày 27-5-2013, NHNN tiếp tục quyết định lùi thời điểm áp dụng thêm “một năm” đối với Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21-1-2013 của Thống đốc NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHNN cho biết: “Việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực thi hành của Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp cho tổ chức tín dụng có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đẩy đủ Thông tư 02”.

Theo các chuyên gia, các quy định của Thông tư 02 là rất tiến bộ, đã tiếp cận gần hơn các chuẩn mực quốc tế, giúp đánh giá sát thực mức độ an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cụ thể nhất ở đây là phân loại nợ và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, nếu áp dụng thông tư này sẽ đẩy nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng mạnh vì áp dụng theo các tiêu chí mới, cản trở các dòng tiền của nền kinh tế. Như vậy doanh nghiệp được hỗ trợ thêm một năm tiếp cận vốn, với mặt bằng lãi suất đang giảm, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienViet Bank nhận định: “Việc lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 thêm một năm cho thấy Nhà nước đã bắt đúng bệnh và cho doanh nghiệp thở ô-xy”.

Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tổng dư nợ cho vay BĐS năm 2011 là 348 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 1,8 lần so với con số đã được các ngân hàng công bố trước đây (xấp xỉ 200 nghìn tỷ đồng). Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2012 đã có 680 doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là BĐS đăng ký giải thể, ngừng hoạt động (con số của năm 2011 thống kê được là 576 doanh nghiệp). Còn nếu tính cả những doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động có liên quan tới BĐS thì chắc chắn con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều. Theo tổng hợp chưa đầy đủ từ 50 địa phương về tồn kho của Bộ Xây dựng về tình hình thị trường BĐS năm 2012 trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy kết quả tồn kho như sau: 42.230 căn nhà ở; 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê; 98.407 m2 sàn Trung tâm thương mại; 792,2 ha Đất nền nhà ở; 195,1 ha Đất thương mại khác. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.

Theo Viện Kinh tế Xây dựng, vốn lớn đọng lâu trong lĩnh vực BĐS khiến nền kinh tế thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Kết quả là, sản xuất hàng hoá giảm, lãi suất tăng, lạm phát tăng, nền kinh tế giảm đà tăng trưởng, giảm việc làm, làm suy yếu năng lực kinh tế quốc gia, kinh tế đình đốn, an sinh xã hội bị tác động tiêu cực.

Doanh nghiệp kinh doanh BĐS hiện không chỉ bị sức ép từ cả hai phía vốn đầu vào và tiêu thụ hàng hóa đầu ra, mà còn chịu thêm áp lực về thời hạn giải chấp các khoản vay đến hạn. Thông tư 02 lùi thời hạn một năm đã phần nào giúp giảm sức ếp lên thị trường vốn. Nhiều người kỳ vọng, thị trường BĐS hoạt động tốt là cơ sở để huy động được nguồn tài chính lớn cho phát triển kinh tế thông qua thế chấp và giải ngân. Theo thống kê, ở các nước phát triển, lượng tiền ngân hàng cho vay qua thế chấp bằng BĐS chiếm 80% trong tổng lượng vốn cho vay.

Thời gian trước, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ thị trường BĐS nhằm mục tiêu chính là khơi thông dòng vốn cho thị trường này. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước đã nới tín dụng cho vay để sửa chữa nhà và mua nhà để ở, mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; và Tín dụng cho việc xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012. Động thái này đã tạo ra một “cửa” rộng cho ngân hàng có thể tiếp tục giải ngân cho các dự án dở dang. Đây là “liều thuốc” có thể làm hồi sinh có rất nhiều dự án đang khát vốn. Đặc biệt mới đây, NHNN tung gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 30 nghìn tỷ đồng nhằm giúp doanh nghiệp BĐS và người mua nhà ở xã hội. Gói này cũng được kỳ vọng sẽ có sức lan tỏa giúp thị trường BĐS khởi sắc.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Đề xuất cho thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài…

Nếu muốn đi đường phẳng

Tại Hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế thường niên 2013 với tiêu đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” ngày 27-5, các chuyên gia của VEPR cũng cảnh báo, Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại mô hình kinh tế vừa qua và sớm định hướng một mô hình mới, cùng những thể chế hỗ trợ phù hợp, nếu không các cuộc cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự, và "Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội đi tới tương lai bằng con đường bằng phẳng".

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương, tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, chính sách vĩ mô thắt chặt so với kỳ vọng ban đầu, từ góc độ đầu tư, tín dụng đến cung tiền đã làm cho tình hình kinh tế phải trả giá quá cao. Ông Võ Trí Thành nói: “Tất nhiên chúng ta vẫn phải bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng thời điểm này chúng ta có thể linh hoạt hơn”.

Tại một diễn đàn khác, Viện Kinh tế Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét huy động vốn từ trái phiếu công trình để tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết tồn kho của các DN.

Cũng theo Viện Kinh tế Xây dựng, cần điều chỉnh cơ cấu thị trường nhằm lấy lại thăng bằng cán cân cung - cầu. Theo đó, ra soát, dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đã, đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương thì tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn; cho phép Chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Cho phép cơ cấu lại các dự án phát triển nhà ở thương mại, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động. Những dự án nhà ở tồn kho không bán có thể xem xét chuyển đổi sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại...

Chính phủ cũng có thể xem xét để mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ, nhà ở cho sinh viên.

Chính phủ có thể xem xét chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được thế chấp quyền sử dụng đất của dự án, hoặc sử dụng chính dự án (tài sản hình thành từ vốn vay) để vay vốn đầu tư xây dựng...Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các dự án dở dang.

Chúng ta cần nghiên cứu giải pháp kêu gọi dòng vốn ngoại. Nghiên cứu thành lập và tạo hành lang pháp lý các Quỹ đầu tư BĐS, các quỹ dùng cho mục đích phát triển nhà ở xã hội, vì đây cũng là công cụ cần thiết cho thị trường nhà ở và BĐS. Dùng công cụ rộng rãi hơn, huy động vốn toàn dân, để toàn dân đầu tư vào các hình thức quỹ như vậy, mời cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia quỹ đó. Đây sẽ là kênh huy động vốn rất tốt mà các nước đã thực hiện.

Tuy nhiên, Viện Kinh tế Xây dựng khuyến cáo: “bất kỳ một giải pháp nào được đưa ra để "cứu" các chủ đầu tư BĐS mà thiếu sự kiểm soát "nghiêm minh của cơ quan chức năng Nhà nước, thì sẽ không có tác dụng”.

Đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Đặng Đức Thành, Ủy viên BCH VCCI đưa ra những kiến nghị cụ thể hơn. “Cần xử lý phần vướng mắt lớn nhất hiện nay là tính quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Đây là một “chướng ngại” đã tồn tại hơn ba năm qua, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp và giảm nguồn thu ngân sách quốc gia”, ông Thành nói và thêm: “Nếu giải quyết được điểm vướng mắc này thì chúng ta sẽ ngay lập tức trúng ba đích: Một là, giải quyết được hàng ngàn hồ sơ tồn đọng; Hai là, doanh nghiệp sẽ đóng thuế được và sẽ có quyền sử dụng đất để đưa nhanh công trình vào sử dụng, từ đó có thể mang công trình thế chấp, đi vay ngân hàng, sớm đưa công trình vào kinh doanh; và cuối cùng là chúng ta tăng được nguồn thu ngân sách”. Nguồn thu ngân sách từ đất hiện nay dưới 7% trên tổng thu ngân sách quốc gia. Theo tính toán của một số chuyên gia, nguồn thu này có thể tăng thêm hợp lý đến 20% nếu làm tốt.

Ông Đặng Đức Thành cũng cho rằng, cải cách tích cực thủ tục cấp phép xây dựng, sang nhượng dự án đầu tư phát triển. Cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng tối đa là chín tháng cho một dự án, thay vì hiện nay kéo dài rất lâu. Dường như các mốc thời hạn quy định yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan quản lý đất đai, cơ quan quản lý về đầu tư phải giải quyết các thủ tục có liên quan đều không đuợc chấp hành đầy đủ dẫn đến tình trạng, nhiều dự án ba năm chưa triển khai được. Vì thế, cần tăng cường cải cách hành chính để tiến hành thủ tục nhanh gọn, giúp nhà đầu tư giảm được chi phí và thời gian.

Ỏ góc độ người dân, anh Nguyễn Huy Hoàn – 35 tuổi – kỹ sư (Cầu Giấy - Hà Nội) rất mong sở hữu được một ngôi nhà mua giá rẻ. Mừng khi biết thông tin NHNN cho vay ưu đãi là 6% hỗ trợ mua nhà thu nhập thấp nhưng anh Nguyễn Huy Hoàn cũng bày tỏ nỗi lo: “Chúng tôi rất muốn vay, tuy nhiên hiện nay cũng chưa biết tiếp cận ra sao để có thể vay được. Mà dư luận từ trước đến nay vẫn cho thấy, hầu hết các khoản vay ưu đãi này vấp phải nhiều khó khăn về thủ tục hành chính như phải chờ lâu, phải chạy hết cơ quan này đến cơ quan khác để xin giấy tờ dấu má. Tôi thì không quen biết, chỉ sợ người ta lại ưu tiên những mối quan hệ họ hàng quen biết, đến lúc đấy thì tiền giúp dân thu nhập thấp như chúng tôi lại không đến tay”.