Giúp người trồng điều vươn lên làm giàu

Anh Nguyễn Văn Rung ở ấp 4, xã An Viễn (huyện Trảng Bom) đang sở hữu 4,5 ha đất trồng điều, mấy năm gần đây, năm nào cũng thu nhập hơn 200 triệu đồng từ bán hạt điều và cây giống điều. Anh đã xây dựng được một ngôi "biệt thự đồng quê" trị giá 270 triệu đồng, sắm được phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Anh nói, mọi việc bắt đầu từ năm 1999, anh được Công ty Donafoods đầu tư trồng mới 0,5 ha mô hình trình diễn cây điều cao sản mới được công ty khảo sát tuyển chọn, đồng thời ký xác nhận để anh vay tiền Ngân hàng Nông nghiệp đầu tư thâm canh 3,5 ha vườn điều cũ theo quy trình do công ty hướng dẫn gồm vun gốc bón phân, tỉa cành tạo tán... Nhờ đó cây ra hoa nhiều, phân bố đều, tỷ lệ đậu trái cao, năng suất được cải thiện rõ rệt, từ vài tạ tăng lên 2,6 tấn/ha như hiện nay, cỡ hạt to hơn trước. Riêng vườn điều cao sản được trồng và chăm sóc đúng quy trình chỉ sau một thời gian ngắn đã cho thu hoạch chồi để sản xuất giống. Anh cũng được công ty chuyển giao cách ghép chồi lên cây thực sinh và thực tế mỗi năm anh nhân được 60 nghìn cây giống bán cho người trồng điều tái canh trồng mới.

Tại vườn điều hơn nửa ha của anh Nguyễn Văn Luyện (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Ðịnh Quán) trong một buổi trưa rực lửa, cây điều xanh mướt lá, trái non và nụ hoa len dày. Chủ nhân cho biết, đã sử dụng giống PN1 trồng năm 2002 và chỉ sau đó 18 tháng cây đã cho thu hoạch 400 kg/ha. Công ty vừa hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, cây không bị tác động bởi nắng hạn, chắc chắn vụ này năng suất không dưới 3 tấn/ha. Hiện công ty đang giúp anh thực hiện canh tác sạch để sản phẩm có giá cao hơn.

Tổng giám đốc công ty Nguyễn Thái Học cho biết, anh luôn trăn trở vấn đề nguyên liệu. Và thực tế, anh đã giải bài toán này theo hướng đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất chất lượng nguyên liệu, bảo đảm người làm nguyên liệu thu nhập ngày càng cao. Trước hết công ty đưa nhà máy về vùng nguyên liệu, năm 1994 là nhà máy Long Khánh, kế đến là Nhơn Trạch, rồi Long Thành... Ðến nay đã có 10 nhà máy và hàng chục cơ sở vệ tinh ở các xã vùng sâu. Nhờ đó, người trồng điều bán sản phẩm thẳng cho nhà máy với giá tốt hơn so với bán qua trung gian và có hơn 6.000 lao động tại vùng nguyên liệu được vào làm công nhân chế biến.

Việc đưa nhà máy về vùng nguyên liệu cũng giúp công ty sớm phát hiện nguyên nhân dẫn đến năng suất và chất lượng hạt điều sụt giảm do giống thoái hóa và tập quán trồng điều chay nên đã kịp thời phối hợp với các nhà khoa học ở Phân viện Lâm nghiệp Nam Bộ tổ chức tuyển chọn giống và nghiên cứu quy trình thâm canh cây điều. Tổ công tác của công ty đã lặn lội khắp những vườn điều trong tỉnh Ðồng Nai và một số tỉnh miền Ðông-Nam Bộ phát hiện 180 cây điều năng suất cao, cỡ hạt lớn qua đó tuyển chọn được 8 dòng điều đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng và đã sử dụng chồi để ghép giống cao sản trồng khảo nghiệm. Kết quả sau 18 tháng bắt đầu cho thu hoạch và sau bốn năm đã đạt 2 tấn/ha, gấp hai lần so với cây điều thường định hình, hạt to vỏ mỏng, tỷ lệ thu hồi nhân cao. Từ kết quả đó, năm 1999 công ty chính thức sử dụng chồi ghép sản xuất mỗi năm khoảng 500 nghìn cây giống cung cấp có trợ giá cho người trồng điều. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng 60 vườn mẫu và 400 mô hình trình diễn để người trồng điều tham quan học tập kinh nghiệm; tổ chức biên soạn, in ấn và cấp phát hơn 45.000 cuốn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật lai ghép cây giống và thâm canh cây điều; đồng thời mở 415 lớp tập huấn cho hàng chục nghìn hộ trồng điều. Công ty còn phối hợp Hội Nông dân và chính quyền địa phương xây dựng nhiều câu lạc bộ năng suất cao để các hộ trợ giúp nhau trồng điều hiệu quả.

Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đòi hỏi phải đầu tư vốn trong khi người trồng điều phần lớn đều nghèo. Tổng giám đốc công ty giúp tháo gỡ khó khăn bằng việc cam kết tay ba với Ngân hàng Nông nghiệp và người trồng điều, xác nhận việc đầu tư giống và kỹ thuật, bảo đảm thu mua làm cơ sở để ngân hàng xét duyệt cho vay. Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn, Nguyễn Văn Rung cho biết, riêng năm 1999, Ngân hàng đã giải quyết cho người trồng điều trong xã vay 4 tỷ đồng chăm sóc 800 ha điều.

Tất cả những biện pháp tổng hợp đó đã góp phần nâng năng suất bình quân cây điều từ vài tạ vào thời điểm những năm đầu thập niên 90 lên 1,7 tấn/ha hiện nay. Trong đó những câu lạc bộ năng suất cao đạt 2,5 tấn và những vườn điều cao sản đến 3 tấn/ha, chất lượng cũng nâng lên từ 200 hạt xuống còn dưới 150 hạt trên 1 kg, người trồng điều sử dụng giống mới cao sản thu nhập trên 30 triệu đồng/ha, gấp năm lần so với trước chưa tính tiền bán cây giống trung bình 5.000 đồng/cây. Nhiều hộ trồng điều nhờ vậy đã nhanh chóng thoát nghèo và giàu lên, nhiều hộ nông dân cũng chuyển sang trồng điều trong vài năm diện tích đã tăng gấp 2,5 lần, đạt 50 nghìn ha, trong đó 40% được sử dụng giống mới cao sản. Hiện nay, ngoài việc sản xuất mỗi năm khoảng 500 nghìn cây điều giống cao sản cung ứng đủ cho người trồng điều tái canh trồng mới, công ty đang tiếp tục khảo nghiệm để khu vực hóa hai loại giống cây mới làm nguyên liệu cho Nhà máy sản phẩm mới của công ty, là macadamia và chuối saba mới được nhập nội, nhằm bổ sung vào danh mục cây trồng chủ yếu tại địa phương thay thế những cây trồng kém hiệu quả, giúp người làm nguyên liệu có thu nhập cao hơn.