30 nghìn tỷ hỗ trợ vay vốn mua nhà: Còn những băn khoăn

NDO -

NDĐT – Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng vừa ban hành hai Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở (30 nghìn tỷ đồng) và hướng dẫn các đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở. Những đối tượng thụ hưởng nhìn chung rất ủng hộ gói hỗ trợ này, nhưng vẫn lo lắng về những thủ tục vay.

Khu nhà cho người thu nhập thấp ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.
Khu nhà cho người thu nhập thấp ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

Không chứng minh khả năng trả nợ, sao vay?

Chị Lê Thị Lệ Cẩm – 30 tuổi – Phóng viên (Thái Hà – Hà Nội): Mức thu nhập của tôi hiện nay là 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình tôi vô cùng vui mừng khi nghe được thông tin trên, nhưng đọc kỹ yêu cầu vay vốn ngân hàng thì tôi thấy chưa được ổn. Theo yêu cầu trên, chúng tôi phải chứng minh mình là người có thu nhập thường xuyên và đủ khả năng trả nợ. Với mức lương khiêm tốn của vợ chồng tôi mỗi người theo hệ số 2.61 thì tính ra một tháng, cũng chỉ khoảng sáu triệu đồng (hai người). Mặc dù, chúng tôi sống bằng nguồn thu nhập thêm bên ngoài, nhưng mức thu nhập dựa trên bảng lương của hai vợ chồng cũng không thể chứng minh khả năng trả nợ như phía ngân hàng yêu cầu nên chắc chắn không thể vay vốn được từ phía ngân hàng. Theo tôi, Nhà nước nên có những cơ chế linh hoạt để cho những công chức viên chức hành chính như chúng tôi có thể dễ dàng mua nhà thu nhập thấp với mức lãi suất như trên.

Sợ thủ tục, tiền vay không đến tay dân

Nguyễn Huy Hoàn – 35 tuổi – kỹ sư (Cầu Giấy - Hà Nội): Là người dân ở ngoại tỉnh, chúng tôi cũng rất mong sở hữu được một ngôi nhà mua giá rẻ. Nhưng với đồng lương của hai vợ chồng như hiện nay, (lương tôi tám triệu, còn vợ khoảng bảy triệu), tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu thì có tiết kiệm cả đời cũng không thể đủ tiền mua nhà chung cư ở Hà Nội. Nếu được vay tiền với mức ưu đãi là 6% thì thật tốt cho người dân. Chúng tôi rất muốn vay, tuy nhiên hiện nay cũng chưa biết tiếp cận ra sao để có thể vay được. Các điều kiện được vay như thế nào, vay ra sao, chúng tôi cũng không nắm rõ được. Mà dư luận từ trước đến nay vẫn cho thấy, hầu hết các khoản vay ưu đãi này vấp phải nhiều khó khăn về thủ tục hành chính như phải chờ lâu, phải chạy hết cơ quan này đến cơ quan khác để xin giấy tờ dấu má. Gia đình chúng tôi thì không quen biết nhiều nơi, chỉ sợ người ta lại ưu tiên những mối quan hệ họ hàng quen biết, đến lúc đấy thì tiền giúp dân thu nhập thấp như chúng tôi lại không đến tay.

Ngân hàng hưởng quá cao, nên chia sẻ với người vay

Ngân hàng Nhà nước vừa có Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở và Bộ Xây dựng có Thông tư 07/2013/TT-BXD ngày 15-5-2013 hướng dẫn các đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh ủng hộ và tán thành việc ban hành thông tư trên của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu nêu ba vấn đề cần điều chỉnh:

Về "Điều 6 - Biện pháp bảo đảm tiền vay - Ngân hàng xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật", ông Lê Hoàng Châu đề nghị sửa đổi: “đối với cá nhân tài sản bảo đảm bằng chính căn hộ xin mua hoặc thuê mua; đối với Doanh ngiệp tài sản bảo đảm là chính dự án xin vay”.

Ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị nói rõ chính sách áp dụng mức lãi suất cho vay sau thời hạn 10 năm đối với khách hàng để người vay yên tâm do khoản 4 điều 4 của Thông tư đã xác định thời gian áp dụng lãi suất 6% tối đa 10 năm mà thôi, trong lúc Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 4-4-2013 của Chính phủ đã xác định bảo đảm lãi suất cho vay ổn định và thấp.

Cuối cùng, ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “chi phí quản lý của các Nhân hàng Thương mại được hưởng theo quy định tại khoản 2.a điều 8 là 1,5% quá cao, đề nghị Ngân hàng có sự chia sẻ với người vay”.

30 nghìn tỷ hỗ trợ vay vốn mua nhà: Còn những băn khoăn ảnh 1

Anh Nguyễn Huy Hoàn lo lắng về thủ tục cho vay.