Tình người trong tâm dịch

NDO -

Đã 11 ngày trôi qua kể từ khi ba tổ dân phố My Điền, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thực hiện lệnh cách ly. Ở đâu đó đã có nhiều người chịu cảnh đứt bữa, nhiều bạn công nhân phải ăn uống tằn tiện cầm cự qua ngày. Trong lúc khốn khó lại sáng lên những tấm lòng nhân hậu góp từng suất quà, từng bữa ăn để giúp đỡ người nghèo khó chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Cán bộ thị trấn Nếnh huyện Việt Yên (Bắc Giang) kiểm tra hàng cứu trợ tại kho hàng.
Cán bộ thị trấn Nếnh huyện Việt Yên (Bắc Giang) kiểm tra hàng cứu trợ tại kho hàng.

Thương lắm cảnh… cách ly

Chúng tôi có mặt tại xóm 4, tổ dân phố My Điền 1, nơi có hai trường hợp công nhân thuê trọ đầu tiên được phát hiện dương tính với virus SARS CoV-2. Khu nhà trọ gồm hơn 300 công nhân được lệnh phong tỏa, cách ly y tế “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ ngày 10-5 và chốt trực dịch Covid-19 được dựng ngay lối vào.

Đại úy Nguyễn Huy Hiệu, cán bộ công an huyện Việt Yên cho biết, anh nhận lệnh trực chốt ở đây cũng không có nhiều thời gian chuẩn bị, sang ngày thứ hai thì chốt được bổ sung thêm một tình nguyện viên. Vậy là hai anh em cũng tự coi mình là F1, thay nhau túc trực 24/24, không có người thay thế.

Ngày đầu tiên hai anh em phải căng bạt che mưa ngủ, đêm đó mưa gió to quá, chủ nhà cạnh chốt cảm thương đã cho hai anh vào trú ngụ trong nhà để xe, thế là không phải lo cái nắng, cái mưa. Hằng ngày người của tổ công tác dân phố thay nhau mang cơm suất đến cho hai anh, người dân trong khu vực thấy các anh vất vả lại mang cho khi hộp sữa tươi, khi cân hoa quả để các anh bồi bổ sức khỏe. 

Anh Hiệu bảo, là người chiến sĩ công an thì bất kỳ khi nào nhận lệnh là lên đường, chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. Rất may là bây giờ công nghệ phát triển, hằng ngày anh vẫn liên lạc với gia đình qua zalo, facebook động viên vợ con ở nhà yên tâm và ngược lại anh cũng được người thân, đồng đội cổ vũ, khích lệ vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch.

Em Vi Thu Hải, quê ở huyện Yên Thế là công nhân thời vụ đang tìm việc làm trong khu công nghiệp cho biết, em không có tiền lương và hết gạo ăn từ tối qua. Ngày hôm nay em chuyển sang sang ăn mỳ tôm với trứng là mặt hàng cứu trợ khẩn cấp được đưa vào. Rất may do quê ở gần cho nên em đã liên hệ được với chị gái để chị có thể mang gạo, mang tiền đến tiếp viện cho em trong những ngày cách ly còn lại.

Kém may mắn hơn Hải, bạn Nông Văn Đạm quê ở Lạng Sơn cũng đang rơi vào tình trạng cạn kiệt thực phẩm. Đạm là công nhân của công ty Luxshare-ICT tại khu công nghiệp Vân Trung. Lệnh cách ly được thực hiện đột xuất cho nên Đạm cũng như nhiều công nhân khác trong khu trọ đều chưa nhận được tiền lương. Sau khi tiêu hết những đồng tiền ít ỏi vào việc mua lương thực, thực phẩm thì Đạm và nhiều bạn công nhân nhà ở xa khác bắt đầu bước vào những ngày sinh sống chủ yếu là nhờ vào hàng hóa cứu trợ.

Chuẩn bị chia tay với xóm cách ly thì anh chủ nhà trọ trên tay cầm một bản danh sách dài ghi tên những công nhân trong khu nhà đề nghị được nhận hàng cứu trợ. Khi biết chúng tôi không phải là đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc anh liền buồn bã quay đi. Được biết đây là cách liên lạc thường xuyên và hiệu quả nhất của công nhân các khu trọ khi các bạn lâm vào cảnh khó khăn thì nhờ chủ nhà trọ lên danh sách để gửi đến các tổ công tác yêu cầu chi viện.

Gặp chị Thân Thị Thu, cán bộ y tế thôn My Điền trong bộ quần áo bảo hộ phòng chống Covid mồ hôi nhễ nhại đi lại vào xóm, chị cho biết; Những khu vực cách ly tuyệt đối mấy hôm nay ngày nào cũng phát sinh F0. Nhiệm vụ của chị là phải đến tận nơi, gặp trực tiếp để lập biên bản và báo cáo các lực lượng chức năng đưa xe vào đón bệnh nhân đi chữa trị. Chị bảo, dù xuất hiện F0 nhưng tinh thần của công nhân rất vững vàng, triệt để thực hiện cách ly vì anh em ý thức rằng phải giữ gìn cho cộng đồng, bằng mọi giá không để dịch bệnh lan rộng.

Cần lắm, tình người trong tâm dịch -0
Chị Thân Thị Thu với công việc hằng ngày. 

Cần lắm những tấm lòng rộng mở

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch thường trực UBND thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, chúng tôi được biết; Trong ba ngày đầu thực hiện cách ly y tế tại các thôn My Điền 1, 2 và 3, lực lượng y tế đã lấy được 19.751 mẫu xét nghiệm. Nhân khẩu của ba thôn có khoảng gần 5.000 người, như vậy hiện tại có gần 14.000 công nhân đang tạm trú tại các thôn. Trong số đó có hơn 2.000 công nhân thuộc diện cách ly, phong tỏa tuyệt đối 21 ngày nằm rải rác ở gần 40 khu nhà trọ khác nhau.

Trụ sở UBND thị trấn Nếnh gần như ngày nào cũng được tiếp nhận hàng cứu trợ, đó là thông tin vui được anh Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn chia sẻ. Anh cho biết nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ các cấp đã đồng lòng chuyển tiền và hàng hóa thiết yếu về trợ giúp người dân vùng cách ly. Hàng cứu trợ chủ yếu là các nhu yếu phẩm thiết yếu như đường, sữa, nước uống, mỳ tôm, gạo…

Đối với ba tổ dân phố My Điền bị phong tỏa, hàng cứu trợ được các nhóm thiện nguyện trong khu vực phong tỏa mang đi phân phát đến từng địa chỉ. Thông qua số liệu do các tổ dân phố, và các nhóm thiện nguyện cung cấp, chính quyền thị trấn rà soát, nắm bắt những trường hợp cần cứu trợ với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không để ai bị đói trong cộc chiến chống dịch Covid-19. Tuy nhiên đến nay thị trấn vẫn chưa thành lập được được địa điểm phát hàng cứu trợ miễn phí trong khu cách ly My Điền vì nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chưa đủ số lượng hàng hóa cần thiết.

Gia đình anh Phùng Văn Trí và chị Thân Thị Hải, thôn My Điền 1 dành ra cả một ngôi nhà rộng lớn làm kho trung chuyển hàng cứu trợ. Chị bảo mọi chuyện đến rất tự nhiên, mới đầu chị giúp đỡ vài trường hợp công nhân gặp khó khăn, rồi nhiều cuộc điện thoại, nhiều tin nhắn của các bạn công nhân gửi đến chị mong muốn được trợ giúp trong lúc khó khăn.

Chị dùng facebook, zalo qua số điện thoại 091.867.7821 chia sẻ khó khăn của các bạn công nhân để kêu gọi tài trợ. Nguồn hàng về nhiều thế rồi anh chị trở thành cầu nối, thành địa chỉ tin của những hoàn cảnh cơ nhỡ trong khu cách ly.

Theo lời kêu gọi của chị rất nhiều bạn công nhân đã tình nguyện đến giúp anh chị vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến từng địa chỉ cụ thể. Ủy ban MTTQ thị trấn Nếnh do thiếu nhân lực cũng gửi hết hàng hóa cứu trợ nhờ chị và đội thiện nguyện đóng gói và vận chuyển đến từng trường hợp cần trợ giúp trong khu cách ly.

Cần lắm, tình người trong tâm dịch -0
 Chị Hải đóng gói từng phần quà chuyển đến cho những hoàn cảnh khó khăn.

Chị Hải vui mừng chia sẻ, cách đây mấy hôm anh Trương Viết Công ở Lạng Giang có nhờ chị và đội thiện nguyện mỗi ngày vận chuyển 600 suất cơm miễn phí đến cho công nhân nghèo. Đây quả là điều vui mừng vì thông qua các chủ nhà trọ chị đang có danh sách hàng nghìn công nhân kêu gọi được hỗ trợ.

Chị bày tỏ, đang cần lắm những người có tấm lòng thiện nguyện như anh Công. Hiện nay, cơ bản không có bạn công nhân nào bị đói trong khu cách ly vì tối thiểu anh chị em đều được nhận mỳ tôm cho nên có thể cầm cự qua ngày. Tuy nhiên, lệnh cách ly sẽ kéo dài hàng chục ngày nữa, nếu nguồn hàng cứu trợ khan hiếm thì các bạn công nhân sẽ lâm vào cảnh bị đói.

Ưu tiên số 1 của tổ thiện nguyện là cấp phát hàng cho các bạn công nhân gặp khó khăn trong những khu phong tỏa, cách ly tuyệt đối. Trong số hơn 2.000 trường hợp công nhân bị cách ly phong tỏa này thì hiện nay đã có vài trăm trường hợp có nguyện vọng được hỗ trợ bữa ăn thường xuyên. Đó là chưa kể hàng nghìn công nhân khác có thể đi lại trong khu cách ly nhưng lại không có tiền để tự trang trải cuộc sống cho mình, nhất là các bạn nữ quê ở xa tận Sơn La, Lai Châu, Yên Bái…My Điền đang cần lắm những tấm lòng nhân ái hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh lúc này.

Cùng với gia đình anh Trí, chị Hải đã có rất nhiều tấm lòng, nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân My Điền chung tay trợ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình mổ lợn, mổ gà để có thêm phần thực phẩm hỗ trợ người nghèo. Các chị Ngọc Hằng, Đặng Dung, Dương Hiền hằng ngày gom góp nấu từ 300 đến 500 suất cơm để phát miễn phí đến những công nhân nghèo…. Và còn nhiều lắm những tấm lòng hảo tâm của người dân cả nước đang hướng về Bắc Giang trong cuộc chiến chống lại giặc Covid-19.