Những nhịp cầu nối đôi bờ vui

NDO -

NDĐT - Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường bộ địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng vốn vay 385 triệu USD (tương đương gần 9.000 tỷ đồng) triển khai từ năm 2015, xây dựng hơn 4.100 cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi được hoàn thiện, những cây cầu này sẽ góp phần “nối đôi bờ vui”, cải thiện đời sống văn hóa, kinh tế và an sinh xã hội của người dân vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn.

Thi công cầu treo dân sinh.
Thi công cầu treo dân sinh.

Hoàn thành 1.800 cầu dân sinh

Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cầu đã khởi công là 1.840 cầu, đạt 85% số lượng cầu tối thiểu của dự án. Số cầu đã hoàn thành là 1.037 cầu so với kế hoạch là 1.000 cầu, bàn giao khai thác chính thức 865 cầu. Dự kiến, đến hết năm nay, sẽ có khoảng 1.800 cầu hoàn thành, vượt tiến độ 200 cầu so kế hoạch là 1.600 cầu. Dự án được phía WB đánh giá rất cao về tiến độ thi công, giải ngân cũng như các vấn đề về môi trường, giá thành”, ông Huyện khẳng định.

Đặc biệt, trong quá trình đấu thầu hợp phần cầu, các đơn vị đã tiết kiệm và xây thêm được khoảng 270 cây cầu. Đến hết năm 2020, nước ta sẽ hoàn thành 2.444 cây cầu, vượt số cầu thực hiện trong dự án LRAMP so Hiệp định (2.174 cầu).

Mới đây nhất, cầu dân sinh xóm Vé, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, (Hòa Bình) vừa được hoàn thành, đưa vào khai thác. Anh Đinh Quang Hường, trưởng xóm Vé cho biết, từ bao đời nay người dân xóm Vé bị chia cắt bởi dòng sông Bùi. Niềm mơ ước hàng chục năm có một cây cầu của người dân cuối cùng cũng thành hiện thực. Công trình được đưa vào sử dụng góp phần kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi, giúp bà con không còn cảnh lội suối, đi bè mảng mùa nước lũ, phụ huynh không còn lo sợ khi con em mình đi học mùa mưa bão.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hậu cho biết, đây là một trong 50 cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP được xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thay thế những cây cầu treo cũ nát, mất an toàn giao thông, hoặc những nơi ngầm nước mùa mưa lũ gây nguy hiểm cho bà con khi lội suối đi lại. Những cây cầu hoàn thành phục vụ đắc lực nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các huyện, xã vùng sâu, vùng xa.

Cách đây gần một năm, để buôn bán ngoài thị trấn Chũ, anh Nông Văn Hoàn ở thôn Chằm Khon, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thường ngày đi lại vẫn phải mất hơn một giờ đồng hồ. Mặc dù tuyến đường tỉnh lộ đã được trải thảm nhựa lưu thông dễ dàng, nhưng khó khăn nhất vẫn là đoạn đường từ thôn Chằm Khon ra trung tâm xã do con sông ngăn cách. Khi chưa có cầu Chằm Khon, để di chuyển sang qua sông, người dân phải dắt xe máy lội qua sông vào mùa cạn và dùng bè, mảng trong mùa nước lũ.

Mỗi ngày, chiếc xe máy của anh Hoàn được “tắm” sông Chằm Khon tới 2-3 lần. Biết là nguy hiểm rình rập nhưng đây là con đường duy nhất để bà con trong thôn đi làm, trẻ nhỏ đến trường đi học. “Vào mùa hè, nước sông chỉ sâu tầm 50-80 cm, cho nên có thể lội hoặc dắt xe qua, nhưng khi mùa mưa đến, nước dâng cao, chảy xiết, người dân buộc phải lắp ghép tre, nứa thành bè để đẩy qua sông. Nếu đi đường vòng qua thôn khác để ra xã, quãng đường sẽ xa thêm gần 10 km”, anh Hoàn cho hay.

Ông Nguyễn Văn Sớ, người dân trong thôn nhớ lại thời gian trước, cứ đều đặn mỗi ngày, ông phải cõng cháu qua lại dòng sông này đi học. Theo lời ông, kinh tế của nhân dân nơi đây phụ thuộc nhiều vào việc trồng vải thiều, mỗi vụ thu hoạch, việc vận chuyển vải đi bán ở các nơi hết sức khó khăn. Có những thời điểm, nhiều gia đình trong thôn “ngậm đắng nuốt cay” nhìn sản phẩm vải thiều của mình hư hỏng, giảm chất lượng từng ngày hoặc phải bán giá rẻ chỉ vì không có cách nào đưa qua sông.

Từ khi cây cầu treo Chằm Khon hoàn thành đưa vào khai thác, anh Hoàn cũng như người dân trong xã có thể chạy xe bon bon ra thị trấn Chũ trung tâm huyện mà không gặp trở ngại nào. Niềm mong mỏi sau nhiều năm của bà con xã Cấm Sơn đã trở thành hiện thực. Trong quá trình xây dựng, ngày nào bà con cũng ra ngắm cầu, trông ngóng tiến độ thi công từng ngày, mong sao cây cầu được hoàn thành thật nhanh.

Những nhịp cầu nối đôi bờ vui ảnh 1

Cầu Xóm Vé (Hòa Bình) vừa được hoàn thành đưa vào khai thác.

Đề xuất đầu tư thêm 1.600 cầu dân sinh

Lãnh đạo thôn Đồng Trắng, xã Đồng Trắng, huyện Lục Ngạn cho hay, vừa qua cầu dân sinh Đồng Trắng hoàn thành và đi vào hoạt động đã hiện thực hóa ước mơ ngàn đời có cầu vững chắc qua sông của người dân nơi đây. Năm 2010, UBND huyện Lục Ngạn đã đầu tư xây dựng một cây cầu ngầm qua sông Lục Ngạn ở vị trí thôn Đồng Trắng. Nhưng năm 2013, lũ lụt và cơn bão số 5 đã làm cầu hư hỏng một phần, khiến xe máy qua cầu rất khó khăn; mặt khác vị trí cầu ngầm thấp nên mùa mưa nước ngập băng mặt cầu, không thể qua lại. Đã có nhiều vụ tai nạn xe lao xuống cầu vì cầu không có lan can, một số học sinh lội nước qua cầu bị cuốn trôi, may mà cứu được. Nay có cầu mới, bà con nơi đây an tâm làm ăn phát triển kinh tế.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang Ngô Thành Duy cho biết, để thực hiện dự án LRAMP trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng, giao trách nhiệm cho các huyện, xã tuyên truyền cho nhân dân hiến đất, hiến vườn tược, cây cối. Đồng thời, địa phương cũng trích kinh phí tiến hành rà phá bom mìn, bảo đảm an toàn trong xây dựng và kết cấu hạ tầng sau này.

Theo đánh giá, nhu cầu xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước còn khoảng gần 300 vị trí cầu tập trung tại các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ GTVT tạo điều kiện để địa phương có thêm những cây cầu mới, giúp giao thông được thông suốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tại các vùng khó khăn.

Nhấn mạnh những cây cầu dân sinh được xây dựng đã góp phần hiệu quả giúp các địa phương vùng sâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, tiến tới xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, Tổng cục ĐBVN mong muốn Chính phủ tiếp tục đồng thuận cho phép vay vốn WB tiếp tục thi công khoảng 1.600 cầu còn lại (trên tổng số 4.145 cây cầu được Chính phủ phê duyệt) để giúp các đồng bào dân tộc được hưởng sự quan tâm của xã hội, nâng cao đời sống văn hóa.

“Hiện còn khoảng hơn 1.600 cầu chưa thực hiện được, phía WB cũng ủng hộ thực hiện giai đoạn 2 xây dựng số cầu này. Nếu được các bộ, ngành ủng hộ, tới đây Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục triển khai xây dựng số cầu này cho vùng đồng bào nghèo”, ông Huyện khẳng định.

Theo đại diện Ban Quản lý dự 3 (Tổng cục ĐBVN), hầu hết các công trình cầu dân sinh trong quá trình triển khai đều hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Có thể nói, đó là sự đồng thuận, nỗ lực lớn của chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân. Chính quyền và người dân đã hỗ trợ dự án bằng cách đồng lòng hiến đất, công tác giải phóng mặt bằng dự án triển khai rất nhanh. Các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu,... cũng nỗ lực phối hợp, triển khai thi công công trình bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ.

Khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án là các cầu dân sinh nằm rải rác ở phạm vi rộng, ở vùng phức tạp về địa hình. Rút kinh nghiệm từ dự án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trước đây, ngay trong giai đoạn đầu triển khai, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức các đoàn khảo sát vị trí xây dựng cầu với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân bản địa để có giải pháp xây dựng phù hợp, tiết kiệm nhất.

Ông Huyện chia sẻ, làm cầu dân sinh cũng giống như làm từ thiện, bình quân mỗi cây cầu chỉ có giá trị chỉ khoảng 500-700 triệu đồng, mức cao mới đến vài tỷ đồng, trường hợp nào thật đặc biệt mới lên đến 10 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn xây dựng hợp phần cầu chỉ hơn 5.000 tỷ đồng, nên phải rà soát, lựa chọn rất kỹ những vị trí tốt nhất, tiết kiệm nhất.

Ông Mai Trịnh Tuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CIENCO Thành Đạt, đơn vị thi công một số cây cầu dân sinh cho biết, từ khi bắt tay vào thi công, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương và người dân về công tác giải phóng mặt bằng. Cùng đó là sự sát sao, hỗ trợ kịp thời từ đơn vị chủ đầu tư dự án, sự giám sát chặt chẽ của đơn vị tư vấn, giám sát. Đáp lại sự hỗ trợ, tình cảm nhiệt tình đó, nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị, vật liệu triển khai đồng loạt các mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, sớm đưa các cây cầu dân sinh vào khai thác.

Dự án LRAMP nhằm mục đích xây dựng các cầu dân sinh có tính cấp thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa bàn các tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông, phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn. Đây là những dự án có ý nghĩa thiết thực, vì thế các đơn vị liên quan đều nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường nhân lực, vật tư thiết bị, triển khai nhiều mũi thi công, tăng ca kíp để đạt và vượt tiến độ, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con.