Hỗ trợ, chăm lo đời sống gia đình của hội viên nữ Hội Người mù

NDO -

Trong quá trình hoạt động, Hội Người mù Việt Nam luôn dành sự quan tâm đối với hội viên nữ, bởi đây là những người chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn hơn nam giới đồng tật về nhiều mặt, trong đó có vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình.

Hội viên nữ làm tăm tre tại cơ sở sản xuất của Hội Người mù huyện Thanh Hà (Hải Dương).
Hội viên nữ làm tăm tre tại cơ sở sản xuất của Hội Người mù huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội thảo công tác hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình khu vực phía nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Đối ngoại, phụ nữ và trẻ em (Hội Người mù Việt Nam) Trần Thị Hồng Hải cho biết, tính đến tháng 6/2021, cả nước có 38.132 hội viên nữ trong tổng số 73.318 hội viên (chiếm hơn 52%), trong đó, tại 30 đơn vị khu vực phía nam có 14.506 hội viên, chiếm 38,04% hội viên nữ toàn quốc.

Trong quá trình hoạt động, các cấp hội luôn ưu tiên, chăm lo cho hội viên nữ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; trong đó, chú trọng công tác hỗ trợ, động viên, giúp đỡ chị em thực hiện quyền kết hôn, quyền làm mẹ, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình.

Theo bà Trần Thị Hồng Hải, hội luôn quan tâm đến công tác hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, vì đây là yếu tố quan trọng giúp chị em hội viên có điều kiện xây dựng hạnh phúc gia đình. Các hội viên nữ trong độ tuổi lao động luôn được hội quan tâm tạo điều kiện học nghề, tạo việc làm.

Đến nay, ở các tỉnh phía nam đã có 1.475 chị được đào tạo nghề tại trung tâm của Trung ương Hội, hàng nghìn hội viên nữ được tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương. Chị em sau khi học nghề được tạo điều kiện giải quyết việc làm với mức thu nhập trung bình hiện nay khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng; người có tay nghề cao thu nhập lên tới 7 đến 10 triệu đồng/tháng; đến nay khu vực phía nam đã có hơn 2.000 chị em được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Nhờ nâng cao kiến thức, kỹ năng, chăm lo ổn định kinh tế, tạo những tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng hạnh phúc gia đình, đến nay, tại 30 đơn vị khu vực phía nam, đã có 8.228 chị lập gia đình, 3.088 chị thực hiện quyền làm mẹ. Một số đơn vị có những hoạt động ý nghĩa như: tổ chức đám cưới tập thể, hỗ trợ ảnh cưới, xe hoa, vận động trao sổ tiết kiêm tặng các cặp vợ chồng… Các hoạt động chăm sóc trẻ em mù và con của hội viên với nhiều hoạt động phong phú, đem lại sự hỗ trợ thiết thực cũng như mang niềm vui đến với các cháu và gia đình.

Tuy nhiên, công tác phụ nữ và trẻ em nói chung, việc quan tâm hỗ trợ xây dựng hạnh phúc gia đình cho hội viên nữ nói riêng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong bối cảnh đời sống hội viên nữ nhìn chung còn nhiều khó khăn; trình độ học vấn, nhận thức của hội viên nữ nhìn chung còn thấp; một số chị em chưa thật sực thoát khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân, hoặc những rào cản của gia đình, xã hội để mạnh dạn tham gia học tập, lao động, chăm sóc sức khỏe bản thân, thực hiện quyền làm mẹ, quyền kết hôn.

Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết, trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục động viên và tạo điều kiện để chị em được học chữ, học nghề, phát triển thêm các nghề mới phù hợp, hỗ trợ sinh kế, giúp chị em có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống. Đồng thời, sẽ kiến nghị, đề đạt với các cơ quan chức năng giải quyết các chế độ bảo trợ xã hội, những chính sách phù hợp để giúp hội viên nói chung, hội viên nữ nói riêng giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; từ đó có điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc.