Đắk Lắk dành 248 tỷ đồng hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng của đại dịch

NDO -

Chiều 7/2, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Thuân cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND về việc triển khai phương án hỗ trợ đào tạo nghề, đưa người lao động trở lại nơi làm việc cũ, giải quyết việc làm cho những lao động của tỉnh Đắk Lắk trở về từ các tỉnh, thành phố phía nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 để người lao động trở lại làm việc.
Tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 để người lao động trở lại làm việc.

Theo đó, Đắk Lắk sẽ hỗ trợ cho 100% số lao động, khoảng hơn 40 nghìn người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề, tìm việc làm tại tỉnh, tự tạo việc làm hoặc trở về nơi làm việc cũ ở các tỉnh, thành phố phía nam... được tiếp cận có hiệu quả với các chương trình, nội dung hỗ trợ.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ đến tận người dân nhằm khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm và các chính sách của doanh nghiệp, chính quyền sở tại trong việc thu hút người lao động trở lại nơi làm cũ... Hỗ trợ tiêm đầy đủ vaccine cho người lao động và phương tiện di chuyển. 

Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phía nam đề nghị hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống ban đầu khi quay lại làm việc. 

Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đồng thời tăng cường rà soát việc quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến Đắk Lắk thực hiện các dự án, thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... để tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Rà soát toàn bộ người lao động đăng ký vay vốn, hỗ trợ các thủ tục vay vốn, tư vấn, hướng dẫn cho người lao động việc sử dụng vốn vay phát huy hiệu quả; theo dõi những khó khăn, vướng mắc của người lao động trong quá trình vay vốn để kịp thời hỗ trợ, giải quyết...

Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người lao động chủ động tìm hiểu thông tin của các thị trường lao động ngoài nước để lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực của bản thân...

Tạo điều kiện tham gia học nghề hoặc các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cần thiết để người lao động đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ các khoản chi phí ban đầu, vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng chính sách-xã hội theo quy định.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh tăng cường đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề, đồng thời đào tạo cho người lao động có kỹ năng tay nghề để họ có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn...

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này dự kiến khoảng 248 tỷ đồng; trong đó, vốn vay giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất khoảng 199,3 tỷ đồng, hỗ trợ cho 3.986 người lao động với mức 50 triệu đồng/người; hỗ trợ đào tạo nghề khoảng 11 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp với mức 6.540.000 đồng/khóa học/người; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp với mức 3.820.000 đồng/khóa học/người.

Kinh phí hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 37,84 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ kinh phí ban đầu và hỗ trợ vay vốn cho khoảng 498 người. 

Kế hoạch này được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 và 2023.