Con nuôi đồn biên phòng

NDO -

“Con nuôi đồn biên phòng” là một mô mình hay được các đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thực hiện khá tốt. Mô hình này đã góp phần hỗ trợ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên tuyến biên giới, biển, đảo của Kiên Giang.

Em Phạm Quốc Sỹ học tập với hai cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ.
Em Phạm Quốc Sỹ học tập với hai cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ.

Em Phạm Quốc Sỹ, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang), năm nay đã 13 tuổi. Năm học này (2020 - 2021) em vào lớp 6. So về tuổi, Sỹ học trễ hơn bạn bè đồng trang lứa một năm, do hoàn cảnh gia đình. Nhưng được đến trường đi học lại là một điều hạnh phúc vô biên đối với Sỹ.

Cha mẹ Sỹ vì lý do riêng nên ra tòa ly dị, mỗi người mỗi ngả. Cha nghèo, mẹ cũng nghèo nên cả hai phải lo bươn chải làm ăn không có điều kiện gần gũi, chăm sóc, nuôi dạy em. Sỹ phải sống với bà ngoại, nhưng hoàn cảnh của bà cũng nghèo khó. Hai bà cháu sống trong căn nhà rách nát, bà làm thuê mướn nên cũng không đủ sức cho em đến trường.

Sau nhiều lần xuống địa bàn, cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ biết được hoàn cảnh của Sỹ, đã báo cáo với chỉ huy đơn vị tìm cách giúp đỡ. May mắn cho Sỹ, trong lúc lực lượng bộ đội biên phòng đang thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” nên Sỹ được Đồn Biên phòng Phú Mỹ đưa vào diện và được sự ủng hộ của chính quyền cơ sở.

Trung tá Hà Đức Hạnh, Đồn trưởng Biên phòng Phú Mỹ tâm sự: “Chúng tôi đóng quân trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn và chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Dù khó, nhưng mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là mô hình hay, thể hiện tính nhân văn cao nên chúng tôi cố gắng vượt khó để thực hiện tốt”.

“Làm tốt việc này, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao mà còn cùng với chính quyền nơi đóng quân làm tốt công tác chăm lo gia gia đình nghèo, neo đơn. Hiện nay, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã nhận đỡ đầu cho 17 học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn và nhận một trường hợp làm con nuôi chung sống tại đơn vị”, Trung tá Hà Đức Hạnh cho biết thêm.

Sau khi Sỹ được bộ đội đón về chung sống, cuộc sống của em đã thay đổi hoàn toàn. Việc học tập, sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của Sỹ được hai chiến sĩ chăm sóc, kềm cập.

Hiện, thời khóa biểu của Sỹ sát sao cũng giống như bộ đội. Giờ nào, việc gì cứ căn theo đó mà làm. Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong ngày của Sỹ dành cho việc học và chơi; thời gian còn lại dành cho lao động, thể dục vào buổi sáng và chiều như phụ các chú bộ đội chăm sóc vườn rau, ao cá. Chưa đầy một năm làm con nuôi đồn biên phòng, Sỹ từ một học sinh có học lực yếu đã vươn lên khá, sức khỏe, thể trạng nâng lên nhiều.

Dù không được chỉ huy phân công trực tiếp nuôi dạy Sỹ nhưng Thượng úy Ngân Văn Hành, Đội trưởng vũ trang rất quan tâm chăm sóc, nuôi dạy Sỹ. Bất cứ lúc nào, thời gian nào rảnh rỗi là Thượng úy Ngân Văn Hành hướng dẫn, kèm cặp cho em học.

“Không riêng gì bản thân tôi, mà trong toàn đơn vị, cán bộ nào có thời gian đều muốn tham gia dạy học cho cháu Sỹ. Chúng tôi luôn xem cháu như là con, cháu trong đơn vị, luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho cháu. Qua gần một năm sống cùng với bộ đội, từ một học sinh yếu, nay Sỹ vươn lên học khá, có tư duy tốt…”, Thượng úy Ngân Văn Hành bộc bạch.

Gần một năm sống trong “đại gia đình mới”, Sỹ đã quen với giờ giấc sinh hoạt của người lính. Ngoài giờ học văn hóa, Sỹ còn được các anh, các chú bồi dưỡng cho kỹ năng sinh hoạt, cuộc sống nề nếp lành mạnh của một chiến sĩ biên phòng. Đây sẽ là hành trang rất tốt đeo mang cùng Sỹ trong cuộc sống sau này.

 “Được trở lại trường học đối với con là một ước mơ đã đạt được. Con rất cảm ơn các chú bộ đội biên phòng đã thực hiện ước mơ cho con. Con hứa cố gắng học tập thật tốt, ngoan ngoãn, lễ phép để các chú vui…”, Phạm Quốc Sỹ nghèn nghẹn lời.

Có hoàn cảnh còn thương tâm hơn cả Sỹ, em Danh Nghĩa, ngụ Ấp Mới, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành (Kiên Giang) mồ cô cha từ nhỏ. Mẹ em phải xứ xa bươn chải làm ăn nên để em lại cho bà ngoại nuôi dưỡng trong cảnh túng thiếu. Thấu hiểu hoàn cảnh của Nghĩa, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều đã nhận em về đơn vị chăm sóc, nuôi dạy với danh nghĩa là “con nuôi đồn biên phòng”.

Hoàn cảnh éo le nên Danh Nghĩa cũng như Sỹ học trễ, 13 tuổi em mới bước vào lớp 6 năm học này. Trước kia, Nghĩa là một đứa trẻ thụ động, ít nói. Từ khi được vào đồn biên phòng sinh sống, học tập, lao động cùng các anh, các chú bộ đội biên phòng, Nghĩa đã thay đổi hẳn, vui tươi, hoạt bát, chăm học, chăm làm.

Trung úy Lương Công Mạnh, nhân viên Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Vĩnh Điều) được chỉ huy giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ cho Nghĩa. Qua gần một năm sống gần gũi, Trung úy Mạnh đã xem Nghĩa như con của mình.

Anh chia sẻ: “Em đã có vợ và hai con đang sống tại tỉnh Thái Nguyên. Do công tác phải xa vợ con, nhưng được gần gũi chăm sóc Nghĩa em cũng vơi nỗi buồn”.

Không chỉ cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt, học tập, lao động cùng các anh, các chú bộ đội, hằng ngày, Nghĩa còn được học cùng các bạn có hoàn cảnh tương tự với mình, là những cháu trong diện được Đồn Biên phòng Vĩnh Điều “nâng bước đến trường”.

“Vào sống trong đồn biên phòng, con được ăn uống, lao động, học tập, ngủ nghỉ có giờ giấc, nên sức khỏe con tốt hơn. Con được các chú dạy dỗ, chỉ bảo nghiêm nên sức học của con đã khá hơn trước đây. Con mơ ước sau này được như các chú, trở thành một cán bộ biên phòng, được công tác cùng các chú…”, Danh Nghĩa tâm sự.

Còn Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đồn trưởng Biên phòng Vĩnh Điều thì tâm sự cùng chúng tôi: “Chúng tôi lúc nào cũng mong muốn con em trên địa bàn đều được đến trường, đời sống của đồng bào bớt khó khăn. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, động viên nhau, chung tay, góp kinh phí để chăm, dạy được càng nhiều em nhỏ trên địa bàn càng vui…”.

“Con nuôi đồn biên phòng” là một mô hình hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc. Từ mô hình này, mà các đồn biên phòng trên toàn dải đất Việt Nam đã giúp đỡ, bồi dưỡng để hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nuôi hy vọng học tập, để mai này trở thành người có ích.