Chân thành sẻ chia, ấm áp tình người

NDO -

Thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia, đoàn thiện nguyện của Báo Nhân Dân và các nhà hảo tâm đã lên đường tặng quà đồng bào vùng lũ các tỉnh miền trung. Điểm đến đầu tiên tại Hà Tĩnh vào hai ngày 6 và 7-11, bên cạnh cảm xúc buồn đau trước khung cảnh đổ nát, những mảnh đời thương tâm sau lũ, là những giọt nước mắt xúc động của người dân trước lòng hảo tâm và niềm vui sẻ chia, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn đứng lên sau thiên tai.

Chân thành sẻ chia, ấm áp tình người

Cơ cực lũ chồng lũ

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở đất tại các tỉnh miền trung vừa qua đã gây thiệt hại rất nặng nề. Chỉ riêng địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đợt lũ kép đã làm ngập lụt hơn bốn nghìn hộ dân, gần bốn nghìn héc-ta rau màu, 17 nghìn tấn lương thực, 270 tấn hạt giống, hơn ba nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản; hàng trăm km đường giao thông bị xói lở, nhiều công trình công nghiệp, xây dựng, điện lực, thông tin liên lạc bị hư hại, ước thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng; ngập lụt 150 trường học, tổng thiệt hại ước khoảng 25 tỷ đồng.

4_2-1605605254237.jpg
 

Sau ba tuần nước lũ rút, dẫu hoạt động dạy học tại Trường tiểu học Tân Lâm Hương (Thạch Hà) đã trở lại bình thường nhưng dấu vết của đợt lũ kép vẫn in đậm trên những bức tường, bộ bàn ghế và cả trong ánh mắt nhiều lo toan của cô trò. Mặc dù cán bộ, giáo viên đã chủ động kê kích bàn ghế, trang thiết bị dạy học cao hơn mức nước dâng của trận lũ lịch sử năm 2010, nhưng nước lũ năm nay tràn về quá nhanh, chảy xiết và dâng cao đến 2m, nên toàn bộ bàn ghế và đồ dùng dạy học ở các phòng học, phòng chức năng bị nhấn chìm.

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng chịu tổn thất nặng nề. Tại trường liên cấp Phan Đình Giót, hơn 30 phòng học bị ngập, Ban Giám hiệu nhà trường đã phải “nói khó” với nhà thầu cho nợ để sửa chữa, thay thế kịp thời 300 bộ bàn ghế hư hỏng để học sinh trở lại học sau lũ. Cô Đặng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Quang tiếc nuối, nước lũ dâng quá nhanh, giáo viên đa phần tuổi ngoài 50, nhà bị ngập nên không đến trường chạy lụt được, trong số 550 học sinh nhà bị lụt thì có tới 200 trường hợp ngập nặng.

Lũ lụt cũng đẩy những gia đình hộ nghèo lâm vào cảnh khốn cùng. Bao của nả cả đời dành dụm, chắt bóp bỗng chốc trôi theo dòng nước lũ. Vợ chồng bà Đặng Thị Oanh ở tiểu khu 7, phố Hưng Lợi, thị trấn Kỳ Anh bị ung thư, con dâu mới mất đột ngột để lại con nhỏ càng thêm cơ cực khi lũ về. Di chứng chất độc da cam từ người bố đi chiến đấu khiến thân thể Nguyễn Thị Thơ, ở xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) sủi đầy mụn thịt, đau ốm liên miên.

Con gái lớn bị bại não từ nhỏ, mỗi khi lên cơn động kinh đập phá đồ đạc liên miên, thầy giáo Nguyễn Văn Chương, Trường THCS Cẩm Thịnh dốc hết tiền lương eo hẹp hằng tháng mua thuốc chữa trị, vợ bỏ việc chăm con mấy chục năm nay, hy vọng căn bệnh kinh niên thuyên giảm phần nào. Nước lụt, vợ chồng thầy đưa con gái lên nhà trên tránh lũ. Thóc lúa ngấm nước đành cho vịt ăn, máy bơm hỏng, khó khăn chồng chất bủa vây. Nỗi đau vẫn còn ám ảnh cả gia đình khi bé Nguyễn Văn Trọng, học sinh lớp 3B Trường liên cấp Phan Đình Giót đi tránh lụt ở nhà hàng xóm bị ngã từ trên cao không qua khỏi trước ngày bố em đi xuất khẩu lao động một ngày.

Một miếng khi đói...

Khi nhóm nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng; Nguyễn Hồng Minh, Phó Ban Nhân Dân điện tử và các đồng nghiệp Báo Nhân Dân phát động chương trình thiện nguyện, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, họa sĩ, cộng tác viên, bạn bè thân thiết... nhiệt tâm gửi tiền, hàng ủng hộ với mong muốn chung tay giúp đỡ đồng bào bão lụt miền trung vượt qua khó khăn, đau thương, mất mát để sớm ổn định cuộc sống.

Số tiền quyên góp sau hai tuần đã lên tới gần 1,163 tỷ đồng. Công ty Beegreen ủng hộ gần 200 triệu đồng và 640 máy bơm nước Sunstar, 1.000 chăn ấm; cán bộ nhân viên Tập đoàn khai thác cảng và logistics Gemadept ủng hộ 450 triệu đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân huy động, đóng góp theo cách của mình: Hội Mỹ thuật Hải Phòng tổ chức đấu giá, ủng hộ tiền bán tranh gần 128 triệu đồng; Resort Hoa lan Chính Trương ủng hộ 100 triệu đồng; anh Nguyễn Diệu, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu có sáng kiến tặng Đoàn Thanh niên Báo Nhân Dân một tấn cam Vinh trồng theo phương pháp organic, tiền bán được 48,5 triệu đồng... Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Hà Tĩnh phối hợp cán bộ, chính quyền địa phương khảo sát kỹ lưỡng, lập danh sách địa chỉ cần ưu tiên hỗ trợ.

3-1605605254735.jpg
 

Cô Lê Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Lâm Hương chia sẻ, sau lũ điều kiện kinh tế của các phụ huynh đang gặp rất nhiều khó khăn nên rất khó kêu gọi nguồn lực để bổ sung, sửa chữa trang thiết bị dạy học. Sự hỗ trợ kịp thời của đoàn thiện nguyện Báo Nhân Dân và các nhà hảo tâm không chỉ động viên cô trò vượt khó mà còn giúp trường có thêm nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn lũ kép gây ra.

“Sự sẻ chia kịp thời của đoàn rất quý báu, nhà trường sẽ sử dụng tiền hỗ trợ  hữu ích nhất”, đó là những lời cảm ơn chân thành của Hiệu trưởng các trường THCS: Cẩm Thịnh, Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên), Trường mầm non Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh)... Cô giáo Trần Thị Sen, Chủ tịch công đoàn Trường tiểu học Vượng Lộc trải lòng, trường nằm ở vùng trũng huyện Can Lộc nên ngập nặng, giáo viên góp tiền mua thực phẩm tặng một số học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và mong muốn có thêm nhiều đoàn cứu trợ hỗ trợ, cưu mang để các em yên tâm học tập.

Có thể cảm nhận nỗi nhọc nhằn, khó khăn và cả ánh mắt, cử chỉ và lời nói tràn ngập xúc động, biết ơn của bà con khi nhận những món quà ấm áp tình người. Cảm kích trước tấm chân tình của đoàn thiện nguyện, ông Nguyễn Đình Niên ở thôn 2, xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Đứa con gái lớn của ông bị tâm thần mấy chục năm nay, ở nhà thì đập phá đồ đạc, không ít lần bỏ nhà đi lang thang còn người con trai bị tai nạn giao thông nằm liệt 10 năm nay. Nước lũ lên quá nhanh, ông bà chỉ kịp cầu cứu hàng xóm phụ giúp đưa con đi lánh nạn, đành chấp nhận thóc lúa, gà vịt trôi hết.

Gia tài cả đời ông Trịnh Bình khu phố 8, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh là căn nhà tối tăm, lụp xụp. Dấu vết nước ngập đến lưng nhà vẫn còn hằn trên bức tường ẩm ướt, sân đất trước nhà còn lầy lội. Đã 75 tuổi mà ông Bình hàng ngày vẫn đạp xích lô, ai thuê gì chở nấy để kiếm kế sinh nhai. Được chính quyền, bà con chòm xóm quan tâm cưu mang, nay lại được đoàn từ thiện tặng quà, ông thấy ấm lòng.

2_4-1605605254444.jpg
 

Đợt mưa lũ vừa qua, Kỳ Anh là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng cho biết, lượng mưa trung bình hằng năm ở huyện từ 2.000 - 2.800 mm, vậy mà chỉ trong một tuần đạt 2.000 mm, “nước như từ trên trời đổ xuống!”. Xã Kỳ Khang có 11 thôn thì sáu thôn bị ngập nặng, 694 hộ dân bị ảnh hưởng, ước thiệt hại 15 tỷ đồng. Tại nhà văn hóa xã, đoàn thiện nguyện trao 100 suất quà trị giá 100 triệu đồng cho những hộ khó khăn nhất.

Người dân phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh) còn khó khăn hơn. Đoàn thiện nguyện phải băng qua những cánh đồng mênh mông nước mới tới được Nhà văn hóa của tổ dân phố Cảnh Trường. Khi lũ về ba tổ dân phố Cảnh Trường, Trường Phú, Trường Yên trở thành ốc đảo, là túi nước khổng lồ. Phần lớn ngôi nhà tốc mái, tường đổ, nền nhà lún sụt, tạo thành các “hố tử thần”. Gần 600 người dân ở “ốc đảo” gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện, vật liệu xây dựng và đặc biệt là nguồn tài chính phục vụ sinh kế, nhưng bà con nhường nhịn, ưu tiên 50 hộ khó khăn nhất nhận quà.

Đồng hành cùng Báo Nhân Dân trao quà từ thiện, các thành viên Công ty Bee Green và Tập đoàn Gemadept càng thấm thía nỗi vất vả, khổ cực của bà con. Anh Vũ Ninh, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Gemadept trải lòng: “Của ít lòng nhiều, hy vọng tấm lòng của tập đoàn tiếp thêm nghị lực, giúp người dân sau lũ vơi bớt phần nào khó nhọc, mất mát”. Còn tập thể cán bộ, nhân viên Công ty Bee Green mong muốn bà con, thầy cô mảnh đất gió Lào cát trắng vững vàng vượt khó.

Lũ lụt, mưa bão có thể cuốn phăng nhà cửa, chôn vùi những tài sản quý giá nhưng chắc chắn không thể cuốn trôi, vùi lấp tình thương yêu, sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn. Trong những ngày tới, những món quà sẽ được đoàn từ thiện tiếp tục gửi tới bà con các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Tổng cộng 570 triệu đồng đã được trao cho các trường hợp bị ảnh hưởng lũ nặng gồm: 21 trường học thiệt hại nặng, 259 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của các xã Thạch Lạc, Thạch Hội (Thạch Hà); phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh), xã Kỳ Khang (Kỳ Anh); 18 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình ba công nhân tử vong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, 15 học sinh và một giáo viên Trường PTTH Phan Đình Phùng (thành phố Hà Tĩnh) gia cảnh khó khăn; hỗ trợ mua dầu máy cho chương trình sửa xe máy miễn phí cho bà con vùng lũ; hỗ trợ xã Thạch Lạc và xã Thạch Đài mua hai thuyền máy.
Mưa lũ nghiêm trọng ở miền trung