Bến bình yên của trẻ thiệt thòi

Hai năm sau ngày thành lập, Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương trong quần thể chùa Phước Quang, khóm 2, thị trấn Tam Bình (Vĩnh Long) luôn đầy ắp tiếng cười. Chỉ chừng ấy thời gian, nhưng nhiều đứa trẻ bất hạnh đã lớn lên, được yêu thương, chở che, được tiếp thu tinh thần Phật pháp từ bi, hỷ xả.

Đại đức Thích Phước Ngọc cùng trẻ mồ côi ở Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương
Đại đức Thích Phước Ngọc cùng trẻ mồ côi ở Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương

Ngày càng nhiều người dân, phật tử từ khắp nơi xa gần tìm đến trung tâm để bày tỏ lòng nhân ái, tinh thần thiện nguyện và đóng góp chút công sức nhỏ bé giúp những cảnh đời lang thang, cơ nhỡ tìm được chốn bình yên... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để Ðại đức Thích Phước Ngọc, Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phước Quang - người tâm huyết sáng lập trung tâm, cảm thấy an lòng.

Câu chuyện hình thành Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương khởi nguồn vào cuối tháng 9-2007, khi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ khiến 54 người chết, hàng trăm người bị thương. Vụ tai nạn xảy ra tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã gây đau thương cho không biết bao nhiêu gia đình khi con mất cha, vợ mất chồng... Sau sự cố này, số lượng trẻ mồ côi, lang thang tăng lên nhanh chóng do hậu quả nặng nề của vụ tai nạn.

Từ trong đổ nát, bi thương này, Ðại đức Thích Phước Ngọc đã khởi xướng và cùng phật tử, mạnh thường quân khắp nơi chung một tấm lòng xây dựng Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương, mở ra một tương lai tươi sáng cho bao trẻ thơ bất hạnh trong và ngoài tỉnh. Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương có diện tích 5.500 m2, đã khánh thành và đi vào hoạt động kể từ ngày 2-11-2012.

Ðại đức Thích Phước Ngọc tâm niệm, cô nhi viện sẽ là mái nhà chung cho những em nhỏ bất hạnh, là chốn nương tựa tâm linh cho các phật tử xa gần. Với quy mô có thể nuôi dạy hơn 200 trẻ, trung tâm bao gồm nhiều hạng mục hoàn chỉnh: khu vực nuôi trẻ gồm 21 phòng; khu vực niệm phật đường - học đường - chay đường; khu vực nấu ăn - dinh dưỡng; khu vực văn phòng quản lý, trong đó có phòng y tế sơ cứu ban đầu; hệ thống cây xanh... Cùng với đó, trung tâm còn xây dựng Phật Di Lặc, khu khuôn viên và tượng Phật với kiến trúc và điêu khắc tinh xảo, bảo đảm tính mỹ thuật và sự tôn nghiêm.

Ðặc biệt, thay vì những khẩu hiệu, nội quy khô cứng, Ðại đức Thích Phước Ngọc dùng thơ để nhắc nhở, giáo huấn các em. Lời thơ ngắn gọn, súc tích nhưng nhân văn và đầy ẩn ý được treo trên tường, ngay tại những hành lang...tất cả tạo nên không gian tốt đời - đẹp đạo hòa quyện. Ðến đây, lòng người có thể trải rộng với sự yên lành và tâm thanh tịnh:

Ðừng khóc nữa con, hãy lau khô nước mắt / Cha biết rằng con đã mất người thân... / Dẫu cho đời còn nhiều cuộc vô thường / Bến bình yên của con đây, con nhé...

Giữa tiếng trẻ ríu rít nói cười, giữa không gian thanh tịnh trầm mặc của chùa Phước Quang, đâu đó như đang nghe một giọng thơ da diết. Về giữa yêu thương, Ðại đức Thích Phước Ngọc bảo rằng bài thơ có nhan đề như thế, như cách ông vẫn nói về trung tâm với tất cả niềm tự hào và sự thiện tâm.