Nhầm lẫn 4.0

NDO -

NDĐT - Cách đây ít ngày, nhân dịp lễ hội quan họ miền Kinh Bắc, tôi bị thu hút bởi một bài báo đề cập khái niệm “quan họ 4.0”. Thế giới đã có rô-bốt được cấp quyền công dân, đã có những phát thanh viên AI (sử dụng hoàn toàn trí thông minh nhân tạo), rồi cả chuyện đấu giá tranh vẽ của trí thông minh nhân tạo... Tưởng rằng với khả năng “đi tắt, đón đầu”, dân ca quan họ cũng có những bước đột phá trong ứng dụng những công nghệ của thời đại 4.0. Nhưng hóa ra, câu chuyện trong bài báo lại là chuyện quan họ sử dụng... loa đài, gây inh tai nhức óc người xem hội.

Nhầm lẫn 4.0

Câu chuyện “nhầm lẫn” trên đang phản ánh một thực tế, người Việt “sính” 4.0, sính cụm từ “thông minh” một cách kỳ lạ. Lĩnh vực nào cũng thấy đề cập đến thời đại 4.0, từ nuôi gà, trồng rau, đào ao, nuôi cá..., cho đến giáo dục, y tế, các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng... Có những bài báo ca ngợi mô hình “nông nghiệp 4.0”, “nông nghiệp thông minh”. Nhưng khi đọc và tìm hiểu, thì té ra, đó là mô hình nông nghiệp đang ứng dụng tự động hóa một số công đoạn. Thực ra, tự động hóa như thế mới chỉ “mon men” đến 3.0 mà thôi. Lại có cả những cuộc ra quân đầy tính phong trào khi phát động thanh niên xung kích vào 4.0. Tôi nhớ có hẳn một hội thảo về làng nghề với “cách mạng công nghiệp 4.0”. Nhiều bài diễn văn được đọc. Nhưng sau khi chăm chú nghe gần hết buổi, hình như, ngay các diễn giả cũng đang mông lung về mối quan hệ giữa làng nghề với 4.0.

Vẫn còn những tranh cãi nhất định trong khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng nhìn chung hoạt động của các lĩnh vực thời đại 4.0 dựa trên những yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và hệ thống dữ liệu lớn. Các công nghệ thông minh được tích hợp để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Ví như, một khu vườn thông minh, hệ thống cảm biến và rô-bốt sẽ tưới cây, bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng một cách tối ưu. Thậm chí, trí tuệ nhân tạo còn làm luôn nhiệm vụ của... người quản lý khu vườn. Nếu như ở thời kỳ 3.0, rô-bốt làm việc theo lập trình của con người, thì ở thời 4.0, rô-bốt không chỉ biết làm theo lập trình có sẵn, mà biết liên tục học hỏi để phát triển đáp ứng nhu cầu ngày một phức tạp của công việc...

Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cả mừng lẫn lo, khi những công việc đơn giản có thể bị thay thế hoàn toàn bởi rô-bốt.

Với Việt Nam, cái đáng lo xem ra nhiều hơn đáng mừng. Lâu nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động giá rẻ và trẻ trung. Nhưng lao động của chúng ta nhiều “lượng” hơn là “chất”. Lợi thế này sẽ mất đi, khi nhiều chuyên gia dự đoán, rô-bốt sẽ cạnh tranh quyết liệt với nhiều lĩnh vực sản xuất. Thậm chí, ngành công nghiệp dệt may sẽ “quay trở lại” những nước phát triển nếu họ ứng dụng rô-bốt trong lĩnh vực này. Song, đó là câu chuyện tương lai. Hiện tại, chúng ta cũng đã có trải nghiệm đầu tiên trong cuộc sống về kinh tế thời 4.0. Đó là khi một ứng dụng nhỏ của thời đại 4.0 là phần mềm gọi xe cũng khiến nhiều người có thêm cơ hội kiếm tiền, nhiều người tiết kiệm được tiền, còn nhiều hãng taxi lớn phải lao đao.

Tuy nhiên, cũng chính vì những thách thức ấy, càng cần chúng ta phải hiểu đúng về cách mạng công nghiệp 4.0, để một mặt bắt kịp, một mặt phát huy những lợi thế của mình. Chẳng hạn như câu chuyện về “làng nghề 4.0”. Đặc trưng của nhiều làng nghề truyền thống, là sản xuất ra những sản phẩm thủ công, mà giá trị nhất, chính là bàn tay khéo léo của con người. Như câu chuyện về nghề thêu. Từ lâu, đã có nhiều loại máy thêu hiện đại, đường kim, mũi chỉ đều tăm tắp hơn thêu tay. Nhưng thêu tay không “chết”. Thêu tay ngày càng có nhiều khách hàng, nhất là khách hàng cao cấp. Vì thêu tay đem đến những cái mà thêu máy không bao giờ có được. Đó là những tác phẩm độc bản, có hồn, những mũi kim, những cách pha màu ngẫu hứng... Hay như nghề dệt lụa tơ tằm. Không có công nghệ nào thay cho được con tằm nhả tơ lấy sợi. Cũng khó rô-bốt nào cạnh tranh được với bàn tay tài khéo của người thợ khảm trai... Làng nghề có thật sự cần đến 4.0 hay không?

4.0 đang trở thành phong trào, khá rầm rộ. Người ta vẫn phải nghe thuyết trình về thành phố thông minh khi đi trên những con đường. Người ta vẫn nghe về y tế thông minh, khi hai, ba người chen nhau trên một chiếc giường bệnh... Khi nghĩ miên man, tôi chợt nhận ra, trong thời đại thông tin tràn ngập như thế này, có lẽ, vị phóng viên viết về “quan họ 4.0” không nhầm lẫn một cách tình cờ. Mà nhầm lẫn một cách có chủ ý. Và có lẽ, cái đáng sợ nhất của “nhầm lẫn 4.0”, “nhầm lẫn thông minh” chính là, nhầm một cách có chủ đích, nhân danh 4.0 vì một mục đích nào đó. Nhất là những chương trình, dự án phải tiêu đến tiền...