Nhà báo đi đàm phán

Nhà báo HÀ ÐĂNG

Chiếc xe Vôn-ga đen của thủ trưởng từ cổng lớn chạy vào, đỗ xịch bên cạnh. Tổng Biên tập Hoàng Tùng xuống xe, ngoắt tôi lại:

- Anh phải chuẩn bị gấp để đi Paris.

- Ðể làm gì anh?

- Làm phụ tá cho bà Bình.

Làm phụ tá cho bà Bình là làm gì nhỉ? Tin tức báo chí mấy ngày qua đều nói đến việc bà Nguyễn Thị Bình đến Paris ngày 4/11/1968 và đã được đón tiếp như "Bà hoàng Việt cộng". Bà đến Paris với tư cách đại diện cho Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam dự Hội nghị trù bị cho Hội nghị bốn bên về Việt Nam sẽ được mở ra sau đó. Có nghĩa là đến Paris đàm phán! Lúc này tôi đang là Phó Trưởng ban miền nam Báo Nhân Dân, chuyên viết bình luận về các vấn đề chính trị và quân sự ở miền nam, nhất là những vấn đề có liên quan đến chính quyền Sài Gòn. Về những vấn đề này, có thể nói tôi khá thuộc. Nhưng thuộc là để viết báo chứ đâu phải để đi đàm phán?

Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo sau khi dự phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục của Hội nghị 4 đoàn tại Paris (Pháp) ngày 18/1/1969. (Ảnh: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo sau khi dự phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục của Hội nghị 4 đoàn tại Paris (Pháp) ngày 18/1/1969. (Ảnh: TTXVN)

Ðiều thắc mắc của tôi, sau này, đã được giải đáp tại Paris. Là thành viên trong Ðoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam, tôi được phân công viết những bài phát biểu chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn ta.

Hội nghị Paris, vào thời kỳ đầu, chưa thật sự đi vào giải pháp. Các bên dự Hội nghị chủ yếu là để đấu lý với nhau. Lý lẽ của chúng ta xoay quanh việc vạch ra nguồn gốc của chiến tranh ở Việt Nam, chỉ rõ Mỹ là kẻ xâm lược, chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên, Mặt trận Dân tộc giải phóng là người đại diện chân chính của nhân dân miền Nam; vì vậy muốn lập lại hòa bình, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam mà không được đặt bất cứ điều kiện gì, đồng thời phải xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên, v.v...

Ngày 18/1/1969, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thu đô Paris (Pháp) diễn ra phiên họp đầu tiên của Hội nghị 4 bên về Việt Nam, gồm 4 đoàn đại biểu: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Ngày 18/1/1969, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thu đô Paris (Pháp) diễn ra phiên họp đầu tiên của Hội nghị 4 bên về Việt Nam, gồm 4 đoàn đại biểu: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Suốt 3 tháng rưỡi liền, kể từ ngày khai mạc Hội nghị 25/1/1969 cho đến khi Mặt trận đưa ra giải pháp toàn bộ, ngày 8/5/1969, các bài phát biểu của Trưởng đoàn ta đều xoay quanh chủ đề đã nêu trên. Viết đi viết lại, viết tái viết hồi, đến nỗi Trưởng đoàn ta Trần Bửu Kiếm cũng sốt ruột. Anh nói với người viết bài chuẩn bị sẵn:

- Cứ "xe lửa cán đường rầy" thế này, ngán quá!

Tôi cười:

- Xe lửa mà không cán đường rầy, nghĩa là trật đường ray, thì nó sẽ chạy đến đâu?

Nói như vậy, nhưng viết thế nào cho lọt lỗ tai dư luận là không dễ. Có lần một nữ ủy viên Ðoàn rỉ tai tôi:

- Anh viết hiền lành quá! Phải viết sao cho thằng ngụy nó đau vào!

Chị đưa cho tôi hai bài báo mà trước khi đi, chị đã cắt từ Báo Nhân Dân. Chị nói:

- Anh tham khảo hai bài này. Viết thế mới sắc sảo chứ!

Thì ra đó là hai bài báo mà tôi là tác giả khi ở Hà Nội. Tôi nói:

- Viết thế này là viết báo, tay nghề của tôi! Nhưng ở đây, chúng ta đang viết văn bản đàm phán mà!

Sự thật thì mỗi bài phát biểu chuẩn bị sẵn cho Trưởng đoàn đều được đưa ra thảo luận tập thể trong toàn Ðoàn. Chín người mười ý. Chỗ người này khen lại là chỗ người khác chê và ngược lại.

Có khi những chỗ bỏ đi trong văn bản lần trước,  lần sau lại lấy vào. Những ý kiến bổ sung trong văn bản lần sau, lần sau nữa lại bỏ, v.v...

Đoàn đại biểu VNDCCH do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu trong phiên họp đầu tiến tại Paris (Pháp) ngày 13/5/1968. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Đoàn đại biểu VNDCCH do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu trong phiên họp đầu tiến tại Paris (Pháp) ngày 13/5/1968. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Ðể giãi bày tâm sự, tôi đem câu chuyện viết lách đó nói với Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lúc này là Bí thư Trung ương Ðảng đang cùng với Ủy viên Bộ Chính trị Lê Ðức Thọ trực tiếp chỉ đạo cuộc đàm phán tại Paris. Anh Xuân Thủy mỉm cười ý nhị. Anh đọc cho nghe mấy câu thơ trong một bài thơ của anh gửi Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh) trước đó:


Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi
Viết đi viết lại vẫn chưa rồi
Người giao anh viết: Anh là thánh
Anh viết, người chê: dốt nhất đời!

Sóng Hồng họa lại:


Ðấu lý bao giờ cũng thế thôi
Nói đi nói lại vẫn chưa rồi
Chiến trường ta diệt thêm nhiều địch
Ðế quốc rồi đây sẽ hết đời!

Cái tài của đồng chí Xuân Thủy, vốn là một nhà báo kỳ cựu, là như vậy. Anh không "đả thông" mà người nghe vẫn cứ thông, thông về cái triết lý viết văn chương, cũng là cái triết lý của đấu lý trong đàm phán.

Quang cảnh Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp tại Paris (Pháp) từ ngày 26/2-2/3/1973. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp tại Paris (Pháp) từ ngày 26/2-2/3/1973. (Ảnh: TTXVN)

Tham gia Ðoàn đại biểu Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, ngoài tôi ra còn có nhiều nhà báo khác. Trương Xuân Thâm, tức Trương Tùng, biên tập viên báo Thống Nhất, là một người như vậy. Anh không bị cái "khổ ải" phải "cày" những bài phát biểu chuẩn bị sẵn như tôi mà thật sự đóng vai nhà báo, có khi còn nhân danh nhà đàm phán đi đây, đi đó ở các nước phương Tây.

Có lần các bạn Italia tổ chức mít-tinh lớn ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam, đã mời đại biểu Ðoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời sang dự. Các nhân vật lãnh đạo chủ chốt đều bận. Thế là nhà báo Trương Tùng được cử đi. Ðến thành phố Milano, khi sắp bước vào địa điểm tổ chức mít-tinh, anh bỗng phát hiện một tấm biển to: "Chào mừng ngài Bộ trưởng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam...".

Anh Trương Tùng hoảng quá, quay sang nói với đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ðảng Cộng sản Italia đi cùng anh tới cuộc mít-tinh:

- Tôi xin đính chính với đồng chí, tôi chỉ là chuyên viên của Ðoàn.

Bạn cười:

- Ở Paris, đồng chí làm gì mặc đồng chí. Còn ở đây, đồng chí là bộ trưởng, cứ phải là bộ trưởng.

Sau chuyến đi này, anh Trương Tùng về kể lại, cũng là báo cáo "chiến công" ngoại giao đầu tiên của anh. Anh kể nhiều về cuộc sống của người dân Italia, về Milano, nơi anh dự mít-tinh, về thành phố Venezia (tiếng Pháp là Venise) nổi tiếng mà anh đến thăm. Qua chuyện kể của anh, một người trong Ðoàn ứng khẩu thành thơ:


Nhà báo Trương Tùng đến Mi-lăn
Về nhà kể lắm chuyện lăng nhăng
Nào là nước Ý đào to quả
Gái đẹp, đĩ nhiều lắm hiệu ăn
Thành phố Vơ-ni trên mặt nước
Mấy mươi năm nữa biết còn chăng

Nhà thơ còn ngắc ngứ về hai câu cuối thì tôi bảo: Hai câu này Trương Tùng đã làm rồi cần gì phải vắt óc nặn ra nữa! Và tôi đọc nối theo:


Ði sang nước Ý làm bộ trưởng
Về đến Mát-xi trở lại thằng!

Massy là thị xã ngoại ô Paris, nơi Ðoàn chúng tôi ở. Chữ thằng là chữ chúng tôi quen gọi nhau trong giới chuyên viên: Thằng Ðăng (tôi), thằng Tùng (Trương Tùng), thằng Châu (nhà báo Hoàng Phong, sang Paris lấy tên là Hoàng Huy Châu). Hai câu kết và mấy chữ "trở lại thằng" đã gây một trận cười khoái trá cho người nghe. Và chữ "bộ trưởng" được phong cho Trương Tùng từ đó. Ngày nay, các nhà báo Trương Tùng, Hoàng Phong,... cùng nhiều lãnh đạo khác của hai đoàn ta tại Paris, như Lê Ðức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê,... đều đã trở thành người thiên cổ.