Nguyễn Trọng Khôi và những bức tranh của ngày về

Đêm (sơn dầu, triển lãm “Cách một đại dương” - 1992).
Đêm (sơn dầu, triển lãm “Cách một đại dương” - 1992).

Gần 30 năm trước, trên trang sáng tác của báo Tuổi Trẻ thường xuất hiện những minh họa bút sắt của Nguyễn Trọng Khôi, những minh họa đen trắng mạnh mẽ, sắc nét, hào sảng. Tác giả minh họa lúc đó còn là họa sĩ của nhà in Thanh Niên và từng vẽ nhiều bìa sách cho NXB Thanh Niên. Xa hơn nữa, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) năm 1972, Nguyễn Trọng Khôi đã sớm bước vào lĩnh vực đồ họa, là một cái tên khá quen thuộc trong lĩnh vực minh họa, vẽ bìa sách báo ở Sài Gòn.

Nhưng với hội họa, Nguyễn Trọng Khôi những ngày tháng đó vẫn là một gã lãng tử mê mải rong chơi. Cho tới khi sang Mỹ định cư năm 1988, gần như anh vẫn chưa có một triển lãm tranh cá nhân đáng kể nào ngoài những triển lãm chung cùng nhiều họa sĩ khác trong những năm 1972-1988.

Trước khi nhịp cầu quan hệ Việt - Mỹ được chính thức nối lại năm 1993, để đôi bờ đại dương không còn quá mênh mông chia cách những người Việt xa xứ với đồng bào trong nước; đã có những nỗ lực trong lĩnh vực mỹ thuật nhằm tạo một cầu nối giữa các họa sĩ Việt trong và ngoài nước, đáng kể nhất là một triển lãm tranh quy mô khá lớn, lưu động trên đất Mỹ từ năm 1992 - 1995, do Viện Smithsonian tài trợ tổ chức, với tên gọi “Cách một đại dương” (An ocean apart).


Họa sĩ và người mẫu
(sơn dầu, 2005).

Trong triển lãm đó, có họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi sống ở bang Massachusetts tham gia với những tác phẩm chủ đề nông thôn, hình thành từ ký ức những năm tuổi thơ anh sống ở đồng quê vùng Vĩnh Phú trước khi theo gia đình vào Nam năm 1954. Đó là những tranh tả thực được vẽ kỹ từng chi tiết đến độ gần với nhiếp ảnh, bởi tác giả rất vững về hình họa.

Sang Mỹ, Nguyễn Trọng Khôi - như nhiều họa sĩ người Việt khác - đã không thể chỉ sống với và bằng hội họa. Dù vậy anh đã vẽ được rất nhiều, có được hàng loạt triển lãm cá nhân và nhóm ở nhiều nơi trên đất Mỹ từ đầu thập niên 1990 đến nay. Sau một thời gian làm công việc phục chế đồ gỗ, từ bốn năm nay Nguyễn Trọng Khôi đã nghỉ việc và dành hết thời gian cho hội họa mà theo cách tự trào muôn thuở của anh, Khôi bảo: “Thất nghiệp rồi, đâu biết làm gì khác ngoài vẽ tranh! Bên đó bạn nhậu đâu sẵn như bên này...”. Riêng năm 2004, anh đã có hai triển lãm cá nhân đều ở Massachusetts - một trong hai, tổ chức tại thư viện Newton Free ở TP Newton, đã bán được gần một nửa trong tổng số 43 bức trưng bày, là một thành công lớn khiến Perth Purcell, giám đốc chương trình của thư viện Newton Free, không khỏi bất ngờ: “Đây thật sự là một trong những cuộc triển lãm trong năm thành công nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã ngạc nhiên khi thấy tranh ông Khôi bán tốt đến thế”.


Khám phá (sơn dầu, 2005).

Nguyễn Trọng Khôi vẽ gì trong chuyến trở về lần này? Hầu hết là tĩnh vật, những đồ vật muôn đời câm lặng và bất động: những bức tượng, những viên gạch, những hòn cuội, những chai lọ và ly tách… Cả với bức tự họa duy nhất trong số 14 tranh của anh, người mẫu cũng chỉ là một pho tượng. Nguyễn Trọng Khôi muốn loại bỏ mọi yếu tố có thể tạo cảm xúc tức thì như khi vẽ tĩnh vật là hoa trái bởi chúng vẫn có sắc mầu và sự sinh động, còn những đồ vật anh đưa vào tranh thì chẳng dễ để tạo được sự rung động cho người xem nếu tự thân tác giả không khám phá được vẻ đẹp của những vật vô tri giác đó trong cuộc sống mỗi ngày chung quanh mình và truyền được cảm xúc đến với công chúng, anh bày tỏ: “Tôi yêu cuộc sống thường nhật, đặc biệt là cái cuộc sống đầy ắp những va chạm, gặp gỡ. Cuộc sống đầy ắp những gặp gỡ bất ngờ sẽ trở nên trọn vẹn hơn; những gặp gỡ ấy rồi sẽ trở thành những kinh nghiệm quý giá... Tôi biết lắng nghe cuộc đối thoại giữa đất đai và rơm rạ; có thể cảm nhận được những âm thanh lặng lẽ, bí ẩn của vô vàn sự vật trong thiên nhiên. Và như vậy, tranh của tôi tựa như mối liên hệ trực giác với sự vật trong tiềm thức của tôi để rồi tự phát triển thành những rung động như thể tình yêu… Hội họa là cách thức tôi nhận biết thực tại thông qua tình yêu”.

Năm năm trước, khi lần đầu về thăm nhà, Nguyễn Trọng Khôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc anh sẽ mang tranh về bày ở Việt Nam. Và không chỉ có những Đinh Cường, Nguyễn Phước, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Cầm, Nguyễn Trọng Khôi… mà chắc chắn sẽ còn có nhiều họa sĩ Việt ở hải ngoại sẽ tiếp tục trở về với những tác phẩm ẩn chứa “những rung động như thể tình yêu”...

Có thể bạn quan tâm