Thị trường kim loại quý: Khi giá trị vượt xa nhu cầu trú ẩn an toàn

NDO -

Căng thẳng chính trị ở Biển Đen và tình hình lạm phát ngày một tăng cao đang củng cố vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý đối với giới đầu tư. Ngoài ra, nhu cầu thay thế dầu thô bằng các năng lượng tái tạo cũng đang khiến cho các mặt hàng bạc và bạch kim nhận được nhiều sự chú ý hơn.

Từ đầu năm đến nay, thị trường kim loại quý tăng trưởng rất tốt với hai mặt hàng sáng giá là bạc và bạch kim. (Ảnh: Reuters)
Từ đầu năm đến nay, thị trường kim loại quý tăng trưởng rất tốt với hai mặt hàng sáng giá là bạc và bạch kim. (Ảnh: Reuters)

Từ đầu năm đến nay, thị trường kim loại quý tăng trưởng rất tốt với hai mặt hàng sáng giá là bạc và bạch kim. Chỉ trong gần 3 tháng, giá bạc tăng 14% lên 25,9 USD/ounce, còn giá bạch kim cũng cao hơn gần 10% lên mức 1.031,2 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý này đều vượt qua mức tăng 8,5% của vàng, vốn được coi là kênh trú ẩn phổ biến nhất.

Lạm phát và xung đột cùng đẩy dòng tiền về kim loại quý

Đà tăng của bạc và bạch kim xuất phát nhờ hai vai trò chính là tài sản đầu tư, đồng thời giữ vai trò là kim loại công nghiệp quan trọng. Cả hai kim loại này đều quý hiếm trong tự nhiên, với nguồn cung giới hạn, nên được thường nắm giữ như khoản đầu tư hữu hình. Cũng chính nhờ yếu tố này, mà bạc và bạch kim thường được xem là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều biến động hoặc nền kinh tế toàn cầu chịu thách thức lạm phát.

Hiện nay, những căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, khiến cho giá các mặt hàng năng lượng và thực phẩm tăng cao. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Sức ép kép này khiến cho thế giới có nguy cơ đối mặt với cú sốc lạm phát đình trệ - hiện tượng tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi giá cả hàng hóa tăng phi mã.

Trước những triển vọng thiếu khả quan này, các nhà đầu tư đặt nhiều niềm tin hơn vào thị trường kim loại quý, và tiến hành dịch chuyển dòng tiền ra khỏi các thị trường rủi ro cao như thị trường chứng khoán, và thị trường tiền điện tử. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P500, một chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm gần 6%.

Thị trường kim loại quý: Khi giá trị vượt xa nhu cầu trú ẩn an toàn -0

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,25 điểm % trong cuộc họp tháng 3 vừa qua, và cho biết sẽ có khoảng sáu lần tăng nữa trong năm nay, giá hai kim loại này dần bước vào xu hướng giảm. Bên cạnh đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nói rằng cơ quan này có khả năng sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn sau các cuộc họp tiếp theo, để đối phó với mức lạm phát đang cao nhất trong vòng 40 năm ở Mỹ. Giá kim loại quý vốn rất “nhạy cảm” với các thay đổi trong chính sách tiền tệ, nên lập trường cứng rắn của FED hiện nay sẽ lấy lại vị thế cho đồng USD và tác động tiêu cực lên cả giá bạc và bạch kim.

Quá trình “xanh hóa” thế giới thúc đẩy sức mua với bạc, bạch kim

Ngoài vai trò đầu tư và trú ẩn, bạc và bạch kim còn là hai kim loại rất linh hoạt để sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ điện tử, y học, sản xuất ô-tô đến những ngành năng lượng mới như sản xuất pin năng lượng mặt trời, hay xe điện. Vì vậy, mặc dù chịu sức ép từ các chính sách tiền tệ, giá hai mặt hàng kim loại quý này lại nhận được hỗ trợ từ nhu cầu tiêu thụ hàng thực. Trong báo cáo đầu năm 2022 của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), từ nay tới năm 2050, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ vẫn là hai nguồn năng lượng lớn nhất ở Mỹ vào năm 2050, nhưng năng lượng tái tạo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Thị trường kim loại quý: Khi giá trị vượt xa nhu cầu trú ẩn an toàn -0

Viện Bạc thế giới dự báo nhu cầu tiêu thụ bạc trong lĩnh vực công nghiệp sẽ tăng lên 1,1 tỷ ounce vào năm 2022. Mức tăng chủ yếu đến từ sự phát triển của ngành quang điện, công nghiệp và sản xuất ô-tô. Triển vọng phát triển của ngành năng lượng xanh cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ bạc trong lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022.

Không chỉ có bạc, hiện 40% sản lượng bạch kim mỗi năm được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, nên giá của kim loại này cũng được hưởng lợi từ xu hướng cắt giảm khí carbon và khi mà nhu cầu sử dụng xe điện ngày một tăng.

Có thể thấy, triển vọng tiêu thụ đối với cả bạc và bạch kim đều được kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong năm nay, tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt về nguồn cung. Cụ thể, thị trường bạc sẽ thâm hụt khoảng 20 triệu tấn trong năm nay, còn nguồn cung bạch kim cũng đang bị gián đoạn khi mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm tắc nghẽn khoảng 10% nguồn cung của thế giới.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, hiện giá bạc và bạch kim đều đang có những yếu tố hỗ trợ nhất định về mặt cung cầu, và cả vai trò trú ẩn trong ngắn hạn vì áp lực lạm phát đình trệ của thế giới. Tuy nhiên, các đợt tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm vẫn sẽ là một lực cản rất lớn đối với thị trường.