Thị trường đồng “giậm chân tại chỗ” trong đầu năm 2022

NDO -

Vào thời điểm này năm ngoái, đồng là một trong những mặt hàng bùng nổ trên thị trường hàng hoá nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Tuy nhiên, từ giữa năm ngoái, giá đồng đi ngang với biên độ rộng và dường như không thể bứt phá trong ngắn hạn. Vậy đằng sau sự tích lũy của giá đồng trong thời gian vừa qua là những yếu tố nào, và các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội nào từ thị trường trong giai đoạn này.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Trong 3 tháng gần đây, giá đồng gần như đi ngang từ 9.250 USD đến 10.100 USD. Điều này trái ngược hẳn so với cùng thời điểm của năm trước, khi giá đồng tăng gần 20% chỉ trong 3 tháng từ tháng 11/2020-2/2021. Sự giằng co của thị trường xuất phát từ sự chênh lệch giữa các vị thế mua và bán.

Vén màn diễn biến “giậm chân” tại chỗ của thị trường đồng trong đầu năm 2022 -0

Lực cản mạnh mang tên Trung Quốc và Mỹ

Giống như bất kỳ loại hàng hóa nào khác, giá đồng cũng được quyết định bởi các yếu tố cung cầu. Thông thường, nguồn cung ở hai nước sản xuất chính là Chile và Peru thường khá ổn định và ít có biến động mạnh, nếu không phải vì những sự kiện “thiên nga đen” vài thập kỷ chỉ có một lần như đại dịch Covid-19. Vì thế, diễn biến của giá đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những yếu tố về triển vọng tiêu thụ Trung Quốc, nhà nhập khẩu đồng số một thế giới, chiếm tới hơn 50% sản lượng mỗi năm.

Nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu hiện đang ở trong một giai đoạn vô cùng khó khăn, khi mà những chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh kìm hãm các hoạt động của nền kinh tế. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande cũng đã làm cho mũi nhọn tăng trưởng của Trung Quốc bị ảnh hưởng tiêu cực.

Điều này đã khiến cho phần lớn các hoạt động tiêu thụ đồng lớn như sản xuất, xây dựng hay luyện kim đều bị sụt giảm. Đầu tuần này, Tổng cục Thống kê của Trung Quốc cũng công bố chỉ số quản lý thu mua PMI sản xuất, và PMI phi sản xuất, vốn là thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế thông qua các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cả hai chỉ số đều giảm trong tháng 1 vừa qua, bất chấp những nỗ lực bơm hàng trăm tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

Vén màn diễn biến “giậm chân” tại chỗ của thị trường đồng trong đầu năm 2022 -0

Ngoài vai trò là một loại hàng hóa thiết yếu, đồng cũng là một sản phẩm đầu tư được ưa thích với vai trò chống lại lạm phát. Ngân hàng Goldman Sachs đã nhiều lần đưa ra báo cáo để chứng minh rằng đồng là mặt hàng giúp các nhà đầu tư phòng ngừa lạm phát hiệu quả hơn cả vàng. Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) tiến hành thay đổi các chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt hơn để đối phó với lạm phát đã khiến cho triển vọng của thị trường đồng bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc FED dừng các gói hỗ trợ cho đại dịch sẽ khiến dòng tiền đổ vào thị trường đồng bị giảm bớt, đồng thời, vị thế của đồng USD được vực dậy trở lại cũng là một yếu tố làm mất đi sức mua đối với thị trường đồng. CME Watch Tool -  công cụ theo dõi lãi suất của FED cho thấy gần như 100% khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3, với hơn 80% các chuyên gia cho rằng cơ quan này sẽ tăng ít nhất 0,25% ngay trong lần đầu tiên.

Với lực cản từ cả hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, các nhà đầu tư dường như không còn động lực nắm giữ dài hạn với mặt hàng đồng ở thời điểm hiện tại.

Những kỳ vọng dựa trên sự tăng trưởng bền vững

Trong bối cảnh các tin tức cơ bản về nhu cầu tiêu thụ ngắn hạn đều không đứng về phía phe mua, động lực hiếm hoi của thị trường đồng vẫn là những triển vọng tăng trưởng của lĩnh vực năng lượng xanh trong dài hạn.

Theo Bloomberg, Chính phủ các nước, các công ty và các tổ chức trên thế giới đã huy động được hơn 740 tỷ USD kể từ đầu năm 2020 bằng việc bán trái phiếu để đẩy mạnh các hoạt động tăng trưởng kinh tế bền vững. Xu thế chuyển đổi sang sử dụng xe điện cũng ngày càng phổ biến trên thế giới, và là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với đồng.

Ngành xe điện cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong năm 2021 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc hay khu vực châu Âu cũng đang rất thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xe điện. Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm 50% doanh số bán ô tô mới vào năm 2030. Doanh số bán xe của hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla cũng liên tiếp vượt mọi kỳ vọng của các nhà đầu tư trong năm 2021.

Bên cạnh đó, không chỉ những xe hơi nhỏ cho hộ gia đình, các nhà sản xuất cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi xe tải hạng nặng sang sử dụng năng lượng mới. Hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới và đang cho thấy mức doanh số bán xe tăng vọt trong năm 2021.

Vén màn diễn biến “giậm chân” tại chỗ của thị trường đồng trong đầu năm 2022 -0

Mỗi một chiếc xe điện sử dụng lượng đồng cao gấp bốn lần loại xe hơi chạy bằng năng lượng truyền thống, nên sự tăng trưởng của ngành xe điện nói riêng và ngành năng lượng tái tạo nói chung sẽ cải thiện triển vọng đối với thị trường đồng. Đây cũng là yếu tố khiến cho giá đồng neo ở mức cao, và chỉ cách mức đỉnh cao nhất mọi thời đại chưa đến 10%.

Nhìn chung, thị trường đồng đang ở trong giai đoạn tích lũy để chờ đợi một chất xúc tác mạnh hơn thúc đẩy giá bứt phá. Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định giá đồng có thể vượt ra khỏi xu thế đi ngang hiện nay hay không, nhưng đồng vẫn sẽ luôn là mặt hàng sáng giá trong danh mục của những nhà đầu tư.