Giá kim loại quý về đâu giữa nỗi lo lạm phát?

NDO -

Năm 2021 có thể coi như một năm nhiều thăng trầm và biến động đối với thị trường kim loại quý, mà hai đại diện tiêu biểu là bạc và bạch kim. Sau chuỗi giảm mạnh kéo dài 3 tháng của quý II năm nay, giá 2 mặt hàng kim loại quý này hồi phục tích cực trong tháng 10, tuy nhiên đang có dấu hiệu giảm mạnh trong 1 tuần gần đây.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Lạm phát là động lực của thị trường kim loại quý

Sự hồi phục của 2 mặt hàng kim loại quý xuất phát từ những nỗi lo lạm phát, khi mà chỉ số giá tiêu dùng CPI hay chỉ số giá sản xuất PPI của các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc đều tăng ở mức đáng báo động. Tăng trưởng CPI của Mỹ trong tháng 11 tăng 6,3%, cao nhất trong vòng 14 năm; còn mức tăng trưởng PPI của Trung Quốc đã đạt 10,7%, mức cao nhất trong vòng 25 năm.

Sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu dẫn đến dẫn đến việc hàng hóa không thể đến tay người tiêu dùng, cũng như những nguyên liệu sản xuất không đủ để đáp ứng hoạt động của các nhà máy, là nguyên nhân chính khiến cho lạm phát không ngừng leo thang. Vì thế, giá bạc và bạch kim đã được hỗ trợ rất tốt khi mà các nhà đầu tư có xu hướng phân bổ vốn vào các tài sản trú ẩn an toàn.

Vào giữa tuần trước, giá bạch kim đang cao hơn gần 15% so với năm ngoái, còn giá bạc cũng cao hơn 8% so với thời điểm cách đây 1 năm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá của cả 2 kim loại này đã quay trở lại mức xuất phát điểm của năm ngoái với giá bạch kim đang ở mức 975 USD/ounce, còn giá bạc đang ở mức 23,5 USD/ounce.

Giá kim loại quý về đâu giữa nỗi lo “những cơn sóng lạm phát”? -0
 

Giá kim loại quý lao dốc sau “cú hích” từ FED

Việc Tổng thống Mỹ J.Biden tái bổ nhiệm ông Jerome Powell làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp đã gây lên tác động mạnh đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường kim loại quý nói riêng. Trong nhiệm kỳ mới của mình, ông Powell và tân phó chủ tịch FED là bà Lael Brainard được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh những biện pháp thắt chặt tiền tệ như nâng lãi suất sớm hơn so với kế hoạch, hoặc mạnh tay cắt giảm gói thu mua trái phiếu hằng tháng.

Theo khảo sát của CME Group, tới tháng 6 năm sau, có tới 75% khả năng FED sẽ tăng lãi suất với mức tối thiểu là 0,25%. Vì thế trong ngắn hạn, những kỳ vọng này sẽ thúc đẩy giá trị của đồng USD khiến cho sức hấp dẫn của các loại tài sản an toàn như bạc, bạch kim hay trái phiếu Chính phủ Mỹ đều bị giảm bớt. Chỉ số Dollar Index đã tăng lên mức 96,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên mức 1,64%, tiệm cận mức đỉnh của năm nay là 1,70%, phản ánh dòng tiền đã rút ra khỏi các thị trường trú ẩn an toàn, trong đó có các mặt hàng kim loại quý.

Giá kim loại quý về đâu giữa nỗi lo “những cơn sóng lạm phát”? -0
 

Giá kim loại quý sẽ gắn liền với nhu cầu tiêu thụ bên cạnh các yếu tố vĩ mô

Trong ngắn hạn, giá của bạc và bạch kim được kỳ vọng sẽ không giảm quá sâu khi mà nỗi lo lạm phát vẫn còn tồn tại trên thị trường, cùng với, những rủi ro tiềm tàng đến từ các đợt bùng phát dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Về mặt dài hạn, ngay cả khi FED tăng lãi suất và khiến cho giá của hai kim loại quý này chịu áp lực thì triển vọng của thị trường vẫn sẽ có cơ hội cải thiện khi mà nhu cầu tiêu thụ của hai kim loại này phục hồi trở lại. Ngoài vai trò đầu tư, bạc và bạch kim đều là những kim loại công nghiệp quan trọng, đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh trên toàn cầu.

Hiện nay, các nước lớn ở khu vực Bắc Mỹ, Liên minh châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới phát triển các hoạt động năng lượng xanh như sản xuất ô tô điện. Nhu cầu tiêu thụ bạc và bạch kim được kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể, trong khi nguồn cung của 2 kim loại này có hạn và sẽ khó có thể đáp ứng được các hoạt động sản xuất.

Trong tuần này, nước Mỹ sẽ bước vào kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, nên hoạt động của các thị trường có thể bị chững lại, và giá của các mặt hàng kim loại quý có thể không biến động quá mạnh.