Nguy cơ tư tưởng cực đoan tại Đức

Chính phủ Đức đang nỗ lực truy quét các phần tử liên quan tổ chức cực hữu Reichsbürger ở nước này, sau khi phát hiện bằng chứng cho thấy một nhóm khủng bố đang âm mưu xây dựng quân đội và chống phá nhà nước. Giới chức nước này cũng lo ngại các tư tưởng cực đoan và bạo lực có thể bùng phát thành hành động khủng bố trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Đức bắt giữ Heinrich XIII PR. Ảnh: FT
Cảnh sát Đức bắt giữ Heinrich XIII PR. Ảnh: FT

Ngày 7/12 vừa qua, tờ Der Spiegel đưa tin, lực lượng an ninh Đức đã tiến hành đột kích và bắt giữ ít nhất 25 phần tử thuộc một mạng lưới khủng bố có liên quan phong trào cực hữu Reichsbürger ở nước này. Bước đầu, các công tố viên đã công bố danh tính hai trong số những nghi can cầm đầu có tên là Heinrich XIII PR và Ruediger. Người có tên Heinrich (71 tuổi) là thành viên của một gia đình quý tộc nhỏ ở Đức và Ruediger (69 tuổi) là cựu lính dù. Ngoài ra, Văn phòng Cảnh sát liên bang cũng khẳng định số nghi phạm liên quan trong vụ việc hiện là 54 và con số này có thể tiếp tục tăng.

Các nghi phạm bị cáo buộc thành lập một nhóm khủng bố hồi tháng 11/2021 và đang âm mưu xây dựng lực lượng quân đội, lật đổ trật tự Hiến pháp hiện hành ở Đức. Theo báo Deutsche Welle, giới chức đã triển khai 3.000 nhân viên an ninh trong chiến dịch bố ráp tại 11 bang trên toàn quốc. Trong các cuộc đột kích, cảnh sát đã tìm thấy nhiều vũ khí, súng trường và đạn, áo chống đạn cũng như các bằng chứng về việc tuyển mộ thành viên và văn bản về “kế hoạch thành lập bộ chỉ huy bảo vệ đất nước”.

Phong trào Reichsbürger đã được hình thành từ năm 1871 ở Đức và duy trì cho tới nay, bao gồm một số nhóm nhỏ chủ yếu ở các bang Brandenburg, Mecklenburg-Western Pomerania và Bavaria. Người đứng đầu Văn phòng Cảnh sát liên bang Đức Holger Muench cho biết, những đối tượng tham gia tổ chức này thuộc nhiều thành phần, trong đó có người cuồng tín, một số đối tượng có tư tưởng bài Do thái và cổ súy hệ tư tưởng Đức quốc xã, hoặc những người theo thuyết âm mưu và một số đối tượng bất mãn với chính phủ, phản đối chính sách nhập cư của Đức... Hầu hết trong số này là nam giới, độ tuổi trung bình trên 50 tuổi.

Cuối năm ngoái, các nhà điều tra Đức đã phát hiện nhóm ủng hộ phong trào cánh hữu cực đoan này đang tập hợp và chuẩn bị nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả vũ khí hợp pháp và phi pháp. Do số lượng lớn thành viên là những cựu binh sĩ xuất thân từ các lực lượng vũ trang Đức, trong đó có các lực lượng đặc nhiệm, nên giới chức đã đưa Reichsbürger vào danh sách các tổ chức nguy hiểm. Trong vài năm trở lại đây, chính quyền cũng đã thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí của hàng trăm thành viên, đồng thời chặn một số vụ buôn lậu súng, đạn có liên quan Reichsbürger.

Đặc biệt, gần đây cơ quan an ninh cảnh báo nhiều thành viên Reichsbürger đã có tư tưởng bị cực đoan hóa trong đại dịch Covid-19, khi có thêm sự hậu thuẫn của những người phản đối các biện pháp chống dịch mà chính quyền áp đặt. Hồi tháng 4, cảnh sát từng bắt giữ 12 nghi phạm âm mưu bắt cóc Bộ trưởng Y tế Đức. Ở thời điểm cuối năm, khi người dân chuẩn bị cho kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, lực lượng an ninh càng có lý do để lo ngại các hành động khủng bố hay ủng hộ các phong trào cực hữu xảy ra bất cứ lúc nào.

Điều tra cho thấy, các phần tử của nhóm Reichsbürger sẵn sàng thực hiện “các hành động bạo lực nghiêm trọng” như tiến công vào tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Berlin, hay phá hoại nguồn cung cấp điện của đất nước, xóa bỏ chính phủ liên bang để sau đó nắm quyền, thậm chí chuẩn bị cho “chính phủ chuyển tiếp”. Dù vậy, việc xóa sổ hoàn toàn những tư tưởng cực đoan đã bén rễ trong các nhóm cực hữu ở Đức là điều không dễ dàng. Theo Cơ quan Tình báo nội địa Đức, ước tính có khoảng 21.000 thành viên công khai ủng hộ tư tưởng cực hữu của Reichsbürger ở Đức, trong đó có khoảng 5% được giới chức liệt vào nhóm đối tượng cực đoan.