Nguy cơ có thật

Nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đang tăng trưởng chậm lại và có thể bắt đầu suy giảm trong những tháng mùa đông sắp tới do khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao. Đây là cảnh báo của Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế, ông Paolo Gentiloni trước nguy cơ các hộ gia đình ở “lục địa già” sẽ không đủ sức chi trả các hóa đơn năng lượng ngày càng tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LIU RUI
Biếm họa: LIU RUI

Bộ trưởng Tài chính của 19 quốc gia Eurozone đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) vào ngày 7/11 để thảo luận tình hình kinh tế khu vực và các biện pháp ngân sách để giảm tác động của giá năng lượng cao. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC), từ đầu năm đến nay, các chính phủ Eurozone đã chi khoảng 200 tỷ euro, tương đương 1,25% GDP của EU, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Ông Donohoe cho biết, các bộ trưởng tài chính nhận thấy có rất nhiều thách thức trong việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ về ngân sách và quản lý lạm phát, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Eurozone.

Tại cuộc họp báo của Nhóm các Bộ trưởng Tài chính EU (Eurogroup), ông Gentiloni lưu ý, các chỉ số giao dịch tần suất cao (HFT) và chỉ số niềm tin kinh tế hiện nay cho thấy hoạt động kinh tế của EU có thể bị thu hẹp trong mùa đông này. Cùng chung nhận định trên, Chủ tịch Eurogroup, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho rằng, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tăng trưởng chậm lại. Tháng 10 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của khu vực này chỉ ở mức 0,5%.

Tháng 9 vừa qua, Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trị giá lên đến 200 tỷ euro (198,7 tỷ USD). Các nước EU khác cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, nhưng với số tiền nhỏ hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, những kế hoạch như vậy sẽ đóng vai trò như biện pháp kích thích tài chính, không chỉ làm tăng nợ công vốn đã lớn ở 19 quốc gia của Eurozone, mà còn gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc chống lạm phát ở khu vực. Do đó, vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua, các bộ trưởng Eurozone đã nhất trí rằng sự giúp đỡ của chính phủ nên tập trung vào một nhóm đối tượng và chỉ mang tính tạm thời.

Một trong những phương án đang được thảo luận là để các chính phủ cung cấp hạn mức năng lượng cố định cho người tiêu dùng với mức giá trợ cấp. Nếu tiêu thụ vượt qua giới hạn, họ sẽ phải thanh toán theo mức giá cao của thị trường. Giới chức EU thừa nhận đây không phải giải pháp tối ưu, nhưng bền vững về mặt chính trị và kinh tế.

Về giải pháp đối phó nguy cơ thiếu hụt năng lượng sưởi ấm vào mùa đông, trong một bài đăng ngày 7/11 trên blog cá nhân, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde nhận định rằng, việc đẩy nhanh tốc độ chuyển sang năng lượng tái tạo có thể giúp hạn chế đà tăng giá năng lượng, trong bối cảnh nhiều hộ gia đình tại châu Âu đang chật vật để chi trả các hóa đơn điện tăng vọt.

Trong bài viết, bà Lagarde chỉ ra rằng: “Giá năng lượng tăng cao cho thấy chúng ta phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như thế nào và dễ bị ảnh hưởng ra sao”. Theo bà, việc chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn sẽ giúp giảm nguy cơ giá năng lượng tăng vọt. Chủ tịch ECB nêu rõ: Việc chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió hoặc điện mặt trời, cũng sẽ giúp đưa đến tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định hơn cũng như cải thiện nền kinh tế.

Giá nhiên liệu hóa thạch đã tăng vọt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 năm nay. Điều này đặc biệt tác động xấu đến châu Âu, khu vực vốn nhập khẩu lượng lớn khí đốt qua các đường ống từ Nga trong nhiều năm qua. Tỷ lệ lạm phát của khu vực Eurozone trong tháng 10 vừa qua đã tăng lên tới 10,7% - mức cao nhất từ trước đến nay và vượt mức mục tiêu 2% của ECB.

Mới đây, Chủ tịch ECB Lagarde cho rằng, tác động của xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao sẽ khiến kinh tế Eurozone suy thoái nhẹ vào khoảng cuối năm nay và đầu năm sau. Đầu tháng 11 này, ECB đã khuyến cáo sẽ áp dụng các biện pháp mạnh đối với các ngân hàng tại Eurozone từ cuối năm 2024, nếu các ngân hàng này không nỗ lực hơn nữa nhằm nhận diện và kiểm soát những rủi ro liên quan về biến đổi khí hậu đối với các khách hàng của mình.