Nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Là một tỉnh miền núi của vùng Tây Bắc, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tỉnh Sơn La đã có 54 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và ba xã đạt chuẩn NTM nâng cao, diện mạo nông thôn ở Sơn La đã thay đổi tích cực, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, đời sống ngày càng được nâng cao. Sự thay đổi đáng mừng này có vai trò không nhỏ của các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Thống kê của UBND tỉnh Sơn La cho thấy, địa phương này hiện có 802 HTX, sáu liên hiệp HTX với 2.500 cán bộ quản lý và hơn 30 nghìn thành viên; hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại, dịch vụ và du lịch, quản lý chợ và vận tải. Riêng lĩnh vực nông nghiệp có 665 HTX.

Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, vai trò của HTX được thể hiện rõ nét, nhất là các HTX nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công nhìn nhận. Các HTX đã cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt, thúc đẩy sản xuất nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương, góp phần phục vụ xuất khẩu, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn.

Được thành lập từ năm 2016, ban đầu HTX Phương Nam, bản Pha Cũng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu có bảy thành viên, hoạt động chủ yếu là trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn (70ha cây ăn quả, trang trại chăn nuôi 2.000 con lợn). Đến nay, HTX đã có 10 thành viên với diện tích cây trồng, cây ăn quả 100ha, trong đó 85ha trồng nhãn ghép, 10ha trồng xoài Đài Loan và 5ha trồng chuối, bưởi da xanh, mận hậu. Với 57ha nhãn ghép đã được cấp mã vùng trồng của Trung tâm kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 35ha cây ăn quả được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Trong năm 2021, tổng thu nhập của HTX đạt gần 50 tỷ đồng, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng chục lao động.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đã giúp huyện Mai Sơn tạo những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành thêm các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bài bản, chuyên nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Có thể kể đến: HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Hạ, xã Hát Lót hiện có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình trồng xoài hữu cơ, với diện tích hơn 70ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha. HTX Ngọc Lan với 52 thành viên, với quy mô hơn 100ha cây ăn quả, với các giống chủ lực như bưởi da xanh, xoài, nhãn… được trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thu nhập trung bình của các hộ thành viên ở các HTX đạt từ 150-300 triệu đồng/năm…

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, trước đây, Mai Sơn cũng như các huyện khác của tỉnh Sơn La có diện tích cây trồng lương thực tương đối lớn nhưng kém hiệu quả do đất dốc, khô hạn và tập quán canh tác của người dân chưa áp dụng tiến bộ khoa học, cho nên sản lượng cũng như giá trị trên diện tích đất canh tác thấp. Để trồng được cây ăn quả trên nền đất nông nghiệp ở Mai Sơn, việc đầu tiên người nông dân phải làm là cải tạo đất và xây dựng hệ thống dẫn nước tưới tiêu để khắc phục sự khô hạn.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết: Doanh thu bình quân của HTX trên địa bàn tỉnh đều tăng qua hằng năm, đây là một trong những nền tảng quan trọng để các HTX không ngừng cải tiến kỹ thuật, học tập và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nông sản của mình cũng như đẩy mạnh chiến lược kinh doanh để tìm kiếm nguồn lợi đầu ra, bảo đảm bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi giá trị liên kết với bên ngoài thị trường.

Sự phát triển của các mô hình HTX đã khắc phục được những tồn tại: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản chưa tốt. Các HTX đã triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ như: tạo điều kiện cho những xã viên nghèo ứng trước giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm; trang bị thông tin nông lịch gieo cấy, vay vốn sản xuất,... đến vụ thu hoạch sẽ trả cho HTX, nhờ vậy các xã viên luôn bảo đảm mùa vụ, có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập.

Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021, tiếp tục khẳng định về vị trí, vai trò của kinh tế HTX nói riêng, phát triển kinh tế doanh nghiệp, nhóm hộ, kinh tế trang trại, hộ gia đình nông nghiệp nói chung trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo sức bật cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu, nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21% trong cơ cấu kinh tế, HTX nông nghiệp có sử dụng công nghệ cao trong một số khâu của sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản là 325 HTX, và 605 HTX vào năm 2030.