Những giao lộ lịch sử

NDO -

NDĐT - Chẳng biết từ khi nào, mối liên hệ Pháp - Việt Nam đã được định mệnh lịch sử lựa chọn để kiến tạo nên những dấu ấn của cả hai nước. Từ định mệnh lịch sử ấy, phong trào Việt kiều yêu nước đã ra đời tại Pháp từ đầu thế kỷ 20 và lớn mạnh đến tận hôm nay.

Diễu hành tại Paris, ngày 1-5-1975.
Diễu hành tại Paris, ngày 1-5-1975.

Năm 1975 là dấu mốc thay đổi vận mệnh đất nước, cũng là cột mốc không thể quên đối với từng người của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Họ đã chọn cho mình một con đường để đi, một lý tưởng để sống, một mảnh đất xa quê hương hàng chục nghìn km và chấp nhận bị cắt trợ cấp và hơn thế nữa, chấp nhận chưa quay về quê nhà chừng nào ước mơ, lý tưởng ấy thành hiện thực. Họ bước đi với một niềm tin xuyên suốt tuổi thanh xuân của mình, một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng.

Và ngày ấy đã đến. Tin tức từ quê nhà trong ngày 30-4-1975 đối với tất cả thành viên phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp lúc ấy như một giấc mơ. Nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp Nguyễn Văn Bổn nhớ lại: “Tối 29-4, tôi vẫn còn có một buổi họp như thường lệ, mọi người đều trao đổi nắm tình hình. Không ai ngờ rằng vài giờ sau đó, là những thời khắc lịch sử của Việt Nam. Chúng tôi về nhà lúc nửa đêm. Một đêm dài nhưng hóa ra lại ngắn khi vào lúc 4 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu nhận được thông tin về diễn biến ở quê nhà”.

Ông Nguyễn Văn Bổn nói tiếp: “Rạng sáng 30-4, lúc bốn giờ sáng ở Pháp, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một bạn Pháp thông báo rằng đài phát thanh Pháp đang cho biết thông tin xe tăng đã vào đến Sài Gòn. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 (giờ Việt Nam), lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam chính thức tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lúc ấy là 5 giờ 30 phút sáng ở Pháp, có thể tưởng tượng niềm vui sướng vỡ òa của những người hồi hộp theo dõi tình hình qua đài phát thanh Pháp lúc ấy. Sáu giờ sáng, những người Việt Nam tại Pháp tíu tít gọi điện để cùng hẹn nhau đến Hội quán ngay khi mặt trời vừa chiếu sáng trên sông Seine”.

Ông Võ Sĩ Đàn, một Việt kiều tại Pháp, chia sẻ: “Hiệp định Geneve rồi đến Hiệp định Paris lần lượt bị phá hoại, chiến tranh lại tiếp tục. Chúng tôi kiên trì hoạt động, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng và luôn chuẩn bị tư tưởng “còn phải đấu tranh lâu dài”. Vậy mà Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc chiến tranh với thắng lợi trọn vẹn, trong một thời gian ngắn bất ngờ”.

Bác sĩ Thérèse Ký bồi hồi nhớ lại cảm giác vào thời điểm đó: “Tối ấy (29-4), họp xong ra về thì sau đó mọi người biết tin, cảm giác ngỡ ngàng như một giấc mơ vì chiến thắng quá nhanh, chớp nhoáng, không ngờ thần tốc, mau lẹ và nhanh gọn như vậy. Ngay các đài truyền thông của Pháp dường như cũng không kịp trở tay vì sự kiện còn nhanh hơn họ dự kiến”.

Không được sống trực tiếp ở Việt Nam trong những giây phút lịch sử trọng đại đó, những người Việt Nam tại Pháp đã tạo ra cho mình những khoảnh khắc lịch sử. Trong vòng 24 giờ đồng hồ của ngày 30-4, với tất cả sự hân hoan và niềm vui sướng tràn ngập và cả những giọt nước mắt, họ đã thấy được con đường về quê nhà sau bao nhiêu năm quên việc riêng để hết mình cho việc chung. Những người lãnh đạo của phong trào Việt kiều yêu nước trong ngày hôm sau đã tổ chức một buổi diễu hành lớn trên những con đường Paris.

Thêm một lần nữa, lịch sử lại tạo ra những giao lộ của người dân hai nước cũng như bạn bè quốc tế. Hòa mình vào dòng diễu hành với khoảng 500 nghìn người, đoàn Việt Nam tự hào đi qua các đường phố từ Quảng trường La Nation cho đến cửa ô Saint Martin, với khẩu hiệu “Vietnam Victoire” (tạm dịch: Việt Nam chiến thắng) trong sự chia vui, chúc mừng của bạn bè Pháp và nhiều nước. Nhiều tổ chức Pháp và Tây Âu cũng đưa khẩu hiệu mừng Việt Nam toàn thắng vào hoạt động của họ ngày 1-5 năm ấy.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung từng viết: “Sau ngày 1-5-1975, khi chúng tôi cảm ơn các bạn Pháp, nhiều người đã nói: Chính chúng tôi phải cảm ơn Việt Nam vì các bạn đã chứng minh rằng chúng tôi đúng khi ủng hộ các bạn”. Từ đó, vào ngày 1-5 hằng năm thường diễn ra cuộc diễu hành của người Việt Nam tại Pháp trên những đường phố Paris. Đó là truyền thống và là dịp kết nối người Việt Nam tại Pháp với người dân đất nước này.

Sự kiện ngày 30-4-1975 là cột mốc đầy ý nghĩa với những ai tham gia mặt trận trực tiếp ở Việt Nam và mặt trận ở Pháp. Điều đó tạo ra ánh sáng dẫn đường cho những thế hệ đang tiếp nối phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp trong việc góp phần dựng xây Tổ quốc.