Người Việt tại Nga nỗ lực gìn giữ cộng đồng

NDO -

Trong khu chợ nơi cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Lipetsk (Liên bang Nga) buôn bán 20 năm nay, đã có những gian trống. Thêm mỗi ô đóng cửa, là cộng đồng vắng đi một hộ gia đình. Giữ cộng đồng tồn tại trong bối cảnh khó khăn kinh tế đang là mục tiêu của những người đầu tàu nơi đây.

Chị Trần Thị Hằng quản lý ki-ốt từ xa. (Ảnh: THANH THỂ)
Chị Trần Thị Hằng quản lý ki-ốt từ xa. (Ảnh: THANH THỂ)

Một ngày đầu năm, ông Lê Thanh Long xuống thăm bà con. Ông là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Lipetsk, cũng là chủ khu chợ nơi đang có khoảng 40 hộ gia đình Việt Nam buôn bán. Người dân thấy ông xuống thăm, liền vội bắt tay, kể lể về những ngày chợ vắng khách, nhưng không tỏ ra lo lắng nhiều. 

Trong câu chuyện chung quanh chén trà, tiểu thương nhớ lại những thăng trầm của chính họ tại thành phố Lipetsk, nơi cách thủ đô Moskva của Liên bang Nga hơn 400km về phía nam. Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, hàng trăm người Việt đặt chân đến đây làm việc trong các nhà máy. Có thời điểm, Lipetsk có hơn 1.000 người Việt làm ăn, học tập. Nhưng 4 năm trở lại đây, không có người mới đến, chỉ có người cũ rời đi. Họ hoặc là về Việt Nam, hoặc chuyển đến các thành phố lân cận tìm cơ hội mới. Lipetsk hiện chỉ còn khoảng 40 hộ người Việt, cố gắng trụ lại tại các khu chợ hàng vải.

Người Việt tại Nga nỗ lực gìn giữ cộng đồng -0
Hai tòa nhà đối diện nhau trong khu chợ của người Việt ở Lipetsk. (Ảnh: THANH THỂ)

Năm 2021 khó khăn vì dịch bệnh đã đi qua. Chợ Việt tại Lipetsk cũng thêm những gian hàng trống. Nhưng phần đông những người quyết định kết thúc "hành trình trên nước Nga" lại là những "gạo cội". Họ đã dành cả tuổi trẻ cho công việc buôn bán, cả năm chỉ dăm ngày nghỉ. Họ muốn nghỉ ngơi, khi tuổi mỗi ngày một nhiều và kinh tế đã vững vàng hơn. 

Dù được an ủi phần nào vì không phải ai rời đi cũng là vì không thể trụ được, song cứ mỗi một người thông báo chia tay thành phố, ông Long và cộng đồng ở đây lại thấy buồn. Người Việt vốn đã ít, giảm thêm một người, lại thấy vắng hơn. Nhân viên người Nga trong chợ, như bà Irina và Svetlana, những người đã làm việc cùng người Việt 5 năm, cũng không giấu được sự nuối tiếc. Họ đã xem người Việt Nam ở đây như thành viên trong một nhà. 

Trải qua 2 năm nhiều đảo lộn vì Covid-19, chị Trần Thị Hằng, sinh năm 1978 đã quen với nhịp sống mới. Chị không còn lo lắng nhiều về tiền bạc như trước. Với người phụ nữ quê Nghệ An này, cộng đồng vững mạnh giờ mới là quan trọng nhất. Chị chỉ hy vọng người Việt ở chợ Lipetsk buôn bán tốt lên, có thế thì hàng hóa mới phong phú, chợ mới tồn tại được. Chợ tồn tại được, thì vợ chồng chị mới hy vọng trụ lại. 

Ở Lipetsk, nơi mức lương trung bình của người dân hơn 500 USD/tháng, những con em người Việt cũng gặp nhiều thách thức để trụ lại. Họ học hết đại học, rồi tìm một nơi khác để lập nghiệp, hoặc về Việt Nam tìm công việc phù hợp. Tình trạng này cũng phổ biến đối với người Việt ở nhiều thành phố khác của Nga. Phụ huynh không muốn con mình ở lại, không muốn những đứa trẻ lại "sống ở chợ" như những gì bố mẹ đã kiên nhẫn trải qua. Con cái đã nỗ lực học hành, đó là cơ sở để hy vọng nhiều hơn vào một tương lai tươi sáng.

Người Việt tại Nga nỗ lực gìn giữ cộng đồng -0
Chợ Việt vắng khách ngày đầu năm. (Ảnh: THANH THỂ)

Thế hệ trẻ không chọn Lipetsk để làm việc, ông Long không muốn nghĩ về thời điểm khi mà những phụ huynh cũng đến tuổi "nghỉ hưu". Cộng đồng lúc đó sẽ như thế nào? Ông chỉ nghĩ đến thời điểm hiện tại, là tiếp tục sống trách nhiệm với cộng đồng. 

"Trách nhiệm đó với tôi thời điểm này là giữ cho cộng đồng an toàn" - ông Long cho biết - "người dân cũng đồng lòng nâng cao ý thức làm việc hợp pháp, tránh những va chạm không đáng có gây ấn tượng xấu với chính quyền". Ông Long cũng tạm hài lòng về những đóng góp cho Hội người Việt tại Lipetsk thời gian qua, giúp cộng đồng có giấy tờ hợp pháp và quan hệ ngày càng tốt với sở tại. 70%-80% số hộ đã mua nhà ổn định. 

Khi mà người dân Nga không còn mặn mà với hàng hóa ở chợ như trước, người Việt Nam tại nhiều thành phố đã học tập nhau chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở cửa hàng, quán ăn. Tuy nhiên, theo lời ông Long, vì thói quen lâu năm ở chợ, hoặc còn ít tấm gương "đi đầu", nên người Việt ở Lipetsk chưa đủ mạnh dạn để tìm cơ hội mới. Cũng có thể, theo lời ông Long, những quy định về làm ăn buôn bán với nhiều người còn quá mới mẻ. 

Đã nhiều lần cộng đồng người Việt ở Lipetsk gửi thư lên hội đồng thành phố, hội đồng tỉnh để yêu cầu những hỗ trợ về cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Cộng đồng cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán, để bà con yên tâm làm ăn, mạnh dạn đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. Người Việt ở Lipetsk đang nỗ lực vượt khó, vì họ hiểu rằng, tập thể ở một thành phố ổn định giàu mạnh, tức là cộng đồng người Việt ở Nga được tiếp thêm những động lực mới để phát triển.