Hạnh phúc trên quê hương thứ hai

NDO -

Là một doanh nhân gốc Hà Nội, anh Đỗ Hoàng Việt sang đầu tư, kinh doanh tại Vương quốc Campuchia được hơn 10 năm. Thời gian qua, cùng với nỗ lực đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, anh còn chung tay giúp đỡ cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn ở cả Việt Nam và Campuchia.

Nhân viên Công ty Camship xem kỹ đơn hàng trước khi chuyển đi (Ảnh: Nguyễn Hiệp)
Nhân viên Công ty Camship xem kỹ đơn hàng trước khi chuyển đi (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Những ngày cuối năm, không khí làm việc trong Công ty Camship (Cambodia) Co ., Ltd của Giám đốc Hoàng Việt vừa bước vào tuổi 40 nhộn nhịp, khẩn trương khác ngày thường, với những gói, kiện hàng hóa nhập kho, vận chuyển trong nội địa, đi Việt Nam và nhiều nước khác.

Tọa lạc trên một con phố nhỏ thuộc quận Boeung Keng Kang, thủ đô Phnom Penh, công ty có gần 70 cán bộ, nhân viên, chủ yếu là những người chuyển hàng tuổi còn trẻ. Anh Việt cho biết, các bạn thanh niên rất tâm huyết với công việc. Trong những ngày thành phố phong tỏa chống dịch Covid-19, họ đã đi vào những “điểm nóng” để kịp thời mang lương thực, thực phẩm, thuốc men đến các hộ gia đình.

May Sokret, 22 tuổi, phụ trách COD (giao hàng, thu tiền hộ) của Camship, thường trú tại quận Chbar Ampov chia sẻ, tháng 4/2021, khi toàn bộ Phnom Penh bị phong tỏa, anh và nhiều đồng nghiệp đã ở lại công ty để tránh lây nhiễm cho gia đình, đồng thời tiện cho công việc. Lúc đó, anh rất lo cho người thân và bà con tại những “khu vực đỏ”.

Ngay sau khi công ty được chính quyền cấp giấy phép hoạt động trong vùng dịch, nhân viên công ty liền chia nhau đi vào những khu phố, ngõ ngách, có khi tạt qua ngôi nhà thân yêu của gia đình, cùng với những gạo, mỳ tôm, dầu ăn, cá hộp, rau củ và thuốc men. “Những ánh mắt chờ trông của bà con cộng đồng khi ấy nói với chúng tôi nhiều điều lắm”, Sokret nhớ lại.

“Tôi xác định đây là công việc phục vụ nhân dân và chính bản thân mình trong đại dịch. Doanh nghiệp tuy không lớn, nhưng tập thể chúng tôi có tấm lòng, quyết tâm cùng Chính phủ phục vụ nhân dân trong khó khăn, đẩy lui đại dịch”, Sokret khẳng định.

Tiếp xúc với phóng viên báo Nhân Dân, anh Lê Thanh Hợp, sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh cho biết, được Giám đốc Đỗ Hoàng Việt nhận vào làm quản lý kho hàng, anh có cơ hội học hỏi kinh doanh và biết thêm rất nhiều từ ngữ bản địa.

Hạnh phúc trên quê hương thứ hai -0
Giám đốc Công ty Camship Đỗ Hoàng Việt (Ảnh: Sơn Xinh) 

“Làm việc tại đây tôi được bổ sung thêm nhiều kiến thức, cả về quản lý cũng như ngôn ngữ Khmer. Chúng tôi làm việc rất gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Khi bộ phận này không làm kịp thì luôn có đồng đội hỗ trợ. Các bạn Campuchia cũng rất quý mến và thường xuyên nói chuyện với tôi”, anh Hợp cho biết.

Được biết, tại công ty hiện có 2 lưu học sinh Việt Nam và gần 10 người gốc Việt. Trong đó, có một số nhân viên giao hàng là con em hộ gia đình sinh sống trên nhà bè ở sông Sap và Bassak, vừa qua được chính quyền thành phố Phnom Penh vận động di dời đến nơi ở mới.

Sang làm việc, kinh doanh tại Campuchia, anh Đỗ Hoàng Việt lập gia đình với chị Nika, quê ở tỉnh duyên hải Kep. Chị chia sẻ, năm 2020, miền trung Việt Nam bị bão lũ tàn phá. anh Việt trăn trở nhiều lắm.” Cùng với nhân viên công ty và bạn bè, chồng tôi đi vận động tổ chức, cá nhân đóng góp, chia sẻ khó khăn với bà con ở quê nhà Việt Nam”, chị Nika cho biết.

Về công tác hỗ trợ cộng đồng, theo lời kêu gọi của Đại sứ quán và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC), năm 2020, anh Việt đã tham gia phát hàng cứu trợ tới nhiều hộ gốc Việt và Khmer có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tại các tỉnh Kampong Cham, Kratie và Stung Treng.

“Năm 2021 vừa qua, chúng tôi cũng phối hợp Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ Thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng 10 tấn gạo cùng  5 máy ATM gạo cho chính quyền thủ đô Phnom Penh. Nhân viên của Camship Cambodia giúp lắp đặt, bàn giao và hướng dẫn phía bạn sử dụng”, anh Việt cho biết.

Những ngày cuối tháng Chạp này, đã có gần 90% dân số Campuchia được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhiều ngày qua, cơ quan y tế xác nhận không có bệnh nhân tử vong do dịch, số ca nhiễm mới cũng ở mức rất thấp. Trước đó, Chính phủ tuyên bố mở cửa lại đất nước, trong khi vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch, cuộc sống của người dân gần như đã trở lại bình thường.

“Năm qua, doanh thu của Camship lần đầu tiên đạt mức 2 triệu USD. Mỗi ngày chúng tôi nhận được khoảng 1.500 đơn hàng, lương của người lao động cả thưởng cũng được 500 USD/tháng. Tôi luôn tâm niệm Campuchia là quê hương thứ hai của mình, vừa làm kinh tế, vừa làm công tác xã hội, tạo công ăn việc làm, giúp đỡ cho đời sống của người dân”, Giám đốc Đỗ Hoàng Việt chia sẻ.

Chuẩn bị đón Năm mới-Xuân Nhâm Dần 2022, anh Việt mong cho quê nhà Việt Nam sớm khống chế hoàn toàn dịch bệnh Covid-19 để Chính phủ và người lao động có thể bắt nhịp với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực và quốc tế, mau chóng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.