Gắn văn hóa tâm linh với phát triển cộng đồng người Việt tại Lào

NDO -

NDĐT - Sáng 30-5, tại thủ đô Vientiane (Lào), Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức buổi tọa đàm gắn văn hóa tâm linh với công tác cộng đồng. Đại sứ Nguyễn Bá Hùng tham dự và chủ trì tọa đàm.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, cuộc tọa đàm là hoạt động quan trọng trong chương trình công tác gắn văn hóa tâm linh với phát triển cộng đồng người Việt tại Lào.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, cuộc tọa đàm là hoạt động quan trọng trong chương trình công tác gắn văn hóa tâm linh với phát triển cộng đồng người Việt tại Lào.

Tham dự tọa đàm, có trụ trì một số ngôi chùa người Việt ở thủ đô Vientiane; đại diện Tổng hội người Việt Nam tại Lào; Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane; đại diện Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán. Cùng tham dự, có đồng chí Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã lắng nghe các tham luận liên quan đến các vấn đề, như: thúc đẩy hoạt động hướng về nguồn thông qua các hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng; cơ chế tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh với công tác vận động cộng đồng giữa các cơ sở Phật giáo Việt Nam với các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào; thu hút bà con kiều bào tại Lào, nhất là giới trẻ tham gia các hoạt động văn hóa nói chung nhằm tìm hiểu văn hóa Việt Nam và đời sống văn hóa tâm linh của người Việt; gắn kết các hoạt động hướng về nguồn với hoạt động văn hóa tâm linh trong cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng…

Tham luận tại tọa đàm, ông Bùi Chí Mạnh, Tham tán, Thường trực Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán cho biết, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó, xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào tiến hành các hoạt động hướng về cội nguồn và các hoạt động tâm linh… phù hợp quy định của pháp luật và phong tục, tập quán của Việt Nam.

Hiện, các loại hình hoạt động văn hóa hướng về nguồn cũng hết sức đa dạng, phong phú và có nhiều hoạt động tâm linh tiêu biểu mà cộng đồng có thể tham gia, như: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đức Thánh Trần, Lễ hội Thánh Gióng, Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lễ hội dân gian khác.

Để thúc đẩy hoạt động hướng về nguồn thông qua các hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào với các cơ sở tôn giáo của người Việt tại Lào và các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào.

Trong phần tham luận của mình, ông Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào nhận xét, các ngôi chùa Việt Nam tại Lào đều xây dựng theo kiến trúc chùa Việt Nam, bên trong cách thức bài trí, thờ tự giống như chùa Việt Nam, các hoạt động của kiều bào mỗi dịp như Đại lễ Phật đản, Vu Lan hay Tết truyền thống, ngày rằm, mùng một… đều thực hành các nghi lễ mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Những hoạt động văn hóa tâm linh như vậy đã thực sự gắn kết cộng đồng đoàn kết, góp phần xây dựng đất nước Lào và cùng hướng về quê hương, đất nước bởi đây cũng là dịp bà con kiều bào gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau, cùng đàm đạo những vấn đề quan tâm.

Tham luận về chủ đề Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở Lào, Thượng tọa Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật tích tại Vientiane khái quát văn hóa Phật giáo của người Việt ở thủ đô Vientiane. Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết, Phật giáo Việt Nam ở Lào được tự do phát triển và bà con kiều bào được Chính phủ Lào tạo điều kiện thực hành sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng.

Hiện ở khắp nước Lào, có 13 ngôi chùa Phật giáo của người Việt Nam, với 28 chư tăng, ni. Trong đó, chùa Bàng Long và chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane không chỉ là nơi gửi gắm đời sống tâm linh đến với Phật và các vị thần linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Tuy nhiên, hoạt động của các ngôi chùa người Việt tại Lào cũng còn tồn tại một số vấn đề, như: chưa xây dựng được tiếng nói chung cho Phật giáo Việt Nam ở Lào; phần lớn tăng, ni còn hạn chế về trình độ Phật học cũng như ngôn ngữ bản xứ, dẫn đến khó khăn trong việc phổ cập giáo lý nhà Phật đến bà con người Việt sinh sống lâu năm ở Lào, nhất là thế hệ trẻ là con em kiều bào hiện nay.

Thượng tọa Thích Minh Quang đưa ra nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa tâm linh với công tác cộng đồng, cho rằng, các tổ chức cộng đồng cần liên hệ, phối hợp với chư tăng, ni, phật tử để thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, thông qua các chương trình lễ hội tâm linh tại các chùa, để có thể quy tụ bà con kiều bào tham gia; các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào cần hỗ trợ các cơ sở Phật giáo của người Việt tại Lào về các vấn đề pháp lý có liên quan.

Đại diện Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane Lê Anh Đức cho rằng, các hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện gắn với các hoạt động của các ngôi chùa người Việt tại Lào có ý nghĩa quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, tạo tiền đề cho sự phối hợp, gắn kết cộng đồng Phật giáo và dân tộc. Các hoạt động này không chỉ tạo cơ hội gắn bó, chia sẻ trong cộng đồng người Việt cùng nhau hướng về quê hương, đất nước, mà còn tạo sự gắn bó giữa cộng đồng người Việt đối với người dân Lào. Ông Lê Anh Đức cho rằng, để hoạt động này đi vào thực chất hơn, cần thành lập ban từ thiện có vai trò liên kết giữa Hội người Việt với các cơ sở Phật giáo của người Việt tại Lào.

Sau phần tham luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa tâm linh, không chỉ hoạt động Phật giáo để góp phần xây dựng đoàn kết, phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Lào vững mạnh, cùng hướng về quê hương, đất nước và cùng tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Lào.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đánh giá cao các nội dung, ý kiến đưa ra tại tọa đàm; khẳng định, những nội dung trao đổi tại tọa đàm là cơ sở quan trọng, mang tính chất định hướng để Đại sứ quán xây dựng chương trình công tác gắn văn hóa tâm linh với phát triển cộng đồng người Việt tại Lào.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đề nghị, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại Lào tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tôn giáo của người Việt tại Lào trong tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cho cộng đồng thời gian tới.

Gắn văn hóa tâm linh với phát triển cộng đồng người Việt tại Lào ảnh 1

Hơn 10 tham luận và phát biểu về gắn văn hóa tâm linh với công tác cộng đồng được các đại biểu đưa ra tại buổi tọa đàm ngày 30-5.