Người trẻ

& văn hóa thần tượng

Những thần tượng đúng nghĩa giúp lan tỏa những giá trị cao đẹp và năng lượng tích cực trong cuộc sống. Ảnh nhân vật cung cấp

Những thần tượng đúng nghĩa giúp lan tỏa những giá trị cao đẹp và năng lượng tích cực trong cuộc sống. Ảnh nhân vật cung cấp

Thông thường, khi chọn một ai đó để hâm mộ, sùng bái, tôn làm thần tượng, chúng ta thường có xu hướng chọn nhân vật có những giá trị phù hợp với tiêu chí mà mình theo đuổi trong cuộc sống. Thần tượng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ở một mức độ nhất định lên nhận thức, ứng xử, văn hóa, lối sống của người hâm mộ.

Đối với người trẻ, việc chọn ai đó làm thần tượng lại càng quan trọng hơn. Bởi, nếu thần tượng ấy có giá trị sống tốt, có hình ảnh đẹp lan tỏa, có ảnh hưởng tích cực trong xã hội thì bạn trẻ cũng học được những điều tích cực, có động lực để trở nên hoàn thiện hơn. Nhưng, nếu chỉ chọn thần tượng theo số đông, theo phong trào, theo cảm xúc nhất thời mà không có sự phân biệt, tỉnh táo của lý trí, rất có thể bạn trẻ phải trả giá đắt khi chạy theo, bắt chước những hành động tiêu cực của người mà mình hâm mộ.


Nhận diện những giá trị


Việc chọn thần tượng cũng giống như thời trang, mỗi người sẽ có một “gu” riêng, và cái “gu” này cũng có thể thay đổi tùy theo thời điểm. Thời nào cũng vậy, những ngôi sao nổi tiếng trong giới nghệ thuật luôn có nhiều người trẻ hướng đến, chọn làm thần tượng, đơn giản vì hình ảnh của họ có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Vẻ bề ngoài, phong cách thời trang, cá tính trong nghệ thuật là những yếu tố phù hợp với tâm lý, mong muốn, ước mơ của người trẻ tuổi.

Trang trực tuyến nhachay.vn thống kê, sáu nghệ sĩ Việt dẫn đầu về lượng fan hiện nay là: Sơn Tùng MTP, Đông Nhi, Mỹ Tâm, Phan Mạnh Quỳnh, Soobin Hoàng Sơn, Isaac 365. Trong đó, fanpage của Sơn Tùng MTP đạt tới hơn 14 triệu lượt theo dõi, trang cá nhân của ca sĩ cũng có hơn hai triệu like - một con số thể hiện sức hấp dẫn cá nhân của nam ca sĩ trẻ tuổi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có không ít người trong giới trẻ lại có xu hướng tìm kiếm những hình ảnh giản dị hơn, gần gũi hơn để tôn thờ. Chẳng hạn, trong đại dịch Covid-19, trên các diễn đàn có thể bắt gặp những người trẻ chọn thần tượng cho mình là một vị bác sĩ cụ thể đang vất vả ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Có bạn trẻ chọn anh Vũ Quốc Cường - một tấm gương về làm từ thiện không quản ngại hiểm nguy trong tâm dịch và đã qua đời vì mắc Covid-19.

Rất nhiều việc làm ý nghĩa, có giá trị nhân văn được một cá nhân hoặc tập thể khởi phát và lan tỏa, kéo theo nhiều cá nhân, tập thể khác thực hiện. Từ một đốm lửa nhỏ bùng lên thành một ngọn lửa lớn, hun đúc tinh thần tương thân, tương ái.

Y, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cắt tóc trước khi vào tâm dịch - một hình ảnh đầy cảm hứng. Ảnh: BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT

Y, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cắt tóc trước khi vào tâm dịch - một hình ảnh đầy cảm hứng. Ảnh: BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT

Vào thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng thời gian qua, khi đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện 19-8 Bộ Công an lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang, hình ảnh các nữ y, bác sĩ lên xe làm nhiệm vụ đã được cộng đồng mạng chia sẻ mạnh mẽ. Hay hình ảnh bác sĩ Đặng Minh Hiệu cạo trọc đầu trước khi lên đường cùng đoàn đi chi viện Bắc Giang với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh đã đem lại sự yêu mến cho nhiều người.

Nhìn từ góc độ tích cực, hiệu ứng đám đông này có sức mạnh liên kết, thôi thúc, động viên, khích lệ con người vươn lên, tạo ra những hành vi, những kết quả tốt đẹp hơn. Khi “hữu xạ tự nhiên hương”, những giá trị đích thực sẽ là mẫu số chung của những giá trị tinh thần, không còn là chân dung của một người mà trở thành giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Tuy nhiên, mặt trái của hiệu ứng đám đông cũng không ít. Nhất là trong thời đại internet phát triển, mạng xã hội lên ngôi như hiện nay, bất kể sự việc dù chưa phân định đúng-sai, đã kiểm chứng hay chưa nhưng không ít người vẫn cao giọng phán xét theo quan điểm lệch lạc. Cũng đã có không ít vụ việc do đám đông hiếu kỳ, thiếu hiểu biết đã thúc đẩy sự việc đi đến khó kiểm soát, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Còn nhớ mấy năm trước, anh chàng Lệ Rơi bỗng trở nên nổi tiếng mà không hề có một tài năng nào vượt trội. Thật ra anh chàng này là sản phẩm của “internet phenomena” (hiện tượng mạng), kiểu như đã từng xảy ra trên thế giới với William Hung tại American Idol mùa thứ ba năm 2004; David after dentist trên YouTube… họ là những hiện tượng khó lý giải và đương nhiên không thể là một năng lượng tích cực có sức lan tỏa.

Thực tế, cũng có không ít bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường chọn sai người để hâm mộ. Thí dụ, họ lựa chọn trở thành fan của những nhân vật “nổi (tai) tiếng” trên mạng xã hội như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… mà không hiểu được rằng dù có nhiều người xem và theo dõi, nhưng những nhân vật này không tạo ra được giá trị mới nào đáng kể, thậm chí còn gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.


Mặt trái của hào quang


Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến nhiều câu chuyện không hay liên quan đến những nhân vật nổi tiếng, là thần tượng của giới trẻ.

Scandal của Ngô Diệc Phàm, một nam thần tượng của làng giải trí Hoa ngữ khiến bao fan Việt bàng hoàng. Không ai có thể ngờ đằng sau một hình ảnh đẹp làm xao xuyến hàng triệu con tim là một Ngô Diệc Phàm với những cáo buộc: môi giới tình dục, cưỡng bức phụ nữ và người vị thành niên. Trong làng nhạc Hàn Quốc, nam ca sĩ Seungri, cựu thành viên nhóm nhạc nổi tiếng BIGBANG cũng vướng vòng lao lý với các tội danh như: đánh bạc, môi giới mại dâm.

Trong showbiz Việt, có thể nhắc tới sự vụ ồn ào gần đây liên quan đến ca sĩ Jack. Jack bị bạn gái Thiên An tố cáo chuyện có con với cô nhưng không chịu thừa nhận, có lối sống lăng nhăng, hành vi cư xử bạc bẽo. Sự việc căng thẳng đến nỗi để làm dịu dư luận, nam ca sĩ trẻ phải lên tiếng thừa nhận về những hành xử chưa đúng mực của mình. Đây là những thí dụ cho thấy, thần tượng cũng chỉ là người bình thường, sau những hào quang khiến cho người hâm mộ lóa mắt, có thể vẫn ẩn giấu những hành vi không đẹp.

Chúng ta chưa quên hình ảnh đám đông người trẻ tuổi cúi xuống hôn ghế ngồi của các thành viên một nhóm nhạc Hàn Quốc khi họ đến Việt Nam biểu diễn. Không hiếm câu chuyện các bạn trẻ bỏ học “cày view” cho sản phẩm mới của thần tượng, rồi mất ăn mất ngủ, thậm chí đòi tự tử khi không được đi gặp thần tượng.

Đáng ngại hơn, khi thần tượng mắc sai lầm nghiêm trọng, họ vẫn bất chấp. Sau câu chuyện của ca sĩ Jack, nhóm hâm mộ ca sĩ này công khai đăng clip trên TikTok: “Nếu Jack sai, chúng em sẽ sai cùng anh”. Một nghệ sĩ bị vướng lùm xùm trong vấn đề minh bạch từ thiện, fan vẫn sẵn sàng “gây hấn”, bảo vệ thần tượng bằng mọi cách, kể cả tấn công, chửi rủa, mạt sát bất cứ ai dám chê thần tượng của mình. Vì thần tượng, người hâm mộ không ngại ngần bao che, tìm cớ hợp lý hóa cái sai, thậm chí vi phạm pháp luật. Ở đây, không khó để nhìn ra thực trạng “fan nào, thần tượng đó”, hoặc ngược lại.

PGS,TS Phạm Mạnh Hà (Khoa Quản lý giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

PGS,TS Phạm Mạnh Hà (Khoa Quản lý giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong các bộ luật của chúng ta chỉ quy định như thế nào là nghệ sĩ, nhưng lại chưa quy định rõ thế nào là người có ảnh hưởng đến cộng đồng, mà lực lượng đó ngày càng được mở rộng,có những người hoàn toàn không mang danh nghệ sĩ, đây mới là nhóm người cần được kiểm soát. Có những streamer, tiktoker có hàng triệu người theo dõi, được tung hô và bảo vệ bởi cộng đồng khá đông đảo. Đã có trường hợp khi Đài Truyền hình Việt Nam nêu tên một streamer trên sóng thì ngay lập tức hàng trăm bạn trẻ kéo đến cổng Đài phản đối. Những hành vi đó cho thấy rõ ràng sự ảnh hưởng của những người có hàng triệu người theo dõi,mà lại gần như không có sự can thiệp nào của pháp luật.

Những ứng xử lệch lạc này làm rất nhiều bậc phụ huynh không giấu được nỗi lo lắng với hiện tượng “cuồng thần tượng” trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Coi thần tượng là tất cả cuộc sống, tôn thờ mù quáng, phóng đại quá mức các khả năng của thần tượng hay thần thánh hóa thần tượng sẽ dẫn tới muôn vàn hệ lụy tiêu cực cho giới trẻ. Kết quả là nhiều bạn học hành sa sút, đời sống tâm lý mất cân bằng, không thiết tha với cuộc sống, ảo tưởng về bản thân, thậm chí tệ hơn  - phải nhập viện vì sức khỏe tâm thần.

Nhóm nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh biểu diễn tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Nguồn: Vietnam+

Nhóm nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh biểu diễn tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Nguồn: Vietnam+

Tôn sùng một người là tiếp cận và thẩm thấu giá trị của người đó có, từ đó tạo ra nền tảng giá trị của riêng mình, hoàn toàn không phải chuyện chỉ là khóc cười theo thần tượng, bắt chước sao cho giống thần tượng, lóa mắt bởi vẻ bên ngoài của thần tượng.


Từ gia đình đến nhà trường


Để có được “chiếc áo giáp” tự bảo vệ mình, không bị cuốn vào cơn lốc “cuồng thần tượng” đến mức mê muội, mù quáng, mỗi bạn trẻ cần phải được giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường, để có thể nhận diện các giá trị thực chất chứ không phải phong trào hay a dua cho bằng bạn bằng bè, hoặc chỉ để “thể hiện đẳng cấp” một cách bồng bột.

Gia đình là cái nôi giáo dục đầu tiên của các em. Không thể cấm đoán trẻ được sử dụng công nghệ hiện đại cho mục đích học tập và giải trí, nhưng thế giới giải trí trên mạng xã hội cũng thật sự bao la rộng lớn, và ngày càng trở nên rất khó lường. Ngày càng nhiều “thần tượng mạng” xuất hiện với phát ngôn gây sốc, những video chỉ nhằm câu view, đi trái với đạo đức hay thuần phong mỹ tục. Có điều, chúng lại gây ấn tượng với phần lớn các em đang ở độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở - độ tuổi còn chưa hoàn thiện về nhận thức. Do đó, việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ khi các em sử dụng mạng xã hội cũng sẽ góp phần giúp các em hạn chế tiếp cận văn hoá thần tượng một cách lệch lạc.

Bên cạnh đó, cũng tồn tại thực tế đáng buồn là do thiếu kiến thức sư phạm, nhiều bậc phụ huynh áp dụng cách dạy con không phù hợp. Điều này xuất phát từ việc nuôi dạy con theo quan điểm cũ, khi cha nói con không được cãi lại. Nếu cãi lại là bất hiếu, là không ngoan, nên có thể bị đòn. Quan niệm đó khiến cho các em không được bày tỏ quan điểm, dễ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, bất mãn, buồn bực, ảnh hưởng nặng nề tâm lý, và tìm đến những hướng giải tỏa lệch lạc.

Cách để biết tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của con, không gì khác, là chúng ta buộc phải học cách lắng nghe con, dù ở bất cứ độ tuổi nào. Làm bạn với con luôn là điều tuyệt vời. Khi đó, con sẽ sẵn sàng chia sẻ tâm tư tình cảm. Nhờ đó, cha mẹ sẽ biết con đang yêu thích ai, coi ai là thần tượng, hoặc cách mà con bày tỏ với thần tượng liệu đã phù hợp chưa?

Làm bạn với con, nâng đỡ, yêu thương và chấp nhận suy nghĩ, quan điểm của con (dù có thể con chưa đúng) và dần chỉ ra cho con điểm chưa phù hợp sẽ giúp con thấy mình được tôn trọng hơn. Nếu bị áp đặt và làm thui chột đi cách tư duy, các con có thể sẽ tìm cách phóng chiếu suy nghĩ hành động của mình vào một hình mẫu nào đó, chỉ cần vài điểm tương đồng, cho dù là tiêu cực hay phản cảm.

Ở đây chúng ta cũng cần phân tích rõ những cách thức để nổi tiếng và tạo ra thương hiệu. Đôi khi một số nghệ sĩ chỉ là những quân cờ trong bàn cờ của công ty truyền thông. Rất nhiều các công ty truyền thông lớn gần như đang kiểm soát thị trường, thị hiếu văn hóa của giới trẻ. Và đã là doanh nghiệp, họ luôn đặt mục đích lợi nhuận trên các giá trị khác. Không ít nghệ sĩ trẻ đã trở thành nạn nhân của chiến lược truyền thông “cá mập” như vậy. Điều đó gây nguy hại tới cả người nổi tiếng lẫn công chúng. Các chiến lược truyền thông đó sẽ khiến công chúng có cái nhìn lệch lạc về nghệ sĩ.
PGS, TS Phạm Mạnh Hà

Monsoon festival là nỗ lực mang đến những sản phẩm âm nhạc chất lượng cao. Ảnh: Monsoon festival 2019

Monsoon festival là nỗ lực mang đến những sản phẩm âm nhạc chất lượng cao. Ảnh: Monsoon festival 2019


Cam kết với đạo đức


Nhà báo Trần Minh – Facebooker Bình Bồng Bột kể: Một lần trò chuyện với NSND Trần Hiếu, tôi hỏi ông: “Để trở thành một nghệ sĩ thành công thì yếu tố tiên quyết là gì?”. Ông trả lời ngắn gọn: “Đạo đức”. Tôi đã suy nghĩ nhiều về câu trả lời này. Người ta đâu thể lên một nốt cao, hóa thân vào vai một tên sát nhân hay vẽ một tuyệt tác hội họa bằng… đạo đức được?!

Nhưng thời gian trôi đi, tôi nhìn thấy rõ ý sâu xa của NSND Trần Hiếu. Tài năng chỉ là điều kiện cần, còn đạo đức mới là điều kiện đủ để kiến tạo nên một người nghệ sĩ thực thụ.

Điều quan trọng là họ làm điều ấy một cách tự nhiên. Quyền lợi và trách nhiệm song hành với nhau nhịp nhàng đến nỗi không còn ranh giới nữa. Tôi hỏi Trấn Thành: “Làm một người nổi tiếng sẽ không còn được say xỉn, chửi thề chốn đông người, cuộc sống như thế có quá tẻ nhạt không?”. Anh nói: “Thật ra, những điều đó, một con người bình thường vốn đã không được làm, huống chi là một nghệ sĩ”.

Fandom của nhóm nhạc BTS góp phần giúp dập tắt các tiếng nói phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. Ảnh: BTS Army

Fandom của nhóm nhạc BTS góp phần giúp dập tắt các tiếng nói phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. Ảnh: BTS Army

Tôi lại hỏi Sơn Tùng MTP: Chuyện nổi tiếng từ sớm khiến anh gần như không thể ra đường mà không đeo khẩu trang, không còn được ăn quán ăn vỉa hè, không có thú vui xa xỉ nắm tay người yêu đi dạo vào những buổi hoàng hôn (mà không bị cả đống người dòm ngó hoặc chụp hình), có thấy mình thiệt thòi không?”. Câu trả lời “Không!” bật ra gần như lập tức. “Vì cuộc sống vốn là những sự lựa chọn. Nếu đã chọn A, nhất định sẽ không nhìn sang B nữa. Bạn không thể muốn vừa có tiền, được làm điều mình thích, sống trong căn nhà mình mua, được mọi người trọng vọng mà vẫn muốn sống như một người bình thường được”.

Người ta hay gọi các ngôi sao là “người của công chúng”. Đã xác định việc kinh doanh dựa trên danh tiếng của bản thân thì phải biết buông cái tôi ích kỷ. Bản thân anh không còn là của anh mà đã là của… công chúng rồi. Nên trước khi quyết định trở thành một ngôi sao, hãy quay lại câu nói của NSND Trần Hiếu.

Bạn đã sẵn sàng trở thành một con người đạo đức? Làm nghệ sĩ chính là cam kết như thế!


Ngày xuất bản: 13/12/2021
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Ngô Phương Thảo, Võ Hoàng, Minh Phú, Nguyễn Hà
Trình bày: Phan Anh, Duy Long