Những "y sĩ" xe ôm

Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc với bảy thành viên, từ 50 đến 60 tuổi nhưng luôn sẵn sàng mọi lúc mọi nơi, có mặt tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn quận Liên Chiểu (TP Ðà Nẵng) để sơ cứu, cấp cứu cho người bị nạn, với mong muốn cứu giúp người qua cơn nguy kịch ban đầu.

Năm 2006, xuất phát từ dự án "Chương trình kiểm soát thương tích", Hội Chữ thập đỏ TP Ðà Nẵng đã thành lập đội "Xe ôm an toàn" tại các phường của thành phố. Ðội ngũ những người hành nghề xe ôm khi tham gia chương trình đều được trang bị túi y tế, tập huấn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, băng bó vết thương để giảm những ảnh hưởng đáng tiếc trước khi đưa người bị nạn đến bệnh viện. Ðến năm 2009, mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng Ðội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) vẫn duy trì hoạt động với bảy thành viên và ba điểm sơ cứu, cấp cứu ở ngã ba cầu Nam Ô, khu vực đèo Hải Vân và ngã ba đường rẽ lên hầm Hải Vân. Ðây là những vị trí dễ xảy ra tai nạn giao thông do lượng xe lưu thông lớn, đường nhiều khúc cua nguy hiểm. Tại các điểm này, luôn để sẵn số điện thoại của hai người đội trưởng và đội phó. Với túi cứu thương luôn sẵn trên xe, chỉ cần có việc người dân gọi thì các thành viên đội "Xe ôm an toàn" sẵn sàng đến.

Ông Ðặng Thanh Kinh (SN 1957), đội trưởng "Xe ôm an toàn" phường Hòa Hiệp Bắc đón chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4, cũng chính là điểm sơ cứu, cấp cứu khu vực rẽ qua hầm Hải Vân. Dáng người rắn rỏi, tiếng nói vang, dứt khoát đầy hài hước, ông kể lại cho tôi nghe một vài vụ việc đã được cả đội tham gia hỗ trợ. Nhớ có năm, trên quốc lộ 1A đoạn phía nam hầm đường bộ Hải Vân, ngay tại vị trí bùng binh, một xe ô-tô vừa ra khỏi hầm thì bị mất thắng (phanh), tông liên hoàn vào chín xe máy đang lưu thông trên đường. Nhận được điện thoại, cả đội đã đến và phối hợp sơ cứu, cấp cứu ban đầu cùng với lực lượng của bệnh viện giúp người bị thương nhanh chóng đến các bệnh viện điều trị. Trường hợp mà nhiều người trong đội gặp nhất là những vụ va chạm do nạn nhân đã uống bia, rượu cho nên không làm chủ được tay lái. Họ gây khó dễ, không hợp tác và không muốn được hỗ trợ, thậm chí còn hành hung những người giúp mình. Tuy nhiên, mọi người vẫn nhẹ nhàng khuyên nhủ và tìm mọi cách để có thể sơ cứu ban đầu cho người bị nạn.

Các thành viên trong đội đã không thể nhớ hết những lần hỗ trợ người bị nạn trong gần 15 năm qua. Dù cuộc sống của các tình nguyện viên còn nhiều vất vả, hằng ngày chạy xe để mưu sinh nhưng hễ thấy người gặp nạn là họ gác công việc lại để giúp đỡ không kể thời gian ngày hay đêm. Thậm chí, nhiều lần sơ cứu xong, ông Kinh còn chở luôn người bị thương đến bệnh viện. Ông Kinh chia sẻ: "Khi giúp đỡ ai và được tin tưởng, chúng tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Không ai có thể làm lơ trước hoàn cảnh khó khăn của người khác được, vì vậy cả đội vẫn sẽ duy trì hoạt động sơ cứu, cấp cứu của mình lâu nhất có thể".

Bản thân ông Kinh và đội "Xe ôm an toàn" nhận được nhiều giấy khen từ các đơn vị có thành tích trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, phong trào "người tốt việc tốt" và trong hoạt động nhân đạo. Vui hơn, điểm sơ cứu, cấp cứu của đội "Xe ôm an toàn" phường Hòa Hiệp Bắc đã trở thành một trong 22 điểm sơ cứu, cấp cứu Hội Chữ thập đỏ TP Ðà Nẵng được Sở Y tế thành phố cấp giấy phép hoạt động 24 giờ/ngày cho các thành viên trong đội về công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu cứu người khi có tai nạn xảy ra.