Đời ông đã chuyển dịch theo đúng cách suy đoán tinh tường của ông. Khó có người nào có thể trung thực với chính mình như thế, tự biết trước chính số phận của mình như thế, và biết cách làm chủ sự nghiệp mình như ông!
Có thể, chính vì thế, ông là một lữ hành cô độc trên con đường của số phận chính mình. Nhưng mặc lòng, từ nghề khảo cổ mà ông có ý thức dấn thân với một phương pháp tư duy hẳn hoi và chính xác, ông đã ơrêka cho chính mình một phương pháp nghiên cứu liên ngành. Càng tìm được nhiều ngành khoa học có dây dưa dính dáng đến Khảo cổ học, trên một tư duy triết học nền tảng, ông lại càng cảm thấy cô đơn, bởi sứ mệnh của người đi tiên phong trong lĩnh vực nền tảng cho nghiên cứu sâu về Khảo cổ học ở Việt Nam, đó là Văn hóa học, để từ đó khai sáng việc nghiên cứu những chuyên ngành hẹp của Văn hóa Việt Nam, như Địa-văn hóa Việt Nam, Sử văn hóa Việt Nam và Cơ sở văn hóa Việt Nam...
Từ trái sang - Bốn GS sử học hàng đầu: Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê
cùng người thầy đáng kính - GS Trần Văn Giàu. Ảnh trong bài | Nguyễn Đình Toán
Và ở giữa hai cột mốc lớn của mối quan hệ liên ngành Khảo cổ học - Văn hóa học, ông đã đặt được một chuỗi liên kết hai cột mốc ấy, bằng việc nghiên cứu những vấn đề cụ thể, lan tỏa từ cái nhìn văn hóa, như nghiên cứu Hà Nội học, Du lịch học, Văn hóa dân gian, Văn hóa ẩm thực, Văn hóa diễn xướng từ sân khấu dân gian đến sân khấu hiện đại, v.v.
Nếu gọi cả quá trình nghiên cứu và vỡ vạc về nhận thức trên của ông là những bước đường tư tưởng của GS Trần Quốc Vượng trong cả cuộc đời lẫn sự nghiệp của mình, tưởng cũng không có gì là ngoa ngôn, nhất là khi GS Trần Lâm Biền, vừa là học trò, vừa là người anh em, đồng nghiệp của GS Trần Quốc Vượng đã bình luận rằng, con đường đi từ Khảo cổ học đến Văn hóa học trong suốt cuộc đời GS Trần Quốc Vượng đã thật sự là con đường của Tâm đạo. Trên con đường ấy, GS Trần Quốc Vượng đã đi từ cái Tiểu ngã đầy tự kỷ, lấy mình làm trung tâm, để đến với cái Đại ngã, lấy đại chúng làm trung tâm. Đi tới Đại ngã ở cuối đường, ông đã chuyển sang trạng thái thăng hoa, siêu thoát, bay bổng lâng lâng trên cao, bởi ý nghĩa của sự hòa nhập chứ không phải hòa tan. Ông chuyển sang cái Hòa chứ không phải cái Đồng. Ông vẫn là Ông trong sự hòa nhập tối đa với những cái chung quanh ông.
Bởi vậy, GS Trần Quốc Vượng có nhiều phát hiện quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam, thể hiện rõ nhất ở việc nghiên cứu bối cảnh của giao lưu, tiếp biến văn hóa, và sự sinh tồn của thân phận một dân tộc như dân tộc Việt Nam trong bối cảnh văn hóa bản địa của chính mình và trong bối cảnh giao lưu với các dân tộc khác trong vùng văn hóa phương Đông và trong quan hệ văn hóa Đông Tây. Ông thấu suốt rằng: Mỗi cảnh địa văn hóa có thể quyết định mạnh mẽ và sâu sắc đến thế nào đối với tâm hồn, tình tự hay tính cách văn hóa Việt Nam, hay của một tộc người trong văn hóa đa sắc tộc Việt Nam... Hiểu rõ những điều cốt lõi ấy qua con đường Khảo cổ học và bằng con đường Khảo cổ học dẫn đến Văn hóa học, ông đã tự thiết lập một hệ thống thuật ngữ riêng cho nghiên cứu văn hóa Việt Nam, với những suy tưởng cực kỳ uyên bác, và độc sáng. Chỉ có ông mới không chịu gọi Tam nông, mà gọi là ba hằng số của Văn hóa Việt Nam, đều bắt đầu bằng chữ nông, và bảo rằng đó là căn cơ của văn hóa truyền thống Việt Nam: nông dân - nông nghiệp -
nông thôn. Cũng chỉ có ông mới truy tìm được căn tính nông dân của tính cách dân tộc Việt Nam. Với căn tính cố hữu này, người Việt sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức trên đường phát triển, thậm chí là “bi kịch của sự phát triển” (như học giả Đào Duy Anh đã tiên liệu trong Việt Nam văn hóa sử cương, xuất bản từ 1938, NXB Quan Hải Tùng thư). Và có lẽ cũng chính là ông đã khẳng định rằng, người Việt cổ có triết lý cặp đôi, trên cơ sở đôi đũa ăn hằng ngày mà đẩy lên triết lý tình yêu: Đôi ta là bạn thong dong, như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng. Và từ đó ông suy đoán thật uyên thâm về phẩm chất tư duy của người Việt cũng mang rõ nét tính chất cặp đôi trong sự lưỡng phân lưỡng hợp... Rồi cũng chẳng phải chính ông đấy ư, đã tìm ra nguyên lý Mẹ của văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước Việt Nam, với những: Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và Hội Gióng, và Triết lý Trầu Cau, Triết lý Trống đồng, Triết lý bánh chưng bánh dầy... là những triết lý uyên thâm của hồn dân gian dân tộc Việt Nam. Và cũng chính ông, đã chốt lại một kết luận khảng khái: Mất dân gian là mất hồn dân tộc!
Các nghiên cứu của ông mang tính mở, có lẽ vì thế mà nhiều người có thể tùy nghi học cách sử dụng phương pháp tư duy của ông, hệ thống thuật ngữ của ông và có khi/nhiều khi cả cách viết của ông để diễn đạt chữ nghĩa hoặc để tích hợp văn hóa cho mình giàu có hơn lên. Nhất là sinh viên, hoàn toàn có thể khai thác từ ông những vỉa tầng kiến thức chưa bao giờ có dấu hiệu của khô cạn và cằn cỗi. Đồng nghiệp của ông là những giảng viên đại học có thể học từ ông cách ứng xử văn hóa với sinh viên, bao giờ cũng tôn trọng sự tự chủ, chủ động của sinh viên trong tư duy về phương pháp học đại học mà ông coi trọng nhất, đó là tự học. Ông là một trong số ít giáo sư không thích nhồi nhét cho sinh viên một mớ lý thuyết xám ngoét, bởi ông biết chắc, lý thuyết thì xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi (Gớt). Ông tâm niệm phải xây dựng cho sinh viên ngay từ khi bước chân vào đại học một phương pháp tư duy đại học xác đáng, bởi ông nhớ mãi ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, thầy Trần Văn Giàu của ông đã viết trên bảng đen một dòng phấn trắng: ĐẠI HỌC LÀ TỰ HỌC. Và ông đã vỡ lẽ nhanh chóng cái điều tưởng như nghịch lý đó, để biến quá trình tự học của mình thành quá trình học đại học và sau này tặng lại cách học này cho sinh viên của mình một cách hào phóng. Việc học đại học bằng nghiệm sinh tự học và bằng những trải nghiệm triết học trong suốt đời mình-đó là cái ông đã học ở nhà triết học Trần Đức Thảo, thầy ông, với tư cách nhà triết học đã khai sáng cho ông, để sau này, khi trưởng thành trong nghiên cứu, những nhận định của ông về khảo cổ học và văn hóa học đều mang một chiều sâu tư tưởng. Thí dụ, vì một nhận xét đích đáng của ông mà rất nhiều sinh viên khoa Sử đã theo học mê say một nghề rất vất vả và nghiệt ngã, đó là nghề khảo cổ. Ấy là khi ông so sánh: người Pháp đã đi ra khỏi miền Bắc Việt Nam từ mùa thu năm 1954 và không để lại được một nhà khảo cổ học Việt Nam nào. Phải chăng, vì nhận định xuất sắc này của ông mà khoa Sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội đã thành nơi duy nhất đào tạo được cử nhân khảo cổ học có chất lượng cao nhất toàn quốc?
Con đường đi từ Khảo cổ học đến Văn hóa học trong suốt cuộc đời GS Trần Quốc Vượng đã thật sự là con đường của Tâm đạo. |
Ông tâm niệm phải xây dựng cho sinh viên ngay từ khi bước chân vào đại học một phương pháp tư duy đại học xác đáng. |