Ngời sáng tình quân - dân

Trong tháng 10 và đầu tháng 11-2020, các tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam liên tiếp chống chọi các cơn bão, lũ nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trước thử thách nghiệt ngã, Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4, Quân khu 5 luôn luôn có mặt ở nơi xung yếu làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn (CHCN). Trong gian khó, hiểm nguy, càng ngời sáng tình quân dân "cá - nước"...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) giúp nhân dân huyện Tây Giang dựng lại nhà sau bão. Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) giúp nhân dân huyện Tây Giang dựng lại nhà sau bão. Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Bài học "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng"

Giữa những giờ phút cam go, sinh tử, việc chủ động các phương án và phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng" là ưu tiên hàng đầu. Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ngãi điều động hai xe thiết giáp đưa hai người dân cần hỗ trợ đi cấp cứu trong bão; điều động 25 cán bộ, chiến sĩ cùng hai xe kéo, hai ca-nô kịp thời di dời 38 người dân sinh sống, lao động trên vùng gò nổi (Đảo Ngọc) thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi, đang bị nước lũ cô lập đến nơi an toàn. Tình trạng hàng nghìn hộ dân ở các huyện Sông Cầu (Phú Yên), Vạn Ninh (Khánh Hòa), M’Đrăk, Krông Bông, Lắk (Đắk Lắk) bị cô lập và nguy cơ chịu lũ ống, lũ quét, sạt lở là điều thôi thúc Bộ CHQS các tỉnh điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều ca-nô, tàu thuyền chuyên dụng ứng cứu, sơ tán, tiếp tế lương thực, thực phẩm.

Tại tỉnh Quảng Nam, Ban CHQS huyện Đại Lộc đã sử dụng xe tải và hai ca-nô trong lũ dữ đưa thai phụ Nguyễn Thị Vy, ở xã Đại Hưng vượt 20 km đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam. Sản phụ Vy có chồng đang làm ăn tại TP Đà Nẵng, chị mang thai tuần 38 và chuyển dạ trong lúc không có người thân bên cạnh, nhà bị nước lũ cô lập. "Vượt cạn" an toàn, đón con trai kháu khỉnh nặng 4,2 kg, chị Vy xúc động bày tỏ: "Nếu không có bộ đội đến giúp đỡ không biết mẹ con tôi giờ sẽ ra sao. Tôi và gia đình cảm ơn các anh bộ đội rất nhiều!".

Một kỷ niệm không quên tại huyện Nam Trà My đó là, 3 giờ sáng 29-10, gần 200 cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 mang theo vật dụng, trang bị thiết yếu cùng chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nhanh chóng xác định vị trí, đường đi để thông tuyến, phối hợp lực lượng tại chỗ tìm thấy, cứu được 33 người dân, 16 người bị thương, trong đó có tám người bị thương nặng. Quân y và y tế địa phương sơ cứu, đưa lên võng, băng cáng chuyển ngay đến bệnh viện điều trị… Quân khu 5 còn cử lực lượng có mặt kịp thời khắc phục vụ sạt lở núi làm nhiều người dân bị vùi lấp và mất tích tại hai huyện Phước Sơn và Bắc Trà My.

Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Phó Tư lệnh Quân khu 5, cho biết: Mặc dù phải dồn sức khắc phục lượng bùn đất sạt lở quá lớn, nhưng lực lượng cứu hộ rất nỗ lực, cố gắng tìm kiếm nạn nhân để gia đình yên lòng. Lực lượng cứu hộ còn triển khai phương án, tận tình hướng dẫn kỹ thuật sử dụng dây cáp làm ròng rọc bắc ngang qua sông Nước Mét, giải cứu thành công hơn 200 công nhân của Thủy điện Đắk Mi 2 ra khỏi khu vực bị cô lập. Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam cùng Bộ đội Biên phòng và thanh niên các xã vùng cao khẩn trương gùi khoảng bốn tấn lương thực, thực phẩm gồm: gạo, mì ăn liền, nước uống, mắm, muối, mì chính, vượt hàng chục km đường núi hiểm trở, sạt lở nặng để hỗ trợ cứu đói cho hơn 3.000 người dân tại hai xã Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập nhiều ngày...

Mệnh lệnh từ trái tim

Thảm họa sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) gây thiệt hại nặng nề đối với LLVT Quân khu 4 và nhân dân địa phương, làm 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man; 17 công nhân mất tích.

Suốt hơn 40 ngày CHCN ở Rào Trăng 3, dù thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở và nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét luôn đe dọa đến tính mạng, nhưng các lực lượng luôn xả thân làm xuyên ngày, trắng đêm với quyết tâm tìm kiếm, đưa hết các nạn nhân về với gia đình. Còn mãi trong tình cảm yêu thương của nhân dân cả nước hình ảnh những người lính lấm lem bùn đất dầm mình trong mưa nắng tìm kiếm người mất tích với tinh thần "Phía trước là nhân dân", "Mệnh lệnh từ trái tim".

Cán bộ, chiến sĩ đi trên những chiếc xuồng cứu hộ vượt qua dòng lũ dữ đến từng gia đình cứu người dân đưa đến nơi an toàn; lội trong nước lũ ngập sâu ngang bụng, ngang ngực cõng các cụ già neo đơn, các cháu nhỏ đến nơi an toàn. Lương thực, thực phẩm từ khắp mọi miền đổ về ứng cứu. Hàng nghìn suất ăn do các địa phương hỗ trợ và lương thực từ kho dự trữ phòng, chống thiên tai được cấp phát cho các hộ bị cô lập ở các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảm động chia sẻ, đóng góp vào kết quả của tỉnh có vai trò quan trọng của LLVT, lực lượng quân đội, đặc biệt là trong công tác CHCN tại khu vực Rào Trăng 3. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã nỗ lực phối hợp triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn, thật sự là những tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm, dám đương đầu với thử thách, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng CHCN Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, chia sẻ: Cục CHCN đã tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị Quân khu 4, Quân khu 5 quyết liệt triển khai các biện pháp, kịp thời cơ động lực lượng, phương tiện giúp các địa phương và nhân dân. Lực lượng tại chỗ cùng lực lượng quân khu, các quân, binh chủng đã vào cuộc. Tàu và máy bay của Quân chủng Hải quân tìm kiếm người và cứu kéo tàu bị nạn trên biển. Máy bay lên thẳng của Quân chủng Phòng không - Không quân bay thả hàng nhu yếu phẩm cho nhân dân các vùng bị mưa lũ cô lập. Chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tham gia tìm kiếm người bị vùi lấp. Các phương tiện dò tìm và cắt kim loại của Binh chủng Công binh được huy động... Đáng chú ý, Quân đội đã phối hợp cứu nạn thành công tám thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu Vietship 01 bị chìm mắc cạn tại vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị), trong khi biển động, sóng to, gió cấp 7, cấp 8. Để CHCN, đã có 33 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Bộ Quốc phòng kịp thời chi viện giúp các tỉnh miền trung hàng trăm tấn hàng trang, thiết bị CHCN, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; giúp các địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, lũ.

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng, điểm nhấn trong đợt ứng cứu, cứu trợ, giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền trung vừa qua chính là Quân đội đã thể hiện đầy đủ ý chí quyết tâm và tinh thần "vì nhân dân phục vụ", "vì nhân dân hy sinh", thật sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trên mặt trận phòng, chống thiên tai, CHCN. Đó là lực lượng có khả năng ứng cứu nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Dù thiên tai khó lường, trời mưa bão, nước lũ dâng, núi đồi sạt lở, giao thông bị chia cắt, nhưng cán bộ, chiến sĩ Quân đội không quản gian khổ, hy sinh thực hiện mệnh lệnh từ trái tim người lính. Bảo vệ tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân bằng mọi giá, những nghĩa cử, hành động cao đẹp đó là biểu tượng sáng ngời về tình quân dân "cá - nước", về phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới.