Ngoại giao hội nghị

Hội nghị Hợp tác và Đối thoại Baghdad lần thứ hai vừa được tổ chức tại Jordan. Ngoài các nước trong khu vực Trung Đông như Iraq, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Pháp là quốc gia duy nhất bên ngoài khu vực tham gia hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: INGRAM PINN
Biếm họa: INGRAM PINN

Hội nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy sự ủng hộ của các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế đối với chủ quyền, an ninh, ổn định cũng như tiến trình chính trị, nỗ lực tái thiết và phát triển kinh tế của Iraq. Đây cũng là dịp tốt để các nước tìm kiếm cơ hội đối thoại nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực, với mục tiêu tạo dựng môi trường tốt hơn cho việc thiết lập các mối quan hệ đối tác và hợp tác kinh tế, bảo đảm ổn định ở Trung Đông.

Khu vực Trung Đông đang đối mặt các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là về chính trị và an ninh, cùng với các mối đe dọa với an ninh lương thực, nguồn nước, y tế, năng lượng và biến đổi khí hậu. Vì thế, hội nghị nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là các nước vượt qua bất đồng và chia rẽ, tăng cường hợp tác khu vực, tập trung vào các vấn đề an ninh, kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, an ninh và ổn định của Trung Đông có ý nghĩa quan trọng với an ninh và ổn định của khu vực, rộng lớn hơn là Địa Trung Hải, trong đó có lợi ích của Pháp. Thực tế, Iraq là một trọng tâm trong chính sách Trung Đông của Pháp. Ngoài đóng góp quân sự lớn trong khuôn khổ Phái bộ NATO tại Iraq, Paris cũng hỗ trợ Baghdad về ngoại giao, nhân đạo và trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông Macron nêu rõ: Iraq là “điểm giao thoa” giữa các chủ thể có ảnh hưởng lớn trong khu vực, như Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó cho thấy sức nóng của những thách thức đang tác động đến Trung Đông. Vì thế, Iraq cũng là nơi có thể thúc đẩy các cơ hội đối thoại và hợp tác, nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Cơ chế Hội nghị Hợp tác và Đối thoại Baghdad được Pháp coi như sự khởi đầu cho nỗ lực lâu dài hướng tới giải quyết các thách thức trong khu vực. Đây là một phần trong cách tiếp cận “ngoại giao hội nghị” mà Paris theo đuổi nhằm củng cố ảnh hưởng của Pháp tại khu vực.