Hiểm nguy muôn nẻo đường rừng
Tiếng “lóng” làng Thanh Hưng gọi nghề tìm trầm là “đi điệu”. Không ai trong làng nhớ chính xác nghề đi “đi điệu” bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng “lớp cha trước, lớp con sau” cứ nối nhau xuyên rừng tìm trầm những mong đổi đời. Hôm đến đây, chúng tôi thấy chẳng mấy thanh niên, trai tráng ở nhà. Trưởng thôn Trần Tiến Đạt nói: “Chừ (giờ) chưa có mưa bão, trai tráng ở trong rú (rừng) hết rồi”.
Theo ông Đạt, trai làng Thanh Hưng tuổi 15 đã đóng cùi lên rừng tìm trầm và hầu như nhà nào cũng có người “đi điệu”. Có nhà cả cha con, ông cháu cùng đóng cùi lên rừng lùng sục, tìm trầm. Chúng tôi gặp một người có thâm niên hơn 30 năm “đi điệu” bây giờ “rửa tay gác kiếm” vì sức khỏe. Ông tên là Nguyễn Văn Hải. “16 tuổi lần đầu tiên tui (tôi) theo cha đóng cùi lên rừng. Suốt gần 30 năm liên tục, tính ra tui ở nhà với vợ con chưa tới năm năm… Dân tui ít học, ruộng vườn không có, đông con, biết là vất vả, hiểm nguy nhưng nếu không đi tìm trầm thì không biết mần chi (làm gì) để sống” - ông Hải tâm sự với chúng tôi.
Một “điệu” khác, anh Nguyễn Văn Định cho biết, so với “điệu” ở các làng, “điệu” Thanh Hưng được coi là “đội quân thiện nghệ” nhất trong nghề “săn” trầm. Hàng chục năm trước, họ có mặt ở khắp các vùng rừng có cây gió và đã khai thác cạn kiệt. “Săn” hết ở rừng Quảng Bình, các “điệu” Thanh Hưng tiến ra rừng Hà Tĩnh, vô rừng Thừa Thiên - Huế, rồi lên rừng Tây Nguyên và bây giờ sang tận tận rừng bạn Lào, Thái-lan, Trung Quốc.
Còn theo anh Định, mỗi chuyến tìm trầm ở tận rừng Lào của người Thanh Hưng phải mất ít nhất vài ba tháng. Vì thế họ phải đóng cùi nặng gấp đôi, gấp ba trước đây khi còn “đi điệu” ở rừng Việt Nam. Thông thường mỗi “cùi” ngoài vài chục cân gạo, thực phẩm khô, chăn võng, còn có rìu rựa, bộ dũm dùng để soi trầm, một số thuốc tây, dầu xoa phòng khi cảm sốt, nhức mỏi và hương hoa, lễ vật để cầu khấn thần linh đưa đường dẫn lối cho họ may mắn tìm được trầm. Trước khi “đi điệu”, những người “phu trầm” phải ba ngày ăn chay và kiêng cữ chuyện vợ chồng. Họ chọn ngày lành tháng tốt mới lên đường. Trong suốt hành trình phải tuân thủ nghiêm ngặt tục lệ của những bậc tiền nhân trong giới trầm kỳ truyền dạy: không được nói chuyện xúi quẩy, không gây sự lẫn nhau, ăn nói phải kiêng dè. Khi nói chuyện với nhau “dân điệu” thường nói lệch sang tiếng “lóng”, ví như muối gọi là diêm, gạo là mễ, đá tảng gọi là gộp, cọp phải gọi là thầy, bị ong đốt phải nói là uông ké...
Không ai hẹn trước ngày về
Để “săn” được trầm, “dân điệu” Thanh Hưng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy giữa chốn rừng thiêng, nước độc. “Điệu” tên Trần Quốc Kiếm - 50 tuổi, mới bỏ nghề hai năm vì không còn sức để xuyên rừng đã nhớ lại những ngày tháng “ngậm ngãi tìm trầm” kinh hoàng của mình. Ông kể: “Cách đây hơn 20 năm với hy vọng đổi đời, tui và hai người bạn tên Thu và Tiến “đi điệu”. Ròng rã hơn một tháng mà bọn tui chưa kiếm được miếng vai trầm mô (nào). Lương thực mang theo đã hết, bọn tui chuẩn bị trở về. Đang dọn đồ đạc thì một cơn mưa rừng ập đến, nước lên nhanh, con suối nhỏ trước lán phút chốc đã trở thành một con sông lớn chặn mất đường về. Ở lại thì cũng chết đói, bọn tui quyết định bơi qua suối. Tui và Thu gắng vượt qua được dòng nước chảy xiết nhưng Tiến bị nước lũ cuốn trôi, mãi mãi nằm lại với rừng sâu”.
Giữa chốn rừng thiêng, nước độc, những người “đi điệu” còn đối mặt với một nỗi sợ hãi khác, đó là gặp cướp có vũ trang, còn gọi là “bọn mẹo”. “Phu trầm” dù có mang trên mình bao nhiêu trầm nhưng khi gặp “bọn mẹo” thì cách duy nhất là “bỏ trầm chạy lấy mạng” nếu không chúng bắn chết mà không cần biết “dân điệu” có chống cự hay không. Ở làng Thanh Hưng rất nhiều người trúng trầm đã bị bọn cướp bắn chết như anh Lịch, Văn, Hạ, Tiến, Đức, Thu, Đoàn, Hồng, Thái, Minh, Lâm, Lập, Linh…
Cho đến bây giờ, ông Xuân - một “điệu” đầy kinh nghiệm của làng vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau bất lực nhìn hai con trai của mình bị “bọn mẹo” bắn chết. Ông kể trong nước mắt: “Hè 2007, tui và hai đứa con đang đẵn một cây dó ở bên rừng Lào để tìm trầm. Nghe thấy động, ba cha con nép vào gốc cây quan sát. Từ trên đầu dốc, năm tên vác súng đi xuống. Sợ quá, ba cha con tui cùng ào chạy, nhưng không kịp, bọn cướp đã nổ súng. Khi nghe thằng Đoàn á một tiếng rồi gục xuống, anh hắn là thằng Thu quá thương em đã quay lại dìu em cũng bị chúng bắn chết. Số trầm mà ba cha con tìm được trong suốt chuyến đi đã bị chúng cướp hết. Tui bị thương nặng ngất đi, bọn cướp tưởng đã chết nên bỏ đi. Tỉnh lại, tui lấy hết sức bình sinh dùng dao rựa đào hố lấp qua loa hai đứa con trong nỗi đau tột cùng. Sau đó, tui lết ba ngày mới ra tới đường mòn nơi bìa rừng rồi ngất đi, người đi rừng gặp và được cứu sống. Từ ngày đó tới nay, trầm hương và hai đứa con nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ luôn ám ảnh tui. Giá mà có một cái nghề để mưu sinh thì mần răng (làm sao) chúng mất mạng được”.
“Phu trầm” còn đối mặt với một “hiểm nguy” khác nữa, đó là việc nước bạn bắt bỏ tù vì tội phá rừng và “nhập cư” trái phép. Anh Hoàng Văn Quyết - một “điệu” đã từng hai lần ngồi tù ở nước bạn cho biết, nhiều người trong làng bị tù ở Lào, Thái-lan nhiều năm, người nhà tưởng là mất tích. Đến nay, danh sách người làng Thanh Hưng đi tìm trầm bị bắt bỏ tù cứ dài theo năm tháng.
Ông Trần Quốc Kiếm đúc kết: “Chuyện đi trầm, trúng trầm xưa nay chẳng khác chi chuyện… trúng số, nghĩa là người trúng phải may mắn. Nhưng rủi ro, hiểm nguy thì vô vàn, ai may còn sống trở về thì sức khỏe cũng rất sa sút do bệnh sốt rét hành hạ.
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Ở Thanh Hưng bây giờ đã có những ngôi nhà tầng mọc lên, đó là nhà của một vài người “đi điệu” may mắn “trúng số” và những chủ trầm. Chủ trầm, còn gọi là người buôn trầm đóng cùi cho dân đi tìm trầm không tính lãi nhưng khi trúng trầm người “đi điệu” buộc phải bán “hàng” cho họ.
Trái ngược với những ngôi nhà tầng uy nghi bên dòng sông Son của các chủ trầm, nhiều người ở Thanh Hưng “đi điệu” cả cuộc đời mà chẳng cất nổi ngôi nhà để ở. Ông Trần Quốc Kiếm gần cả đời người theo nghiệp tìm trầm nhưng đến bây giờ vẫn ở trong mái nhà tạm, phên rách lỗ chỗ. Anh Trương Tám là dân “điệu” nghe nói từng có “số má” giờ đây cũng chỉ trú trong mái nhà tạm bợ bên mép sông Son. Tám nói trong chua chát: “25 năm lùng sục núi rừng, với tui là con số không. Sức lực đổ hết vào trầm, chừ chuốc vô bệnh tật thêm khổ vợ con...”.
Đau đớn hơn là những người thân của những “dân điệu” đã bỏ mạng lại giữa rừng sâu vì trầm. Trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, chị Nguyễn Thị Hà kể rằng, năm 1999 sau khi trúng được đợt trầm, chồng chị là anh Trần Thanh H. đã xây ngôi nhà này. Nhà chưa kịp hoàn thiện thì hết tiền. Gác lại việc xây nhà, anh H. đóng cùi lên rừng mong để kiếm tiền hoàn thiện ngôi nhà. Anh H. đi được hơn tháng thì ở nhà chị nghe tin dữ: nhóm “đi điệu” của anh đã bị “bọn mẹo” bắn chết tại một khu rừng bên đất Lào. Anh chết để lại cho chị ba đứa con nhỏ trong căn nhà trống không và dột nát. Mà ở Thanh Hưng trường hợp như chị Hà không phải ít.
Bây giờ, số người trúng trầm bán được tiền tỷ, bạc triệu ở Thanh Hưng không nhiều. Phần lớn sau mỗi chuyến xuyên rừng, các “điệu” ở làng cũng chỉ kiếm vài ba triệu đủ mua gạo muối, song nhiều chuyến họ phải về tay không trong đắng cay, bệnh tật… Nhưng rồi, họ vẫn cứ đi, vợ con ở nhà chờ và làng Thanh Hưng luôn vắng bóng đàn ông…