Nghiêm khắc với những vi phạm ngoài khơi

Nhiều tàu đánh cá ra ngoài khơi tận diệt môi trường thủy hải sản bằng lưới dã cào. Cùng với đó, là hiện tượng mua dầu lậu ngoài biển, buôn dầu lậu và vi phạm ngư trường…
0:00 / 0:00
0:00
Không ít chủ tàu lợi dụng việc đánh bắt cá để buôn lậu dầu.
Không ít chủ tàu lợi dụng việc đánh bắt cá để buôn lậu dầu.

“Cuộc sống là biển và cá!”

Nghề cá mấy năm nay đều khó tuyển nhân công nhưng có lẽ không còn lựa chọn nào khác nên mới đi làm. Nguyễn Hoàng Đức quê Hải Hậu, Nam Định làm lao động trên thuyền đánh cá biển ngoài khơi Nam Côn Sơn (Vũng Tàu) chia sẻ. Tôi biết Đức trong một chuyến ra khơi từ nhiều năm trước, sau sáu năm lao động nghề, hiện tại Đức đã gom góp được chút tiền học nghề lái xe tải và chuyển đổi. Đức kể: “Đi biển luôn xác định một cuộc sống không có gì ngoài biển và cá, mình làm công chăm chỉ, lấy lương, vậy thôi. Thỉnh thoảng lại còn bị chủ thuyền mở sóng duyên hải để nghe một chủ tàu khác chửi bới, dọa đánh đập nhân công. Đó cũng là cách chủ tàu dằn mặt. Em đi làm thuê cho họ nên phải biết thân, răm rắp công việc”.

Trong chuyến đi đó, tôi đã được nghe một cuộc chửi trên sóng, mình chỉ nghe thôi mà cũng sợ. Được biết có những con tàu ở ngoài khơi đánh cá ba tháng, thậm chí sáu tháng, thỉnh thoảng có thuyền vào bờ thì họ nhắn tin cho nhau để gửi hải sản về và cũng có thuyền trong bờ ra khơi đánh cá, cũng là phương tiện tiếp tế nước uống, thức ăn, rượu, nhưng không có chuyện tiếp tế dầu cho tàu thuyền ngoài khơi. Đức nói: “Các cơ quan chức năng chỉ cần đứng ở cảng cá kiểm tra những con tàu ra khơi đánh cá là nắm được lượng dầu họ mua. Không có tàu đánh cá nào mua nhiều dầu để ra khơi cả. Họ chỉ đong đủ dầu cho một lần chạy ra thôi. Ở ngoài đó, họ sẽ mua dầu từ các con tàu khác, mọi thanh toán đều do trong đất liền lo hết”.

“Thậm chí khi về, họ còn mua đầy các can thùng chứa dầu rồi vào đất liền san bán. Nhưng nay thì hơi khó khăn vì các lực lượng kiểm soát chặt chẽ”, Đức cho biết.

Mánh khóe dầu lậu

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt được gần hai triệu lít dầu DO chứa trong các khoang, thùng trên tàu đánh cá thuộc các vùng biển Vũng Tàu và Kiên Giang. Cụ thể, ngày 20/11, Đội tuần tra kiểm soát biên phòng đảo Thổ Châu (TP Phú Quốc, Kiên Giang) bắt giữ hai tàu cá vận chuyển 62.500 lít dầu không có hóa đơn nguồn gốc. Cũng tại đảo Thổ Châu, vào ngày 19/10, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, phát hiện tàu TG 90108 TS chở theo 1,8 triệu lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm, niêm phong hàng hóa, dẫn giải phương tiện về cảng.

Nghề cá đang có những chuyện không thuộc về cá… Sống bằng nghề cá và ra khơi xa đánh bắt, ông Trần Văn Thức, xã Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam), cho biết: “Chuyện bạc đãi nhân công theo tàu đánh cá thì Quảng Nam và các tỉnh miền trung quanh đây không có. Đa phần người theo tàu ra khơi cũng bà con lối xóm gần nhà. Ít có nhân công nơi khác tìm đến nên mâu thuẫn không xảy ra”.

Đối với chuyện dầu lậu, ông Thức thở dài: “Suốt đầu năm đến nay, dầu tăng giá nên chi phí cũng lớn, thu nhập mỗi chuyến ra khơi cũng theo đó mà giảm bớt nên đời sống khó khăn”.

Hiện, tỉnh Quảng Nam đang triển khai hỗ trợ ngư dân về tiền dầu. Chuyện buôn lậu dầu cũng chỉ diễn ra ở vùng biển Tây và Tây Nam. Nhưng với hình thức đánh cá tận diệt, như lưới dã cào đôi, dã cào đơn, xung điện kích thích đàn cá vào lưới..., theo nhiều ý kiến của ngư dân, khó mà dẹp bỏ được họ. Ông Đặng Văn Khanh (Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: “Vì nhiều loại hải sản có giá trị cao nằm sâu ở tầng đáy, nằm trong những rạn san hô cho nên họ dùng hình thức này để đánh bắt, cũng là tận diệt đáy biển, trong đó có san hô bị hủy hoại”.

Theo tàu đánh cá ra khơi, chính bản thân tôi cũng đã chứng kiến những mẻ lưới cào đáy biển. Phần đáy lưới, ngư dân thường lắp những mắt xích bằng sắt gọi là chì, kéo chìm đáy lưới xuống sâu. Khi những mẻ lưới lên khoang, vỏ chai bằng thủy tinh bị hàu bám cũng được kéo vào trong lưới. Vừa qua, rạn san hô trong vịnh Nha Trang khiến nhiều người từng biết phải giật mình. Đó là san hô đẹp bị phá tan tành.

San hô mất đi cùng với những mất mát trong lòng đáy biển. Cần phải nghiêm khắc với nhiều chủ thuyền đánh bắt hải sản. Họ không những đánh người, buôn lậu và tận diệt đáy biển chỉ vì mục đích kiếm thật nhiều cho riêng mình, mà mấy năm nay ngành thủy sản đang bị các cơ quan chức năng cảnh báo về việc đánh bắt hải sản tận diệt, vi phạm ngư trường.