Nghĩ lại!

Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ cũng kéo theo sự bùng nổ của hate speech-cụm từ thường được sử dụng để chỉ những phát ngôn tiêu cực, mang tính công kích và vùi dập cá nhân. Cảm nhận sâu sắc tổn thương từ những "lưỡi dao vô hình" này, Trisha Prabhu đã phát triển ứng dụng ReThink-Nghĩ lại, như lời nhắc nhở cho những dự định trút hằn học xuống bàn phím.

Trisha Prabhu đã phát triển ứng dụng ReThink-Nghĩ lại
Trisha Prabhu đã phát triển ứng dụng ReThink-Nghĩ lại

Ðồng cảm

Mùa thu năm 2013, Rebecca Sedwick, cô bé mới 12 tuổi ở Florida (Mỹ) đã leo lên tầng thượng một nhà máy xi-măng bỏ hoang và tự kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình, sau khi chịu đựng hơn một năm bị bắt nạt cả trực tiếp và qua mạng xã hội.

Nhiều câu chuyện đáng buồn như thế cũng đã xảy ra. Trung tâm Nghiên cứu đe dọa trực tuyến công bố nghiên cứu năm 2018: Một phần ba thanh niên trên khắp nước Mỹ cho biết đã bị bắt nạt trên mạng, trong khi cứ 10 người thì một người thừa nhận là thủ phạm. Nghiên cứu còn cho thấy những "nạn nhân online" có nguy cơ tự tử và tự làm hại bản thân cao hơn gấp hai lần người bình thường. Trên một quy mô lớn hơn, theo kết quả khảo sát của Microsoft, 38% số người được hỏi ở 32 quốc gia cho biết họ đã từng liên quan đến một vụ bắt nạt trên mạng, cả với tư cách là nạn nhân, là người có hành vi bắt nạt hoặc người chứng kiến.

Và chính Trisha Prabhu cũng từng là một nạn nhân. "Gia đình tôi là một trong số ít những gia đình da mầu sống trong khu phố. Cha mẹ tôi là người nhập cư từ Ấn Độ. Tôi ăn thức ăn khác, mặc quần áo khác, tóc dày hơn và xoăn hơn, vì vậy tôi biết thế nào là cảm giác lạc lõng", cô hồi tưởng. Những tổn thương đó, éo le thay, lại thường bị người lớn xem nhẹ như "một điều mà ai cũng phải trải qua". Bởi vậy, ngay khi đọc được tin tức về vụ việc trên, Trisha-khi ấy cũng chỉ nhiều hơn Rebecca vỏn vẹn một tuổi-cảm thấy "điều tồi tệ đó đang xảy ra hằng ngày và bản thân không thể đứng ngoài thêm nữa".

Nghĩ lại! -0
Trisha Prabhu 

Bàn phím nhắc nhở

"Người lớn khuyến khích nạn nhân báo cáo các hành vi bắt nạt qua mạng và đưa ra các giải pháp. Tuy nhiên, là một người trẻ thuộc thế hệ Z với thói quen dành rất nhiều thời gian trên điện thoại và cũng từng bị bắt nạt, tôi biết rằng cách làm này không hiệu quả", Trisha trăn trở. Vì vậy, cô gái trẻ đã đưa ra một giải pháp hoàn toàn khác. Thay vì đặt gánh nặng lên vai những nạn nhân bị bắt nạt, Prabhu nghĩ đến cách thức nuôi dưỡng một thế hệ những người sử dụng kỹ thuật số theo cách có trách nhiệm, từ đó cố gắng ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này từ gốc rễ.

Nhân một dự án triển lãm khoa học vào năm lớp 8, Trisha thực hiện một nghiên cứu trên 1.500 người. Nhiều người lúc ấy mới hé lộ: Họ không nhận ra mức ảnh hưởng trong lời nói của bản thân, hoặc đơn giản chỉ muốn tạo ấn tượng trên mạng xã hội, và nếu có ai đó nhắc nhở thì chắc chắn họ sẽ dừng lại. Ngay lúc ấy, ý tưởng về ReThink lóe lên.

Cách ReThink hoạt động khá thú vị. Khi người dùng tải phần mềm về điện thoại, ứng dụng sẽ thay thế bàn phím mặc định bằng bàn phím được tùy chỉnh, hoạt động trên tất cả các nền tảng như gửi email, tin nhắn, mạng xã hội. ReThink có khả năng phát hiện ra các nội dung nhạy cảm trước khi chúng được gửi đi, sau đó sẽ hiện lên lời nhắc: "Nào! Bạn có chắc chắn muốn nói điều đó không?" hoặc "Hãy nhớ rằng, những gì bạn viết chính là bạn!", và cung cấp cho bạn tùy chọn tiếp tục với văn bản hoặc xóa nó.

Hiệu quả của ứng dụng đã được chứng minh qua nghiên cứu của Google và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Có tới 93% số người dùng đã thay đổi suy nghĩ của họ khi được nhắc nhở. Đến nay, ReThink là nền tảng kỹ thuật số hoàn toàn miễn phí, với công nghệ đã được đăng ký bản quyền, tích hợp sáu ngôn ngữ và có hơn 500.000 lượt tải trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play. Hơn 1.500 trường học cũng đã tiếp cận nền tảng này để phổ biến cho học sinh.

Nhưng để đạt được thành công đó, cô gái nhỏ đã phải nỗ lực rất nhiều. Trisha tìm đến sự hỗ trợ của tất cả mọi người, bao gồm giáo viên, các nhà khởi nghiệp trẻ, bạn bè và gia đình… sau đó vận dụng tất cả kinh nghiệm lập trình mà mình từng học được để từng bước thành lập công ty. "Có lần, tôi tiếp xúc với đối tác rất quan trọng, và họ thật sự quan tâm. Nhưng ngay khi tôi bước vào phòng, biểu cảm của họ như thể: Khoan đã, đây là một cô bé tuổi teen! Với 0% kinh nghiệm về công nghệ!" - nữ giám đốc điều hành vui vẻ kể lại chặng đường khởi nghiệp. Để xóa bỏ và đập tan những định kiến đó, Trisha phải làm việc chăm chỉ gấp đôi, bảo đảm hoàn thành công việc ít sai sót nhất có thể.

Chắc chắn với hàng loạt giải thưởng mà ReThink nhận được đến lúc này, những nhà đầu tư đã giật nảy mình và từ chối đó đã phải cảm thấy tiếc nuối.

Dẫn đầu một thế hệ mới

"Tôi cảm thấy hơi giống Hannah Montana (một nhân vật phim truyền hình nổi tiếng ở Mỹ), tôi như đang sống hai cuộc đời khác nhau. Tuy hơi bận rộn, nhưng cực kỳ hào hứng!", cô gái nhỏ giờ đã trở thành doanh nhân xã hội 21 tuổi, đồng thời là sinh viên Trường đại học Harvard phấn khích nói.

ReThink không phải là dự án duy nhất mà Trisha tham gia. Năm 2017, cô được bầu làm Ủy viên phụ trách Thanh niên-nữ thủ lĩnh thanh niên đầu tiên của chính quyền bang Illinois sau 28 năm. Kể từ đó, Trisha tập trung vào các hoạt động trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng doanh nhân. Cô khuyến khích phụ nữ trẻ tham gia các lĩnh vực công nghệ bằng các chương trình giảng dạy cách viết mã, lập trình miễn phí, đồng thời thúc đẩy các dự án truyền cảm hứng, xóa bỏ khoảng cách, hỗ trợ tạo ra một thế hệ nhà lãnh đạo trẻ quyết liệt, không sợ hãi và đầy sáng tạo,…

Trisha cũng đang viết một cuốn sách dành cho học sinh từ chín đến 12 tuổi, tập trung vào nội dung hướng dẫn cách trở thành một "công dân kỹ thuật số" mẫu mực trên internet và bảo vệ quyền riêng tư. Cuốn sách sẽ được Công ty Penguin Random House xuất bản vào năm 2022.

Và chặng đường của cô mới chỉ bắt đầu!