Văn hóa và phát triển

Tìm chỗ đứng cho âm nhạc hàn lâm

"Hộ chiếu" âm nhạc của một quốc gia chưa bao giờ thuộc về các ca khúc, dù có được xếp ở hàng "tốp", hàng "hít", mà phải thuộc về âm nhạc hàn lâm hay còn gọi là âm nhạc bác học, thứ "ngôn ngữ không cần phiên dịch" - cầu nối âm thanh có khả năng gắn kết xuyên biên giới... Vậy nhưng, lâu nay ở nước ta, loại hình âm nhạc cần được xem trọng này vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng.

Các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam biểu diễn trong liên hoan Âm nhạc Á - Âu lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (tháng 10-2014). Ảnh: QUANG TRUNG
Các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam biểu diễn trong liên hoan Âm nhạc Á - Âu lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (tháng 10-2014). Ảnh: QUANG TRUNG

Nhạc hàn lâm lâm thế... cơ hàn

Trong mặt bằng hiện nay, không khó để nhận ra sự "lép vế" của âm nhạc hàn lâm, khi mà vị trí thống lĩnh đang thuộc về các tác phẩm âm nhạc đại chúng. Các ca khúc nhạc trẻ đang "làm mưa làm gió" trên các bảng xếp hạng và phương tiện truyền thông. Trong khi những ngôi sao thanh nhạc nhiều như "nấm mọc sau mưa", thì những tài năng khí nhạc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nếu những liveshow âm nhạc giải trí thường xuyên cháy vé, thì những buổi hòa nhạc thính phòng của cả một dàn nhạc hoành tráng thi thoảng mới được tổ chức vẫn thưa vắng khán giả, thậm chí trống chỗ ngay cả ở những hàng ghế khách mời.

Cụm từ "chảy máu chất xám" được nhắc nhiều lần trong những năm gần đây khi nói tới âm nhạc hàn lâm, bởi nhiều tài năng âm nhạc trong nước lần lượt chuyển sang sinh sống và làm việc tại nước ngoài; nhiều nghệ sĩ tài năng của Việt Nam được đào tạo bài bản tại nước bạn cũng không có ý định trở về nước lập nghiệp. Không khó để kể ra những cái tên từng là niềm hy vọng của nền âm nhạc bác học Việt Nam, nhưng rồi lại chọn con đường xuất ngoại, như: anh em nghệ sĩ Dương Văn Thắng, Dương Minh Chính; nghệ sĩ Ðỗ Phượng Như, Nguyễn Công Thắng, Bùi Tuấn Dương, Nguyễn Bích Trà... Không phải vì họ thiếu tinh thần dân tộc hay tình yêu quê hương mà bởi cho đến giờ phút này, ở trong nước vẫn chưa có nhiều "đất diễn" để các nghệ sĩ thể hiện và cống hiến tài năng.

Con đường để trở thành nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm là một hành trình dài đầy gian khó, không chỉ cần năng khiếu, tâm huyết mà còn cần cả sự khổ luyện. Thế nhưng, khi thành tài, họ lại ít được biểu diễn; mức lương và thù lao cho mỗi buổi tập, buổi diễn quá ít ỏi so với các nghệ sĩ dòng nhạc giải trí. Trong khi ở những nước phát triển, những tài năng như họ có thể thu nhập hàng nghìn USD mỗi tháng từ các buổi diễn và công trình nghiên cứu. Trước thực trạng đó, một số nghệ sĩ trụ lại với âm nhạc trong nước phải chuyển từ viết khí nhạc sang những thể loại nhẹ nhàng hơn như ca khúc, nhạc phim, nhạc sân khấu, phối khí bài hát... để có thêm thu nhập. Nhân lực vốn đã ít, lại gặp phải sự khập khiễng trong điều kiện hoạt động, thế nên nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam càng trở nên trầm lắng. Nếu âm nhạc hàn lâm cứ kiên trì "giậm chân tại chỗ" thì nền âm nhạc Việt Nam vốn đã thiếu chuyên nghiệp sẽ càng trở nên nghiệp dư, dẫn đến lệch lạc trong cảm thụ âm nhạc của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Thời gian qua, sự quan tâm quá đà của truyền thông mạng dành cho một hiện tượng phi nghệ thuật trong âm nhạc như "ca sĩ Lệ Rơi" chính là minh chứng cho sự hình thành những giá trị "ảo", sự xói mòn về thẩm mĩ âm nhạc của không ít người trẻ.

Thay "áo mới" cho âm nhạc hàn lâm

Thực trạng trên có nguyên nhân không nhỏ, xuất phát từ khách quan lịch sử. So với hơn 300 năm hình thành của nhạc giao hưởng thính phòng thế giới, âm nhạc hàn lâm Việt Nam có tuổi đời chưa bằng 1/5, và so với nền âm nhạc Việt Nam mới thì khí nhạc mới chưa đầy 30 năm tuổi. Thế nên, để thay đổi thói quen chuộng thanh nhạc hơn khí nhạc đã hình thành trong quá khứ và đuổi kịp tốc độ phát triển của thế giới, âm nhạc hàn lâm Việt Nam cần được thay "áo mới". Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ, nếu thanh nhạc là những con phố nhỏ, là đường nhánh, đường làng..., thì khí nhạc chính là hệ thống đại lộ và đường cao tốc; nếu chỉ quan tâm xây dựng những con phố nhỏ, đường nhánh, đường làng mà bỏ quên các đại lộ và đường cao tốc thì nền âm nhạc không thể phát triển trong một thế giới văn minh. Bởi thế, đưa ra giải pháp, tìm lại vị trí xứng đáng cho dòng nhạc hàn lâm là việc cần thực hiện ngay, để âm nhạc Việt Nam có thể hòa mình cùng dòng chảy âm nhạc thế giới.

Có ý kiến cho rằng, cách định danh âm nhạc "hàn lâm" hay "bác học" đã khiến dòng nhạc này xa rời với công chúng, bởi trình độ dân trí nước ta chưa cao, trình độ thưởng thức văn hóa chưa đồng đều. Cần phải hiểu rằng, cụm từ "bác học" hay "hàn lâm" là để hướng tới đối tượng sáng tác, biểu diễn âm nhạc chứ không phải đối tượng hưởng thụ âm nhạc. Âm nhạc vốn là món ăn tinh thần, "hữu xạ tự nhiên hương", hễ hay thì tức khắc sẽ có nhiều người muốn được thưởng thức. Bởi thế, rào cản khiến âm nhạc hàn lâm chưa được đông đảo công chúng đón nhận có lẽ không nằm ở tên gọi, mà có chăng ở chỗ âm nhạc hàn lâm vẫn đang lúng túng trong việc đi tìm khán giả. Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam cho biết, âm nhạc hàn lâm Việt Nam đã tự bó buộc sự phát triển của mình khi hình thành xu hướng "công chức hóa" những nghệ sĩ biểu diễn. Các nghệ sĩ của âm nhạc hàn lâm hoạt động trong các nhà hát, hưởng lương và trợ cấp hằng tháng theo kiểu cào bằng; tác phẩm dàn dựng xong phần lớn chỉ để tham dự liên hoan, lấy huy chương nên không kích thích được sức làm việc và sáng tạo. Vì vậy, âm nhạc hàn lâm cần đổi mới mình bằng việc xã hội hóa, cọ xát với công chúng, sáng tác những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu của công chúng chứ không thể ở mãi trong tháp ngà nghệ thuật.

Tìm chỗ đứng cho âm nhạc hàn lâm ảnh 1

Biểu diễn nhạc giao hưởng trên đường phố Hà Nội. Ảnh: NGỌC HÀ

Ðưa âm nhạc "hàn lâm" ra khỏi nhà hát

Thời gian qua, có nhiều nhà hát, đơn vị đã không còn ngồi chờ khán giả mà chủ động đưa âm nhạc bác học đến với công chúng. Có thể kể đến "Luala Concert", dự án cộng đồng thu được nhiều thành công khi mang những bản ô-pê-ra, nhạc giao hưởng thính phòng xuống đường phố, được số đông khán giả đón nhận như một hiện tượng. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Nhạc Vũ Kịch thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được nhiều đổi mới khi đưa âm nhạc hàn lâm vào những vở nhạc kịch, vũ kịch, đồng thời đưa dàn nhạc đi biểu diễn ở các trường đại học. Các ban nhạc, nhóm nhạc như Nhóm thính phòng Sông Hồng cũng nhiều lần biểu diễn ở các địa phương để công chúng vốn còn xa lạ với âm nhạc hàn lâm có điều kiện thưởng thức. Ðưa nhạc hàn lâm ra khỏi các nhà hát và đổi mới phương thức chơi nhạc, nhằm thu hút công chúng, là phương thức được nhiều nước có nền âm nhạc bác học phát triển như Anh, Pháp, I-ta-li-a... đang áp dụng. Nhạc hàn lâm không thể đi vào đời sống nếu tiếp tục tự đóng trong khung sơn son thếp vàng. Do đó, những nỗ lực thời gian qua của nhiều nghệ sĩ trong việc đi tìm khán giả là hướng đi tích cực cho âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhìn nhận, ở nước ta đang thiếu sự đầu tư cho những thể loại âm nhạc kinh điển, bác học từ khâu sáng tác, biểu diễn đến quảng bá, tuyên truyền và lưu trữ. Các nhà hát và trung tâm đào tạo âm nhạc hầu như chỉ biểu diễn các tác phẩm của tác giả nước ngoài. Kinh phí đầu tư ít ỏi, nhiều tác phẩm viết xong không có tiền để dàn dựng, biểu diễn; cái vòng luẩn quẩn ấy diễn ra suốt những thập niên qua. Ðể thay đổi điều này, nhất thiết cần đến sự quan tâm của Nhà nước trong việc đề ra một chiến lược đầu tư chiều sâu, đồng bộ và lâu dài từ sáng tác đến dàn dựng, biểu diễn.

Giáo sư An-đờ-rê-a Tô-bơ, Trưởng Ban giáo dục của Dàn nhạc giao hưởng Béc-lin (Ðức) chia sẻ kinh nghiệm: Mặc dù nước Ðức được coi là cái nôi của âm nhạc kinh điển thế giới, nhưng thực tế, để thu hút thường xuyên một lượng công chúng đông đảo đến các buổi hòa nhạc là một thách thức vô cùng lớn. Dàn nhạc phải tạo nên những không gian mở, mang tính tương tác cao chứ không thể chỉ biểu diễn ở những khán phòng. Dàn nhạc giao hưởng Béc-lin luôn có những dự án lồng ghép với các hoạt động nghệ thuật dành cho các đối tượng ở mọi lứa tuổi, chia theo các nhóm: gia đình, tài năng trẻ, nhà trẻ, trường học..., đồng thời đưa ra một chương trình giáo dục trải qua các bước: khơi dậy tố chất âm nhạc, sự rung động và khả năng chơi nhạc cụ, từ đó gắn âm nhạc với đời sống.

Ấy là một trong nhiều cách thức hữu hiệu nhằm gia tăng sự hiểu biết, tình cảm của công chúng đối với âm nhạc hàn lâm, biến công chúng từ người ngoài cuộc thành người trong cuộc, mà âm nhạc hàn lâm Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng.