Sự kết hợp độc đáo giữa xiếc và cải lương

Nối tiếp thành công từ tác phẩm “Cây gậy thần”, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa hoàn thành dàn dựng vở diễn “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, tác phẩm thứ hai trong dự án “Huyền sử Việt”. Vở diễn đã mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho người xem khi thể hiện sự sánh đôi đầy táo bạo, nhưng cũng rất ngọt ngào giữa cải lương và xiếc. 

Cảnh trong vở xiếc cải lương Thượng Thiên Thánh Mẫu.
Cảnh trong vở xiếc cải lương Thượng Thiên Thánh Mẫu.

"Thượng Thiên Thánh Mẫu" tiếp tục được bộ đôi đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng bắt tay dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Lê Thế Song và Xuân Hồng, xoay quanh những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh-vị đệ nhất Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Đảm nhận vai trò cố vấn tâm linh cho vở diễn là Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ và Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu. Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh thuộc “Tứ bất tử”. Vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng thượng đế, bà đã nhiều lần giáng trần để cứu nhân độ thế, truyền dạy dân chúng nghề truyền thống cùng những khúc Văn ca. Bà được các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê tới nhà Nguyễn sắc phong là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Chế Thắng Hòa Diệu đại vương”. Dân gian lưu truyền, cuối đời, bà quy y cửa Phật rồi thành đạo, hiển linh làm Mã Vàng Bồ Tát... Những tích truyện dân gian về Mẫu Liễu Hạnh vô cùng phong phú, nhưng cũng khá quen thuộc. Vì thế, làm thế nào để vừa chuyển tải vừa tạo nên sức hút cho câu chuyện đã không còn mới là thách thức lớn với ê-kíp sáng tạo. Góp phần giải quyết thách thức này, giữa rất nhiều lần Thánh Mẫu giáng trần, cặp tác giả Lê Thế Song-Xuân Hồng đã quyết định lựa chọn ba lần điển hình nhất để làm nổi bật công đức to lớn của Mẫu Liễu Hạnh. Ấy là khi bà đầu thai làm con gái gia đình nhà họ Lê với tên gọi Giáng Tiên, khi giáng thế làm cô chủ quán Liễu Nương ở Đèo Ngang, giáng xuống Tây Hồ Phong Nguyệt giúp dân trừng trị kẻ ác. Đây cũng là những lớp cảnh mang đến nhiều đất diễn để phô diễn các thủ pháp nghệ thuật của cả nghệ thuật cải lương và xiếc.

Theo dõi “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, người xem được thưởng thức những lớp diễn ngập tràn cảm xúc được tạo nên bởi sự kết hợp tinh tế giữa hai ngôn ngữ nghệ thuật tưởng chừng đối lập. Ở đó, chất trữ tình, tự sự, sâu lắng của cải lương đã quyện hòa nhịp nhàng cùng sự hiện đại, trẻ trung, năng động của xiếc. Thủ pháp xử lý khéo léo của hai đạo diễn qua những lớp cảnh như: Thái Bà sinh hạ Thánh Mẫu; Giáng Tiên chia biệt Đào Lang về thiên giới; tái hiện Hội quần tiên lý giải nguyên nhân Thánh Mẫu giáng trần; Thánh Mẫu quyết chiến với Tiền Quân Thánh bảo vệ chúng dân… đã làm nên không gian sân khấu vừa hiện thực, vừa huyền thoại, mang tính giải trí cao mà vẫn đầy tính triết lý, nhân văn. Như Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên chia sẻ, vở diễn là sự cộng hưởng của hai ngôn ngữ nghệ thuật đã giúp vẻ đẹp của từng loại hình nghệ thuật được tôn lên. Nếu chỉ đơn thuần là cải lương, những màn hạ thế, thăng thiên của Thánh Mẫu sẽ phải dùng phương pháp ước lệ, tượng trưng, nhưng nhờ xiếc, những cảnh diễn đó đã được tái hiện đầy hấp dẫn, sống động và thuyết phục. Ở chiều ngược lại, mạch tiết tấu của cải lương cũng trở thành cái cớ đầy thuyết phục để những trò diễn như nhào lộn, thăng bằng, tung hứng, đu bay… của xiếc được phô diễn một cách hợp lý và có chiều sâu. Cùng với đó, không gian, thời gian đã được kéo đẩy khéo léo thông qua sự xuất hiện của nhân vật dẫn chuyện là các bạn trẻ đi xuyên không về quá khứ để chứng kiến những lần tái sinh, luân hồi chuyển kiếp của Mẫu Liễu Hạnh. Mạch diễn vì thế càng trở nên duyên dáng, tự nhiên.

Điểm thú vị là các nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở diễn không chỉ thể hiện những cảnh diễn thuộc sở trường nghệ thuật của mình mà còn dám thử sức ở loại hình khác. Người xem đặc biệt thích thú khi thấy nghệ sĩ Minh Lý, Quang Khải vốn là những đào, kép chính quen mặt của Nhà hát Cải lương Việt Nam nay vừa đu bay trên không vừa thể hiện những điệu lý, ca vọng cổ, thậm chí còn thực hiện được cả những màn ảo thuật tài tình như nâng người trên không; các nghệ sĩ xiếc cũng tham gia vào các lớp thoại và diễn của cải lương vô cùng chuyên nghiệp. Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng nhìn nhận: Chưa có tác phẩm nào mà ê-kíp sáng tạo phải dàn dựng kỳ công, vất vả như “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Vở diễn được tập luyện từ tháng 4/2021 nhưng đến tháng 1/2022 mới có thể ra mắt. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 khiến các nghệ sĩ hai đơn vị nghệ thuật phải cách ly nhiều đợt, cuộc sống khó khăn khiến một vài nghệ sĩ của Liên đoàn buộc phải bỏ nghề… Nhưng vượt lên tất cả thách thức, các nghệ sĩ hai đơn vị đã cố gắng nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật để hoàn thành vở diễn. Đây có thể xem là thành quả từ nỗ lực luyện tập trong cả một quá trình của các diễn viên; cũng là minh chứng cho thấy nhiệt huyết, tình yêu nghề nghiệp và tinh thần dấn thân của họ. Với sự kết hợp này, ê-kíp sáng tạo muốn khẳng định sân khấu hoàn toàn có khả năng chinh phục được nhiều đối tượng công chúng, thay đổi quan điểm lâu nay rằng xiếc chỉ dành cho trẻ con hay cải lương chỉ dành cho người lớn tuổi...

Bên cạnh việc mang đến những cảm nhận đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và sự khởi tạo nên đạo Mẫu Việt Nam, vở diễn còn tái hiện vẻ đẹp tích cực của văn hóa hầu đồng. Những giá đồng được đưa lên sân khấu với sự tham gia của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu và phần thể hiện Văn ca Thánh Mẫu đầy ngọt ngào của Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long. Góp phần làm nên vẻ đẹp lung linh cho vở diễn còn cần nói tới sự chăm chút cho trang phục của Nghệ sĩ Ưu tú Minh Hùng, âm nhạc (Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Anh Tú), thiết kế mỹ thuật (Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Bằng) và biên đạo múa (Nghệ sĩ Nhân dân Kim Chung). Đặc biệt, việc sử dụng màn hình led lớn để tạo sự chuyển cảnh linh hoạt kết hợp khói lạnh đã phát huy hiệu quả cao trong việc mang đến những hiệu ứng thị giác đẹp, bắt mắt ■