Sôi nổi “Giai điệu tự hào” số 9 năm 2015

NDO -

NDĐT – Với chủ đề “Thời thanh niên sôi nổi”, lấy từ tên ca khúc của nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova, lời thơ L.Oshanin, chương trình “Giai điệu tự hào” số tháng 9 bao gồm bảy bài hát được coi là tài sản âm nhạc của nước Nga.

Hợp xướng Ngày mới trình diễn “Cây thùy dương” trong tiếng đàn balalaika.
Hợp xướng Ngày mới trình diễn “Cây thùy dương” trong tiếng đàn balalaika.

Đó là các bài hát: “Chiều hải cảng”, “Đôi bờ”, “Chim họa mi đừng hót”, “Cây thùy dương”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Giờ này anh về đâu”, “Chiều ngoại ô Mátxcơva”.

Với những ai từng yêu mến nền văn hóa Xô-viết, đặc biệt là các thế hệ người Việt Nam từng học tập và công tác tại Liên Xô, bảy ca khúc trên vô cùng quen thuộc, nhiều người Việt vẫn thường hát vang trên đường ra trận, vỗ tay hòa nhịp khi vui vẻ, ngân nga suy ngẫm khi gặp trắc trở trên đường đời. Các bài hát trên đều mang nét chung của ca khúc Nga, mỗi bài chỉ dài vỏn vẹn hai đến ba phút nhưng chỉnh chu về giai điệu lẫn ca từ. Bởi các tác giả Nga đều là những tên tuổi lớn, xuất thân từ cái nôi âm nhạc chuyên nghiệp vào bậc nhất châu Âu. Vì vậy, theo Giám đốc âm nhạc Thanh Phương, việc làm mới các ca khúc này là dư thừa, “bởi chỉ cần những giai điệu ấy cất lên thì cả một bầu trời kỷ niệm ùa về”. Cho nên, “Giai điệu tự hào” lần này không tập trung làm mới, phá cách các ca khúc mà hầu như giữ nguyên màu sắc truyền thống, cốt cách, linh hồn của những giai điệu quen thuộc trong cách phối khí và thể hiện. Yếu tố gợi nhớ ký ức một thời mới chính là điểm đặc sắc nhất mà ê-kíp sáng tạo muốn hướng tới trong số phát sóng lần này.

Ba cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam: NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ và NSND Trung Kiên sẽ hóa thân thành ba người lính hải quân Nga, ngồi bên bến cảng, nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng khi thể hiện ca khúc “Chiều hải cảng” - một trong những bài hát trữ tình được người Việt Nam yêu thích nhất trong những năm chiến tranh vệ quốc.

Sôi nổi “Giai điệu tự hào” số 9 năm 2015 ảnh 1

NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ và NSND Trung Kiên hóa thân thành ba người lính hải quân Nga, thể hiện ca khúc “Chiều hải cảng”.

Hai cha con nghệ sĩ Quang Thọ - Quang Tú phối hợp thể hiện ca khúc “Giờ này anh về đâu”, sáng tác năm 1947, nói về số phận những người lính sau chiến tranh, dù hòa bình đã được lập lại nhưng người lính sống thế nào khi quê hương anh đã bị tàn phá, vợ con, gia đình anh đã chết hết. Đạo diễn thiết kế sân khấu Đinh Công Đạt và biên đạo múa Tấn Lộc đã mang lên sân khấu những hình ảnh thân thuộc ở mọi làng quê như: đống rơm khô, ngôi nhà vách gỗ cùng hơn 20 người lính Nga trong phần biểu diễn này.

Sôi nổi “Giai điệu tự hào” số 9 năm 2015 ảnh 2

Hai cha con nghệ sĩ Quang Thọ - Quang Tú phối hợp thể hiện ca khúc “Giờ này anh về đâu”, cùng hơn 20 người lính Nga.

Mười máy tạo tuyết cũng được mang tới sân khấu để tái hiện trời đông nước Nga, khiến phần biểu diễn ca khúc chủ đề “Thời thanh niên sôi nổi” đẹp đến sững sờ. Ca sĩ trẻ Hải Yến hát “Đôi bờ” theo phong cách jazz, hai ca sĩ Phúc Tiệp và Phương Uyên song ca bài “Chiều ngoại ô Mátxcơva”, hợp xướng Ngày mới trình diễn “Cây thùy dương” trong tiếng đàn balalaika với dàn múa phụ họa là các cô gái Nga lộng lẫy trong trang phục truyền thống, góp phần tô đậm khúc tự tình âm nhạc về nước Nga, tâm hồn Nga vĩ đại.

Chương trình phát sóng vào lúc 20 giờ 5 phút ngày 25-9, trên kênh Truyền hình VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.