Văn hóa và Phát triển

Người Thanh Chương "vượt đất"

Đến Thanh Chương nhiều lần mà vẫn lạ. Lạ vì bên ngoài, mỗi xóm thôn, góc núi cứ vùn vụt bay lên hòa vào thế giới giàu có, hiện đại mà cái hồn hậu của con người thì lại lắng kết để không thể bị phá vỡ trước những biến thiên. Nơi ấy, mỗi tên núi, tên sông, mỗi dòng họ đều là một ký hiệu, một biểu tượng của lịch sử, của văn hóa.

Thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương) hôm nay.
Thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương) hôm nay.

Trang sách, cánh buồm

Tôi muốn nhắc lại chuyện cá gỗ của người Nghệ xưa. Nghèo quá, trẩy kinh ứng thí mà chỉ có con cá gỗ. Cá gỗ để xin nước mắm nhà hàng cho đỡ xấu hổ; nhưng có lẽ sâu xa hơn, con cá gỗ như một lời nhắc nhở suốt dọc đường rằng, nếu có đỗ đạt, có được làm quan thì mới được đổi đời, mới có cơm cá mà ăn. Và việc học không chỉ nhằm thay đổi số phận cá nhân mà còn thể hiện chí giúp đời, giúp nước; khẳng định sự tồn tại hữu ích, mong muốn trường tồn. Nguyễn Công Trứ nói: Đã mang tiếng đứng trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông; Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ Không công danh thà nát với cỏ cây.

Thanh Chương (Nghệ An), từ đầu huyện đến cuối huyện, đâu cũng có thần tích, dòng họ nào cũng có những anh hùng, danh nhân văn hóa lớn của đất nước. Đinh Bộ Lĩnh đã từng sống những năm tuổi thơ và hun đúc chí khí anh hùng ở Cát Ngạn - Thanh Chương, khi người cha là Đinh Công Trứ làm Thứ sử Hoan Châu. Đinh Bộ Cương, người Thanh Liên, được Vua Lê Thánh Tông trực tiếp tuyển dụng, thăng tới Thượng thư Bộ Hình; được tôn làm người đứng đầu ở bia Văn chỉ Thanh Chương. Họ Nguyễn Cảnh ở Ngọc Sơn có Nguyễn Cảnh Chân (1355 - 1409) là dũng tướng thời Hậu Trần, đã cùng Đặng Tất đánh tan 10 vạn quân Minh của Mộc Thạnh ở Bô Cô (Nam Định). Họ Tôn Võ Liệt có cụ Lỗ Xuyên Tôn Đức Tiến (1794-1877), một cử nhân thôi mà với học vấn sâu rộng, làm nghề giáo học nức tiếng cả nước; học trò hiển đạt tính đến hàng trăm. Con cháu họ Tôn đời nào cũng có những người hiển đạt, có công với đất nước như Tôn Quang Phiệt, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Ngân... Họ Nguyễn Sĩ ở xã Thanh Lương có Nguyễn Sĩ Ấn đỗ Phó bảng năm 1844, Nguyễn Sĩ Sách, nhà cách mạng tiền bối. Cũng tại xã Thanh Lương, có dòng họ Nguyễn Duy (có Giáo sư Nguyễn Duy Quý) là hậu duệ của Nguyễn Anh Vũ, người con sót lại của Nguyễn Trãi sau họa tru di. Ở Lương Điền (xã Thanh Xuân) có dòng họ Đặng với Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, một bậc chí sĩ tích cực chống Pháp, cổ xúy duy tân đất nước và Phong trào Đông du. Đặng Nguyên Cẩn được ví với nhà cải cách Nhật Bản Phư-cư-da-oa I-u-ki-chi. Cụ Huỳnh Thúc Kháng coi cụ Cẩn là người bụng như kho sách, khí áp nghìn quân; cái ngòi bút cổ kính không ai sánh. Đặng Thúc Hứa, Đặng Quỳnh Anh... là người mở Trại Cày ở Thái-lan, một căn cứ địa của Phong trào Đông du và cách mạng vô sản. Ở Thanh Văn có dòng họ Nguyễn Tài của Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Tài Đại... Họ Phan, họ Nguyễn, họ Bùi, họ Chu, họ Lê, họ Phạm..., họ nào cũng có đại khoa. Xã Ngọc Sơn vào thời Lê có hai cha con cùng đỗ Tiến sĩ là Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh. Ở đây có Bến Ba Nghè, vì ở sát cùng một bến nước có ba ông Nghè, ngoài hai cha con ông Thời còn Nguyễn Lâm Thái (1685 - 1743), đậu Tiến sĩ năm 1739. Khoa thi Giáp Thìn năm 1664 có hai ông Nguyễn Sĩ Giáo (xã Thanh Mai) và Nguyễn Tiến Tài (xã Thanh Giang) sát vườn nhau, là cháu cô, cháu cậu cùng đỗ Tiến sĩ, đều là chuyện hiếm có.

Nhắc đến các sĩ phu Thanh Chương xưa, không thể không nhắc đến một con người đặc biệt, có công lao đặc biệt: Đỗ Bá Công Đạo (Đậu Công Luận) ở xã Thanh Mai sống vào thời Lê - Trịnh. Ông là người không thích làm quan, đi nhiều, biết rộng, từng theo thuyền buôn ra biển, là tác giả của tập bản đồ nước ta Tứ lộ chi đồ, trong đó có bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa.

Trang sách đối với người Thanh Chương như một cánh buồm lớn chở các dòng họ đến với vinh quang và sự giàu có. Năm 2014, thu nhập trên địa bàn huyện Thanh Chương đạt 85 tỷ đồng; trong khi đó, con cháu gửi về các gia đình qua ngân hàng hơn 2.000 tỷ đồng, ấy là chưa kể tiền của được mang về trực tiếp.

Một thầy giáo đưa tôi đến xã Thanh Phong để "thăm một gia đình bình thường, có truyền thống hiếu học". Đó là gia đình bác Nguyễn Cảnh Quý, giáo viên tiểu học. Bác có 10 người con, sáu trai, bốn gái thì chỉ có người con gái thứ năm học trung cấp, làm giáo viên mầm non; chín người con khác đều là thầy thuốc, thầy giáo, có học hàm học vị cao. Tám người cháu bác Quý đều đỗ đại học trong và ngoài nước. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phong, Nguyễn Văn Ngọc cho biết, xã hiện có 8.650 khẩu, thu nhập bình quân đầu người là 22 triệu đồng. Giáo dục ở Thanh Phong chưa được tốt như xã Thanh Lĩnh và một số xã khác nhưng năm 2014 cũng có 63 em đỗ đại học, một phần nhờ khuyến học, mà gia đình bác Quý là một tấm gương và có nhiều đóng góp tích cực.

Vượt đất

Dù người Thanh Chương đi xa có giỏi giang mấy, có đóng góp cho quê hương nhiều đến mấy thì vẫn chưa phải là điều căn bản. Căn bản để nuôi nết đất, để làm giàu, làm nên một diện mạo Thanh Chương trong thời đại mới phải là những người ở quê, đứng lên trên chính mảnh đất này.

Hai mươi năm trước, Thanh Chương vẫn là huyện nghèo, vẫn bị coi là đất bảo thủ, về địa lý chưa khỏi thế tứ tắc. Huyện có ba mươi sáu bến đò ngang, nghe tiếng Thanh Chương là nghe tiếng gọi đò, có thân thiết nhưng cũng nhiều khắc khoải, lỡ làng. Tôi đi xe đạp không đến xóm, nghe câu ca vọng ra từ đói nghèo muôn kiếp: "Cây đa ba nhánh chín chồi/ Ai về Tiên Hội cạp cồi lồ ngô". Về xã Thanh Xuân, quê hương của Đặng Thai Mai, hỏi về lúa má, một nông dân bảo: "Ở đâu không biết, ở đây khẩu một lô". "Khẩu một lô", bỏ chữ "một" đi, còn "khẩu lô" tức còn khổ lâu...

Bây giờ thì những cây cầu thênh thang đã thay thế những con đò. Đường Hồ Chí Minh đã đưa các xã vùng sâu trở thành vùng kinh tế tiềm năng. Thu nhập bình quân đầu người khiêm tốn ở mức 24 triệu đồng/người/năm nhưng so với năm 2010 đã tăng hơn hai lần. Quan trọng là tốc độ tăng trưởng ấy và tư tưởng bứt phá: Thanh Chương là huyện đi đầu trong toàn tỉnh Nghệ An về chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong 5 năm qua, có thêm 161 trang trại, gần 1.000 máy nông nghiệp, từ chỗ "ba không một chống" (không xe, không quần dài, không giày dép và chống gậy) Thanh Chương trở thành huyện đứng hàng đầu cả nước về số km đường nhựa, đường bê-tông. Học sinh thủ khoa, đỗ đại học đứng ở tốp đầu. Tư tưởng bảo thủ, ỷ lại được gọi tên và bị chống lại mạnh mẽ trong đầu óc của cán bộ, đảng viên. Tất cả những điều đó có thể tin rằng, chỉ tiêu tăng trưởng 10% cho 5 năm tới của huyện Thanh Chương là hiện thực, thu nhập đầu người đạt 60 triệu đồng là một thách thức nhưng không phải không thể làm được.

Gia trại tại huyện Thanh Chương nhiều không kể hết. Trang trại cũng hàng trăm. Tôi được mời thăm một trang trại ở xã Thanh Đức, nơi là đồn điền Ký Viễn xưa. Cứ tưởng chủ trang trại là một lão nông tri điền, hay một "đại gia" từ thành phố, hóa ra là một cô gái trẻ, lại là cán bộ huyện, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga. Trang trại của chị có 60 ha. Chỉ tính riêng một ha cam thu được 500 triệu đồng/năm, cây keo không phải chăm sóc, đầu tư gì nhiều cũng thu về 500 triệu đồng/lứa. Chưa kể các nguồn thu khác. Chị Nga là đại biểu HĐND tỉnh, có tiếng "mạnh mồm". Thì có gì phải sợ? Không mong lên bằng luồn cúi; không mong kiếm tiền từ cái ghế. Chỉ cố gắng làm việc. Bên cạnh niềm vui cống hiến là được gần gũi cây cối, trông thấy thu nhập đều đặn từ trang trại và sự trưởng thành của con cái.

Bác Lê Tài Chất, một cựu chiến binh, làm trang trại sớm hơn, từ năm 1982, rộng hơn, 80 ha trên 28 quả đồi. Khách đến nhà, thết tiệc to mà không phải suy nghĩ về tiền bạc. Giàu có một cách chính đáng, trông bác thật ung dung tự tại. Tôi thấy, khi giàu chính đáng bằng mồ hôi, nước mắt, cán bộ kính dân hơn, dân không còn e sợ cán bộ nữa. Chất lượng sống cao lên và nhân cách cũng cao lên.

Người Thanh Chương đang thực hiện một cuộc "vượt đất", đi lên từ đất một cách ngoạn mục, đầy hứa hẹn.

Neo đậu bến quê

Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) từng viết về Thanh Chương: "Thanh Chương phong tục địa phương khoáng đạt, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; kẻ sĩ chăm chỉ đèn sách, trau dồi lễ nghĩa; dân làm nghề nông thì đàn ông chăm lo mùa vụ, đàn bà thì giữ gìn chính chuyên, hiền thục".

Năm 1903, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên dạy học ở làng Nguyệt Bổng (xã Ngọc Sơn). Năm 1961, Bác Hồ hỏi thăm đồng chí Nguyễn Sỹ Quế, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về vùng này và nói: "Hồi nhỏ Bác có lên học ở đó. Ở đó phong cảnh đẹp lắm và đồng bào rất tốt"(Thanh Chương xưa và nay, NXB KHXH, 2010, tr. 182).

Ở nhà thờ họ Tôn Võ Liệt có đôi câu đối Sổ gian thôi ngõa hoàn sơ chỉ/ Bách thế cầm thư vận cố gia? (Mấy gian tranh ngói sơ sài được/Đàn sách trăm đời giữ nếp xưa).

Làng quê Thanh Chương đẹp, nhìn đâu cũng mát dịu Trước xóm sau thôn tựa khói lồng (Trần Nhân Tông). Làng xóm kiểu ấy bây giờ ngày càng ít. Nhiều nơi khác phố chẳng ra phố, làng chẳng ra làng. Nhà thơ Thợ Rèn (đã mất) từng đọc cho tôi nghe bài thơ nhân chuyến ông về thăm quê ở Thái Bình: Mái bằng, mái bằng lại mái bằng/ Tôi đi như cá lạc trong đăng/ Năm mươi năm về thăm quê mẹ/ Cả làng là một cục xi-măng. Mong sao Thanh Chương không bao giờ mắc phải sai lầm đáng tiếc ấy...

Mỗi lần về Thanh Chương, bao giờ tôi cũng rủ Phan Thanh Chương, một nhạc sĩ tài hoa, tác giả bài hát "Thanh Chương, mời bạn về thăm" với câu mở đầu trách móc: "Ngái ngôi chi mà anh nỏ về". Có lẽ nhắc đến quê là anh không cầm lòng được, nên đã viết ra câu trách ấy, nên nghe rủ là đi, là để được bước chân lên miền thượng Rú Nguộc, dù chỉ một lát, rồi về lại phố Vinh. Tôi yêu cái trách móc ấy của anh, nó gọi được tình cảm đậm đà của người Nghệ như trong câu thơ của Nguyễn Bùi Vợi. Cũng trách đấy mà thương, mà quý, sâu lắng biết bao: Răng chưa sang nhởi nhà choa/ Bà o đã nhốt con ga trong chuồng...

Tôi chẳng phải là người Thanh Chương mà cũng bị buộc, bị níu. Con đò xưa giờ đã xuôi xa..., vậy mà hồn người cứ neo đậu mãi. Nhớ cái bập bềnh của bước chân lên đò, nhớ giọt nước vẩy theo mái chèo, nhớ câu hát Chợ Cồn một tháng chín phiên em đều chờ... Chợ Cồn, chợ Rộ, Thanh Thủy, Hạnh Lâm, Bến Phuống, Bến Hà... ai quên, ai nhớ, ai mãi chờ ai?